Bến Tre: Nỗ lực phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện

02/06/2017 04:05 PM


Tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với số lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Giai đoạn 2010-2015, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện tăng trung bình trên 400 người/năm, so với số tiềm năng, số người tham gia còn rất thấp (tính đến cuối năm 2015 số người tham gia BHXH tự nguyện chiếm 0,44% so với tổng số đối tượng thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện).

Cuối năm 2016, số lao động tham gia BHXH bắt buộc chiếm tỷ lệ khoảng 78,95% so với số lao động thuộc diện phải tham gia (còn khoảng 21,05% lao động thuộc diện bắt buộc tham gia bảo hiểm xã hội chưa tham gia), số lao động tham gia BHXH tự nguyện chiếm 0,08% so với số lao động còn lại (giảm do đối tượng cán bộ xã phường thị trấn chuyển sang đối tượng bắt buộc tham gia BHXH). Như vậy, để tăng tỷ lệ lao động tham gia BHXH từ 11,4% lên 50% vào vào năm 2020 (tăng 38,6%) theo mục tiêu Nghị quyết 21-CT/TW về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020 của Bộ Chính trị ngày 22/11/2012, cần phải tập trung phát triển đối tượng BHXH, đặc biệt là BHXH tự nguyện.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng đời sống văn hóa, phong tục tập quán, đa số người dân không có thói quen tích lũy để phòng khi về già, do đó, hầu hết đối tượng tham gia BHXH tự nguyện là những người đã có thời gian đóng BHXH bắt buộc, tham gia BHXH tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định. Để người dân tích cực tham gia BHXH, đặc biệt là BHXH tự nguyện, cần tăng cường tuyên truyền nhằm thay đổi nếp sống cách nghĩ của người dân về BHXH. Muốn vậy, công tác tuyên truyền, vận động phải huy động nguồn lực từ nhiều phía, đặc biệt là sức mạnh của toàn hệ thống chính trị.

Các tổ chức Đảng, chính quyền các cấp cần quán triệt sâu sắc quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu thực hiện BHXH cho người lao động trong Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị đến cán bộ, đảng viên qua đó góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần tự giác của cán bộ, đảng viên trong việc tham gia thực hiện Luật BHXH và vận động quần chúng nhân dân cùng tham gia. Các ngành, Mặt trận và các tổ chức thành viên cần tích cực tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của chính sách BHXH đối với đời sống xã hội, tầm quan trọng của việc thực hiện BHXH đối với việc phát triển kinh tế, bảo đảm ổn định đời sống chính trị-xã hội trong tập thể cán bộ, công chức, viên chức, hội viên và nhân dân qua đó nâng cao nhận thức về tham gia thực hiện chính sách pháp luật BHXH.

Theo Trưởng phòng Khai thác Thu nợ cơ quan BHXH tỉnh Lê Văn Tám, để tăng tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện, cần tập trung tuyên truyền vận động người lao động đã có thời gian tham gia BHXH bắt buộc đã nghỉ việc hoặc người lao động đến tuổi hưu nhưng còn thiếu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí tham gia BHXH tự nguyện. Đây là đối tượng đã có những kiến thức cơ bản về BHXH nên việc vận động sẽ tương đối thuận lợi (trung bình hàng năm trên địa bàn tỉnh đối tượng này có khoảng trên dưới 9.000 người); bên cạnh đó, cũng cần tập trung khai thác đối tượng là xã viên thuộc các tổ hợp tác, hợp tác xã, đây là lực lượng đông đảo, có thu nhập ổn định, có tiềm năng tham gia BHXH tự nguyện cao.

Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29-12-2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện, từ 01/01/2018 Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ tham gia BHXH tự nguyện cho một số đối tượng, cụ thể Nhà nước hỗ trợ 25% kinh phí cho người lao động thuộc diện cận nghèo, 30% cho người lao động thuộc diện nghèo và 10% mức đóng cho người lao động khác theo chuẩn nghèo khu vực nông thôn. Đây là một trong những yếu tố tích cực góp phần nâng tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện tại Bến Tre.

NY(Theo BHXH Bến Tre)