Lan tỏa chính sách nhân văn: Khi nhà sư Khmer đồng hành cùng chính sách BHXH tự nguyện

21/05/2025 05:15 PM


Trong sắc nắng nhẹ của một buổi sáng tháng Năm, những chiếc áo cà sa vàng cam rực rỡ thấp thoáng bên sân chùa Cần Đước - một ngôi chùa cổ kính mang đậm kiến trúc Khmer, nằm giữa lòng xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Không phải là một buổi lễ Phật giáo thường lệ, hôm nay, hơn 40 nhà sư tụ hội về đây để cùng nhau lắng nghe và tìm hiểu về một nội dung tưởng như xa vời với giới tu hành - đó là chính sách BHXH tự nguyện.

Khi chính sách nhân văn tìm đến cửa chùa

Chương trình truyền thông chính sách BHXH tự nguyện được tổ chức bởi BHXH huyện Mỹ Xuyên phối hợp cùng UBND xã Thạnh Phú, với sự tham dự của ông Phú Việt Bên - Phó Chủ tịch UBND xã, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn và Đại đức Lâm Chanh Sầm Nang - Phó Trụ trì chùa Cần Đước. Đặc biệt, sự có mặt đông đủ của hơn 40 vị sư sãi đã tạo nên một không khí trang nghiêm mà ấm áp, thể hiện tinh thần cầu thị, quan tâm đến những chính sách an sinh của Đảng và Nhà nước.

Trong phần phát biểu mở đầu, ông Phú Việt Bên - Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT xã Thạnh Phú khẳng định:“Đồng bào dân tộc Khmer, nhất là các vị sư, có vai trò đặc biệt trong đời sống văn hóa, tâm linh và tinh thần của cộng đồng. Việc lan tỏa chính sách BHXH tự nguyện qua hệ thống nhà chùa không chỉ là cách tiếp cận hiệu quả, mà còn là sự tôn trọng và phát huy sức mạnh nội sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số. Chúng tôi tin rằng, từ ngôi chùa này, chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước sẽ được truyền đi bằng trái tim, bằng sự cảm hóa của đạo pháp”.

Thông qua buổi truyền thông, các viên chức truyền thông của BHXH huyện Mỹ Xuyên đã chia sẻ những nội dung then chốt về chính sách BHXH tự nguyện: từ điều kiện tham gia, mức đóng - mức hưởng, chế độ lương hưu, đến quyền lợi tử tuất… Một điểm đặc biệt được nhấn mạnh là chính sách có sự hỗ trợ của Nhà nước (Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng cho người nghèo, 25% cho người cận nghèo, 10% cho các đối tượng khác) - thể hiện rõ nét tính nhân văn của chính sách BHXH.

Ông Phú Việt Bên - Phó Chủ tịch UBND xã, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT xã Thạnh Phú (áo xanh, đứng) phát biểu tại buổi tuyên truyền

Không chỉ sử dụng tiếng Việt, phần trình bày còn được phiên dịch trực tiếp sang tiếng Khmer, giúp các vị sư hiểu rõ từng khía cạnh của chính sách, đồng thời các sư cũng chủ động đặt các câu hỏi, bày tỏ băn khoăn, thắc mắc như: “Người xuất gia có thể tham gia BHXH không?”, “Nếu sau này hoàn tục hoặc có người thân muốn tham gia thì thủ tục ra sao?”… Các câu hỏi này đều đã được viên chức truyền thông BHXH huyện Mỹ Xuyên giải đáp một cách thấu đáo, dễ hiểu.

Khởi đầu nhỏ - lan tỏa lớn

Sau phần trao đổi, một tín hiệu tích cực đã ngay lập tức nở hoa: Đại đức Lâm Chanh Sầm Nang đã quyết định tham gia BHXH tự nguyện cho chính bản thân mình và đăng ký tham gia cho người thân trong gia đình. Không chỉ vậy, sư Thạch Duyên - một vị sư trẻ - cũng đồng tình hưởng ứng, trở thành những người đầu tiên trong giới tu hành tại chùa Cần Đước tham gia vào chính sách BHXH tự nguyện của Nhà nước.

Chia sẻ với chúng tôi, Đại đức Lâm Chanh Sầm Nang nói trong sự trầm tĩnh nhưng đầy thuyết phục: “Trước giờ, chúng tôi nghĩ rằng người đi tu thì không cần đến lương hưu hay bảo hiểm, vì đời sống đã đơn giản. Nhưng hôm nay, tôi hiểu rằng tham gia BHXH không chỉ là để lo cho tuổi già của bản thân, mà còn là cách để góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn. Tôi tin rằng, với ảnh hưởng nhất định trong cộng đồng, các sư sãi có thể là những nhịp cầu nối đưa chính sách này đến với nhiều người dân, trước hết là những Phật tử người Khmer”.

Lời chia sẻ ấy khiến không ít cán bộ có mặt tại buổi truyền thông cảm thấy xúc động. Bởi chính từ những suy nghĩ đầy trách nhiệm và lòng tin ấy, chính sách BHXH tự nguyện của Đảng, Nhà nước ta mới thực sự đi vào cuộc sống, trở thành chỗ dựa vững chắc cho người dân, đặc biệt là ở những nơi vùng sâu, vùng xa.

Để không ai bị bỏ lại phía sau

Theo số liệu thống kê, tính đến giữa tháng 5/2025, huyện Mỹ Xuyên đã phát triển được 2.270 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 72,59% so với chỉ tiêu UBND huyện giao (3.127 người). Trong đó, xã Thạnh Phú đạt 158/297 người, tương đương 53,20%. Những con số ấy đã cho thấy sự nỗ lực đáng ghi nhận của hệ thống chính trị cơ sở, song cũng đặt ra áp lực không nhỏ trong công tác phát triển người tham gia trên địa bàn giai đoạn cuối năm.

Chính sách BHXH tự nguyện, khi đến đúng nơi - đúng người - đúng cách, sẽ chạm được vào trái tim của mọi người

Chính vì vậy, việc tổ chức truyền thông tại các ngôi chùa Khmer - như mô hình tại chùa Cần Đước - được cơ quan BHXH xem là một hướng đi đúng đắn, vừa mang tính đặc thù, vừa thể hiện sự tôn trọng bản sắc văn hóa dân tộc. Không chỉ góp phần nâng cao tỷ lệ người tham gia, mà còn củng cố niềm tin, lòng yêu nước và tinh thần trách nhiệm của mỗi công dân - dù họ ở bất cứ tầng lớp, dân tộc hay tôn giáo nào.

Ông Trần Minh Trọng - Giám đốc BHXH huyện Mỹ Xuyên chia sẻ:“Chúng tôi không chỉ muốn người dân hiểu chính sách, mà còn mong họ tin và chủ động tham gia. Vì vậy, bên cạnh việc truyền thông, vận độ tại hộ gia đình, tổ nhân dân tự quản, thì việc ‘gõ cửa chùa’ để vận động các nhà sư - những người có tiếng nói lớn trong cộng đồng dân tộc Khmer - là chiến lược rất quan trọng. Chúng tôi kỳ vọng rằng, từ chùa Cần Đước, mô hình này sẽ được nhân rộng ra các chùa Khmer khác trên địa bàn huyện như: chùa Nhu Gia, chùa Trà Tim, chùa Chén Kiểu…”.

BHXH tự nguyện là chính sách mở, dành cho mọi công dân Việt Nam từ 15 tuổi trở lên, không phân biệt ngành nghề, tôn giáo hay dân tộc. Khi một vị sư Khmer, một người dân tộc thiểu số, hay một người nông dân vùng sâu vùng xa quyết định tham gia BHXH tự nguyện, điều đó không chỉ là sự lựa chọn cá nhân mà còn là tiếng nói đồng thuận với chủ trương an sinh lớn của Đảng, là biểu hiện sinh động của lòng tin vào Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Từ chùa Cần Đước, chúng tôi nhìn thấy ánh mắt hào hứng của các vị sư khi được cầm trên tay tờ rơi chính sách BHXH tự nguyện, được viên chức BHXH hướng dẫn cách đăng ký, tư vấn những quyền lợi cụ thể... Có thể nói, chính sách BHXH tự nguyện, khi đến đúng nơi - đúng người - đúng cách, sẽ chạm được vào trái tim của Nhân dân.

Và có lẽ, trong tiếng chuông chùa vang lên giữa trưa thanh tịnh, chúng tôi đã nghe được những âm thanh đầu tiên của một niềm tin đang lớn dần lên: Mọi người dân, dù ở đâu, cũng sẽ có quyền được bảo vệ bởi BHXH, BHYT – những chính sách an sinh xã hội nhân văn của Đảng, Nhà nước ta./.

Quỳnh Anh (BHXH khu vực XXXIII)