Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi): Bổ sung nhiều chính sách vượt trội

13/05/2025 03:01 PM


Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 12/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).

Sớm đưa Luật vào thi hành từ 01/10/2025

Các ý kiến đều đánh giá cao việc Chính phủ và cơ quan thẩm tra đã nghiêm túc tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, của chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp để hoàn thiện dự thảo luật.

Các nội dung về phương án thuế suất phổ thông ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, hay đầu tư vào các lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đã được rà soát kỹ lưỡng, cân đối giữa thông lệ quốc tế, cạnh tranh trong khu vực và sức chịu đựng của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng góp ý để hoàn thiện nhiều quy định về người nộp thuế, thu nhập chịu thuế, thu nhập miễn thuế, các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thuế, phương pháp tính thuế và ưu đãi thuế.

Các đại biểu cũng đề cập nhiều đến nội dung miễn thuế đối với các khoản tài trợ nhận được để sử dụng cho phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (KHCN,ĐMST&CĐS), bù trừ lãi lỗ của hoạt động kinh doanh bất động sản và các hoạt động kinh doanh khác như đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhiều đại biểu đề nghị, Luật nên có hiệu lực thi hành sớm từ 01/10/2025 để giúp phần tăng thêm động lực và nguồn lực cho phát triển của doanh nghiệp

Thay mặt cho cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu tối đa để hoàn thiện dự thảo luật, đảm bảo Luật được ban hành với chất lượng tốt nhất.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng làm rõ thêm một số nội dung chủ yếu mà các đại biểu Quốc hội quan tâm.

Về rà soát hệ thống các ưu đãi thuế để thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển các lĩnh vực, ngành, địa bàn ưu tiên, Bộ trưởng cho biết tại Kỳ họp thứ 8, trên cơ sở rà soát các pháp luật hiện hành và căn cứ vào tình hình chung, tránh ưu đãi dàn trải, gây xói mòn cơ sở thuế, Chính phủ đã đề xuất nhiều giải pháp hoàn thiện chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) bao gồm các đối tượng hưởng ưu đãi, lĩnh vực, địa bàn ưu đãi.

Trong đó, tập trung khuyến khích ưu đãi thuế vào các ngành có giá trị gia tăng cao, KHCN,ĐMST,CĐS, thúc đẩy kinh tế xanh, bảo vệ môi trường và phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; thúc đẩy phát triển các hoạt động dịch vụ sự nghiệp công và thúc đẩy đầu tư vào các vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. Đồng thời, cơ quan soạn thảo cũng đã chủ động rà soát kinh nghiệm quốc tế, nhất là trong bối cảnh chúng ta phải thực hiện Trụ cột hai về thuế tối thiểu toàn cầu để xây dựng chính sách ưu đãi phù hợp nhằm tiếp tục thu hút hiệu quả vốn đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, các chính sách đảm bảo khuyến khích được sự tham gia của các thành phần kinh tế khác, trong đó có kinh tế tư nhân. Theo đó, Chính phủ đang nghiên cứu các phương thức để hỗ trợ gián tiếp, đảm bảo không vi phạm các cam kết, các hiệp định quốc tế mà Việt Nam đang tham gia.

Ngoài ra, để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của chính sách ưu đãi thuế, đảm bảo các chính sách thuế chỉ được quy định tại văn bản pháp luật về thuế, tránh việc quy định chính sách ưu đãi thuế dàn trải tại các văn bản luật chuyên ngành khác, dự thảo Luật đã bổ sung quy định trường hợp các luật khác có quy định về ưu đãi thuế TNDN khác với quy định của luật này, thì thực hiện theo quy định của luật này.

Bộ trưởng nhấn mạnh, “về nguyên tắc, các ưu đãi thuế chỉ nên được quy định trong các văn bản luật về thuế. Đồng thời chúng ta cần phải chấm dứt việc lồng ghép các chính sách ưu đãi thuế trong các luật chuyên ngành để đảm bảo tính tổng thể, nhất quán và dễ thực hiện”.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng làm rõ các nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên họp ngày 12/5.

Nhiều ưu đãi đột phá cho khoa học công nghệ

Một nội dung quan trọng nữa của dự thảo là về góp phần thể chế hóa Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị. Tại dự thảo lần này, cơ quan soạn thảo đã đề xuất bổ sung tiếp nhiều ưu đãi đột phá hơn so với quy định hiện hành liên quan đến KHCN,ĐMST&CĐS.

Cụ thể là bổ sung khoản tài trợ cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ĐMST&CĐS, khoản chi cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, ĐMST&CĐS trong doanh nghiệp là khoản chi được trừ khi tính thuế. Đồng thời, giao Chính phủ quy định mức chi bổ sung, điều kiện và phạm vi áp dụng đối với khoản chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp, để phù hợp với tình hình thực tiễn trong từng thời kỳ.

“Kinh nghiệm một số nước, người ta không quy định cứng mà giao cho Chính phủ. Để đảm bảo linh hoạt, đảm bảo tính thực tiễn, chúng tôi cũng đề nghị tiếp tục giao nhiệm vụ này cho Chính phủ”, Bộ trưởng đề nghị.

Dự thảo cũng bổ sung quy định các khoản tài trợ cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ĐMST&CĐS; khoản thu nhập từ việc thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ĐMST&CĐS là thu nhập được miễn thuế. Tổ chức khoa học và công nghệ công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận thuộc đối tượng miễn thuế TNDN.

Bên cạnh việc bổ sung các chính sách ưu đãi vượt trội nêu trên tại dự thảo này, Bộ trưởng cho biết, nhiều chính sách ưu đãi cũng được bổ sung vào các Luật thuế khác như Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân thay thế để trình Quốc hội trong thời gian tới. Ngay dự thảo luật sửa 7 luật trình Quốc hội tại kỳ này cũng tập trung vào việc bổ sung các quy định để thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Về thời hiệu của luật, từ ý kiến các đại biểu, đại diện cơ quan soạn thảo cho biết sẽ cố gắng để hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, đảm bảo Luật có thể thi hành từ 01/10/2025./.

Thái Dương