Chế độ ốm đau, thai sản: “Điểm tựa” vững chắc giúp người lao động an tâm vượt qua khó khăn
09/05/2025 01:55 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trong hành trình lao động và cống hiến, người lao động không tránh khỏi những lúc gặp khó khăn do ốm đau, bệnh tật hay phải tạm nghỉ làm để sinh con, chăm con. Trong giai đoạn ấy, chế độ ốm đau, thai sản chính là “điểm tựa” vững chắc giúp họ an tâm vượt qua những giai đoạn khó khăn trong cuộc sống. Thực tiễn cho thấy, chính sách này đang ngày càng phát huy tính nhân văn, hỗ trợ thiết thực cho hàng triệu người lao động cả về vật chất lẫn tinh thần.
Chế độ ốm đau, thai sản - “Điểm tựa” vững chắc giúp người lao động an tâm vượt qua khó khăn (ảnh minh hoạ)
Điểm tựa vững chắc
Chị Nguyễn Thị Thảo (31 tuổi, công nhân sản xuất linh kiện điện tử tại Bắc Ninh) là lao động chính trong gia đình. Đầu năm 2025, chị phát hiện mắc viêm dạ dày nặng và phải nghỉ việc điều trị gần hai tháng. Chị Thảo kể, “Lúc biết mình phải nghỉ dài ngày, tôi gần như hoảng hốt. Tiền nhà trọ, tiền sữa cho con… tất cả đều trông vào thu nhập của tôi. May mắn là công ty đã hỗ trợ làm hồ sơ hưởng chế độ ốm đau. Mỗi tháng tôi nhận được gần 5 triệu đồng – đủ để xoay sở cho cuộc sống trước mắt và an tâm điều trị cho đến khi đủ sức khoẻ trở lại làm việc”.
Bị chẩn đoán thoát vị đĩa đệm cấp tính vào đầu năm 2025, anh Trần Văn Minh (39 tuổi, tài xế xe tải tại một doanh nghiệp vận chuyển ở Bình Dương) được bác sĩ yêu cầu nghỉ ngơi hoàn toàn trong ít nhất 2 tháng để điều trị. “Điều khiến tôi lo lắng nhất lúc này là không đi làm thì lấy gì nuôi con, trả góp tiền nhà. Nhưng công ty bảo tôi cứ nghỉ theo chỉ định bác sĩ, cơ quan BHXH sẽ giải quyết chế độ ốm đau. Thực sự tôi rất mừng,” – anh Minh chia sẻ. Trong thời gian nghỉ điều trị, anh Minh được nhận đầy đủ tiền trợ cấp ốm đau mỗi tháng. Mặc dù không bằng lương khi làm việc nhưng cũng giúp anh trang trải một phần sinh hoạt hàng ngày và chi phí thuốc men.
Vừa trở lại làm việc sau kỳ nghỉ thai sản 6 tháng để chăm sóc bé thứ hai, Chị Lê Thị Lan (34 tuổi, công nhân sản xuất tại một công ty chế biến thực phẩm ở huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh) kể lại, “Khi mang thai ở tháng thứ 6, tôi bắt đầu cảm thấy sức khỏe yếu, chóng mặt, đau lưng nhiều nên được bác sĩ chỉ định nghỉ sớm. Ban đầu tôi khá lo vì nếu nghỉ làm thì mất thu nhập, không biết xoay xở chi phí sinh con như thế nào”. Tuy nhiên, do đã tham gia BHXH bắt buộc liên tục hơn 6 năm, chị Lan được hưởng chế độ nghỉ thai sản trọn vẹn, bao gồm 06 tháng nghỉ hưởng 100% mức lương trung bình đóng BHXH, cùng trợ cấp một lần khi sinh con. Ngoài ra, trong những ngày đầu thai kỳ phải nghỉ việc theo chỉ định của bác sĩ, chị cũng được hưởng chế độ ốm đau theo quy định. “Không chỉ có tiền để chi tiêu trong thời gian nghỉ sinh, tôi còn thấy yên tâm vì biết quyền lợi của mình được bảo vệ. Không bị đứt quãng thu nhập, tôi có thể dành toàn tâm chăm sóc con, hồi phục sức khỏe mà không quá lo lắng về kinh tế,” – chị Lan xúc động nói.
Không chỉ riêng Chị Thảo, anh Minh, chị Lan, theo thống kê của BHXH Việt Nam, từ năm 1995 đến hết năm 2024, hệ thống BHXH Việt Nam đã giải quyết hơn 172 triệu lượt người hưởng các chế độ BHXH và các chế độ khác liên quan. Trong đó, năm 2024, số lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe khoảng 8,8 triệu, tăng 8 lần so với năm 2000 (1,1 triệu)...Con số này cho thấy vai trò quan trọng của các chế độ BHXH – “điểm tựa” vững chắc cho người lao động vượt qua khó khăn về sức khỏe và tài chính. Cùng với nỗ lực chuyển đổi số trong việc giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức và phục hồi sức khỏe đã khẳng định, hệ thống BHXH Việt Nam đang ngày càng phát huy hiệu quả trong công tác tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT nhằm đảm bảo quyền lợi, giúp người tham gia tiếp cận các dịch vụ một cách nhanh chóng, kịp thời, chính xác và minh bạch, góp phần đảm bảo an sinh xã hội bền vững.
Bổ sung quyền lợi, đồng hành cùng người lao động trong mọi hoàn cảnh
Chế độ ốm đau, thai sản không chỉ là chính sách hỗ trợ, mà còn là minh chứng cho sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với người lao động – những người đang ngày đêm làm việc, sáng tạo để đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.
Ngày 29/6/2024, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật BHXH số 41/2024/QH15 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Với những điểm đổi mới vượt trội, Luật BHXH năm 2024 đã hoàn thiện hơn theo hướng đảm bảo quyền lợi cho người tham gia. Theo đó, củng cố các chế độ ngắn hạn như ốm đau, thai sản, đồng thời, hoàn thiện toàn bộ hệ thống BHXH theo hướng đa tầng, linh hoạt và bao trùm. Cụ thể:
Bổ sung quy định chế độ ốm đau không trọn ngày để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người lao động (Khoản 5 Điều 45). Sửa đổi quy định về chế độ ốm đau dài ngày, theo đó, người lao động có thể hưởng chế độ ốm đau trong một năm tối đa từ 30 đến 70 ngày tùy theo điều kiện làm việc, với mức hưởng bằng 75% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH. Khi hưởng hết thời hạn mà vẫn tiếp tục điều trị thì người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức hưởng thấp hơn.
Về chế độ thai sản, bổ sung quy định điều kiện hưởng đối với lao động nữ sinh con, theo đó, lao động nữ chỉ cần đóng BHXH bắt buộc từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng liền kề trước khi sinh con. Sửa đổi quy định thời gian hưởng chế độ thai sản đối với trường hợp sau khi sinh con chết. Người lao động được quỹ BHXH đóng BHYT trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng.
Nổi bật hơn là Luật BHXH 2024 còn bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện. Đây được xem là một trong những bước tiến mới nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tham gia. Theo đó, người tham gia BHXH tự nguyện đáp ứng đủ điều kiện theo quy định sẽ được hưởng trợ cấp thai sản với mức là 2 triệu đồng cho mỗi con mới sinh do ngân sách nhà nước bảo đảm, người lao động không phải đóng thêm so với quy định hiện hành. Lao động nữ là người dân tộc thiểu số hoặc lao động nữ là người dân tộc Kinh có chồng là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, khi sinh con, ngoài chế độ thai sản theo quy định vẫn được hưởng chính sách hỗ trợ khác của Chính phủ. Cùng với đó, bổ sung quyền thụ hưởng chế độ ốm đau, thai sản đối với người lao động không chuyên trách ở cấp xã thay vì chỉ hưởng hai chế độ là hưu trí và tử tuất như Luật hiện hành.
Ngoài ra, Luật BHXH năm 2024 cũng gia tăng cơ hội được hưởng lương hưu của người tham gia BHXH thông qua việc giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm; bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng; bổ sung chế độ trợ cấp hằng tháng đối với người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu, người chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và bảo đảm tốt hơn quyền tham gia, thụ hưởng BHXH đối với người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và người lao động vào làm việc tại Việt Nam...
Cuộc sống luôn có những biến cố không thể lường trước, nhưng người lao động có thể an tâm khi đã có chính sách BHXH đồng hành. Hỗ trợ tài chính đúng lúc, quan tâm đúng nghĩa – đó là cách mà chế độ ốm đau, thai sản nói riêng và chính sách BHXH nói chung đã và đang giúp người lao động ổn định cuộc sống, vững vàng hơn trên hành trình làm việc và cống hiến vì một Việt Nam đang “vươn mình”.
Chi tiết >>
Những điểm mới nổi bật của Luật BHXH 2024
BHXH Việt Nam chi trả đầy đủ, kịp thời lương hưu, ...
Video: HĐQL BHXH họp thường kỳ quý I/2025 quyết ...
(Podcast) Tháng 5 - Tháng triển khai vận động BHXH toàn dân ...
Khảo sát nhu cầu tiếp nhận thông tin trên Fanpage và Zalo ...
Nghệ An: Hỗ trợ thêm mức đóng BHXH cho người tham gia BHXH ...
Tiếp tục thúc đẩy hợp tác lĩnh vực BHYT Việt Nam - Trung ...
Tiếp tục kiện toàn tổ chức BHXH và các cơ quan ngành dọc ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?