Lương hưu giúp nhiều người cao tuổi có cuộc sống ổn định hơn
06/05/2025 08:06 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến ngày 15/4/2025, cả nước có 2,06 triệu người cao tuổi đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; 1,2 triệu người hưởng trợ cấp người có công với cách mạng; đặc biệt, có 2,7 triệu người cao tuổi đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng, trong đó 464.000 người từ 80 tuổi trở lên. Đây là những con số thể hiện vai trò thiết thực của hệ thống an sinh xã hội, trong đó lương hưu đóng vai trò là chỗ dựa vững chắc cho người cao tuổi cả về kinh tế lẫn tinh thần.
Chỗ dựa vững chắc
Thực tế đời sống cho thấy, những người có lương hưu ở tuổi già thường có cuộc sống ổn định hơn, chủ động hơn, ít phụ thuộc vào con cháu, từ đó giữ được sự tự trọng và tinh thần lạc quan. Lương hưu không chỉ là nguồn tài chính mà còn là chỗ dựa tinh thần vững chắc, giúp người cao tuổi giữ được sự tự chủ, giảm áp lực kinh tế cho gia đình, góp phần xây dựng mối quan hệ giữa các thế hệ trong gia đình thêm bền chặt.
Vừa nhận số tiền lương tháng 4/2025 là 4 triệu đồng, bà Nguyễn Thị Cúc (phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đi mua sắm thêm thực phẩm và đồ dùng thiết yếu cho gia đình. Vừa sắp xếp đồ đạc, bà Cúc chia sẻ: “Tiền lương hưu rất quan trọng với tôi. Nó giúp tôi trang trải phần lớn chi phí tuổi già mà không cần dựa vào con cháu”.
Hơn 30 năm trước, khi về nghỉ theo chế độ 176 (Quyết định số 176/HĐBT ngày 9/10/1989), bà Cúc đã có hai lựa chọn: nhận trợ cấp một lần hoặc hưởng trợ cấp mất sức hàng tháng. Mặc dù khi ấy hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, bà vẫn quyết định nhận chế độ mất sức. Nhờ vậy, suốt hơn ba thập kỷ qua, bà đều đặn nhận tiền trợ cấp hàng tháng, tổng cộng số tiền đã nhận vượt xa mức đóng ban đầu.
Điều đáng chú ý là mỗi đợt Nhà nước điều chỉnh lương hưu, khoản tiền bà Cúc nhận được cũng tăng theo. Dù mức lương hiện tại chưa cao, dưới 4 triệu đồng/tháng, bà vẫn tiếp tục được điều chỉnh bù thêm để đạt mức tối thiểu nhằm đảm bảo đời sống cơ bản. Cộng với khoản lương hưu hơn 5 triệu đồng của chồng, hai ông bà có tổng thu nhập trên 9 triệu đồng/tháng – một khoản tiền đủ để duy trì cuộc sống ổn định, ít bị phụ thuộc vào con cháu.
Cùng hoàn cảnh, bà Hoàng Thị Minh (quận Tây Hồ, Hà Nội) hiện nhận trợ cấp BHXH khoảng 3 triệu đồng mỗi tháng. Bà cho biết: “Tuổi càng cao, càng nhiều khoản cần chi tiêu, nên vài trăm nghìn nhận hàng tháng cũng rất quý. Có tiền, chúng tôi không chỉ tự lo cho bản thân mà còn có thể dành tặng con cháu chút quà nhỏ vào những dịp đặc biệt, đời sống tinh thần cũng nhờ vậy mà tốt hơn nhiều”.
Trái ngược với sự an yên của những người có lương hưu, không ít người cao tuổi không có lương hưu hoặc trợ cấp BHXH phải vật lộn với cuộc sống mưu sinh. Trường hợp của bà Nguyễn Thị Thoa (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) là một minh chứng. Vì không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình, bà Thoa ngày ngày đạp xe bán rau, bất chấp khoảng cách xa 10km và thu nhập ít ỏi chỉ khoảng 60.000-70.000 đồng mỗi ngày.
Chia sẻ trong tiếng thở dài, bà Thoa kể: “Ngày ấy, tôi nhận 'một cục' hơn một triệu đồng, về mua chiếc xe đạp, sửa lại cái bếp, lát sân gạch, rồi hết. Nếu được chọn lại, tôi đã không dại dột như thế”. Không chỉ bà Thoa, rất nhiều người đã lựa chọn nhận BHXH một lần trong quá khứ nay đối mặt với cảnh tuổi già không lương hưu, thu nhập bấp bênh, mong ước giá như có được khoản tiền đều đặn mỗi tháng.
Thực tế cho thấy, trong giai đoạn trước đây, do nhận thức còn hạn chế, đời sống kinh tế khó khăn, nhiều lao động lựa chọn nhận BHXH một lần để giải quyết nhu cầu tài chính trước mắt mà không tính đến bài toán lâu dài. Kết quả là đến khi về già, không có nguồn lương hưu ổn định, cuộc sống rơi vào cảnh khó khăn, phụ thuộc hoặc thậm chí phải tiếp tục lao động kiếm sống khi sức khỏe đã suy giảm.
Từ những câu chuyện thực tế đó, có thể thấy rõ: lương hưu là thành quả của quá trình tích lũy bền bỉ trong suốt cuộc đời lao động. Người có lương hưu ở tuổi già có thể duy trì cuộc sống độc lập, tự chủ, bảo đảm nhu cầu tối thiểu về kinh tế, đồng thời có đời sống tinh thần phong phú, trọn vẹn. Ngược lại, những người không có lương hưu, dù từng có trong tay khoản tiền "một cục" vào lúc còn sức lao động, cuối cùng vẫn phải đối mặt với nhiều hệ lụy lâu dài. Lương hưu không chỉ đơn thuần là khoản tiền đều đặn hàng tháng. Mà song song đó, ngườ cao tuổi còn được cấp thẻ BHYT miễn phí nhằm tiếp cận với các chính sách ưu đãi về y tế, chăm sóc sức khỏe, đời sống xã hội – những yếu tố thiết yếu trong bối cảnh dân số già hóa.
Tăng tính hấp dẫn của chính sách BHXH
Những năm qua, tình trạng rút BHXH một lần tại Việt Nam liên tục gia tăng, trở thành mối quan ngại lớn đối với hệ thống an sinh xã hội. Theo thống kê của BHXH Việt Nam, trong giai đoạn 2016-2022, mỗi năm có khoảng 700.000–800.000 người rút BHXH một lần, chiếm tỷ lệ lớn trong số người tham gia BHXH bắt buộc. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc rút BHXH một lần bao gồm: nhu cầu tài chính ngắn hạn, sự biến động của thị trường lao động, nhận thức hạn chế về giá trị dài hạn của BHXH, cũng như tâm lý chưa coi trọng việc tích lũy cho tuổi già.
Những người rút BHXH một lần thường sẽ mất quyền hưởng lương hưu sau này, đồng nghĩa với việc không còn được bảo vệ bởi hệ thống an sinh xã hội khi về già. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến bản thân họ mà còn làm gia tăng gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Trước tình trạng đó với những nỗ lực của ngành BHXH, từ đầu năm 2025 đến nay, lần đầu tiên trong nhiều năm, số lượng người rút BHXH một lần đã giảm mạnh. Theo BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 3/2025, toàn quốc ghi nhận 267.493 người hưởng BHXH một lần, giảm gần 70.000 người, tương đương 26,17% so với cùng kỳ năm trước. Sự sụt giảm này cho thấy nhận thức của người lao động về lợi ích của việc duy trì tham gia BHXH đã có chuyển biến rõ rệt. Đồng thời cũng phản ánh hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHXH trong thời gian qua.
Để tiếp tục củng cố hệ thống an sinh xã hội, Luật BHXH năm 2024 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2025) đã có nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng. Theo đó, hạn chế tối đa việc rút BHXH một lần: Người lao động muốn rút BHXH một lần phải đáp ứng các điều kiện chặt chẽ hơn, đồng thời Nhà nước khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu. Đồng thời, mở rộng quyền lợi cho người tham gia BHXH: Bổ sung thêm các chế độ như trợ cấp BH thất nghiệp, chế độ hưu trí linh hoạt, cho phép đóng tiếp BHXH tự nguyện sau thời gian nghỉ việc...
Tăng tính hấp dẫn của chính sách BHXH bằng việc điều chỉnh cách tính lương hưu, nâng mức hỗ trợ của Nhà nước đối với người tham gia BHXH tự nguyện, giảm thời gian tối thiểu hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm (hướng tới 10 năm trong tương lai). Những thay đổi này nhằm mục tiêu bao phủ rộng hơn đối tượng tham gia BHXH, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động, đồng thời giảm thiểu tình trạng người lao động tự rút ra khỏi hệ thống an sinh xã hội.
Bài học từ những người đang sống an yên nhờ có lương hưu, và nỗi tiếc nuối của những người không còn chỗ dựa an sinh, đều dẫn đến một thông điệp rõ ràng: Tham gia BHXH là đầu tư cho tương lai. Người lao động cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi rút BHXH một lần, bởi những khoản tiền trước mắt không thể bù đắp được những mất mát về an sinh lâu dài.
Trong bối cảnh dân số Việt Nam đang già hóa nhanh, việc người dân, người lao động tham gia BHXH để được lưới an sinh bao phủ, không chỉ là quyền lợi cá nhân mà còn là trách nhiệm chung với gia đình và xã hội. Chính sách mới từ Luật BHXH năm 2024 đã tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi để người lao động an tâm gắn bó lâu dài với BHXH, hướng tới một tuổi già chủ động, ổn định, trọn vẹn.
Tú Linh
Chi tiết >>
Những điểm mới nổi bật của Luật BHXH 2024
BHXH Việt Nam chi trả đầy đủ, kịp thời lương hưu, ...
Video: HĐQL BHXH họp thường kỳ quý I/2025 quyết ...
(Podcast) Tháng 5 - Tháng triển khai vận động BHXH toàn dân ...
Khảo sát nhu cầu tiếp nhận thông tin trên Fanpage và Zalo ...
Nghệ An: Hỗ trợ thêm mức đóng BHXH cho người tham gia BHXH ...
Tiếp tục thúc đẩy hợp tác lĩnh vực BHYT Việt Nam - Trung ...
Tiếp tục kiện toàn tổ chức BHXH và các cơ quan ngành dọc ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?