Đảm bảo an toàn cho lao động nữ làm việc ở nước ngoài
09/12/2024 09:16 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Việt Nam là quốc gia đứng thứ 2 trong khu vực về số người ra nước ngoài làm việc. Ước tính hiện có khoảng 650.000 người Việt Nam làm việc ở hơn 40 quốc gia trên thế giới. Tính riêng năm 2023 đã có 160.000 người ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng, trong đó phụ nữ chiếm trên 35%.
Mặc dù phụ nữ chiếm khoảng 1/3 trong tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài mỗi năm và đóng góp không nhỏ về kinh tế, song lao động nữ chịu những rủi ro khi làm việc ở nước ngoài.
TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam cho biết, Việt Nam có khoảng 250.000 phụ nữ đang làm việc tại nước ngoài, với thu nhập từ khoảng 1.000 USD trở lên mỗi tháng.
Lao động nữ Việt Nam làm việc ở nước ngoài.
Tính trung bình mỗi năm, 250.000 lao động nữ này đã tạo ra nguồn kiều hối khoảng 2,5 tỷ USD, chiếm 15% tổng lượng kiều hối chuyển về Việt Nam mỗi năm (kiều hối chuyển về Việt Nam đạt khoảng 16 tỷ USD năm 2025). Đây là số tiền rất lớn, đóng góp vào nền kinh tế - xã hội Việt Nam.
Theo TS Hoàng Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số, Việt Nam đang là thị trường đưa người lao động đi nước ngoài làm việc lớn nhất trong khu vực, tạo ra cơ hội lớn cho phụ nữ thay đổi cuộc sống, thu nhập.
Tham gia thị trường lao động nước ngoài, bên cạnh cải thiện thu nhập, phụ nữ còn được mở mang tầm nhìn, giao tiếp và gia tăng cơ hội trong cuộc sống. Mặc dù vậy, họ vẫn còn gặp những rủi ro trong quá trình đi làm việc ở nước ngoài, như bị bạo lực, không minh bạch trong vấn đề tiền lương…
Bà Nguyễn Mai Thủy, điều phối viên Chương trình di cư, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cũng chia sẻ, trong quá trình di cư, lao động nữ phải đối mặt với những rủi ro kép.
“Lao động giúp việc gia đình thường làm việc trong môi trường biệt lập, đa phần không được pháp luật bảo vệ về tiền lương, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, an sinh xã hội. Bản thân họ cũng có nguy cơ bị bóc lột lao động, liên quan đến cưỡng bức, thậm chí mua bán người, song cơ chế khiếu nại còn nhiều hạn chế”, bà Thủy thông tin.
Đảm bảo môi trường làm việc an toàn và phẩm giá cho người lao động
Ông Nii Anddy, Giám đốc Chương trình Định hình tái định cư - định hướng phát triển của Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) cho rằng, di cư để làm việc đã trở thành phương tiện sinh kế thiết yếu và là cửa ngõ dẫn đến cơ hội tốt hơn cho nhiều lao động, bao gồm cả lao động nữ của Việt Nam.
Tuy nhiên, theo ông Anddy, mặc dù di cư mang lại cơ hội để tăng cường tính độc lập về kinh tế của phụ nữ nhưng hành trình này cũng đầy thách thức. Cụ thể, họ có thể đối diện với những rủi ro tiềm ẩn bao gồm bóc lột, lạm dụng và tiếp cận không đầy đủ các chính sách, pháp luật cũng như dịch vụ hỗ trợ.
Nhiều năm nghiên cứu về phụ nữ ra nước ngoài làm việc, TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội thừa nhận di cư lao động là xu hướng tất yếu không thể tránh khỏi, thậm chí giờ đây cần nhìn nhận ở góc độ toàn cầu.
Theo bà Hồng, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đã tương đối đầy đủ và hoàn thiện, song với nhóm này dường như vẫn còn khoảng trống. Số lao động đi theo các con đường “rỉ tai” nhau, hay phi chính thức vẫn rất lớn, song chưa thể quản lý hết được, nhất là sang các thị trường Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc)…
Vì thế, gần như họ không được pháp luật bảo vệ. Trong khi đó, phần lớn số này là phụ nữ ở độ tuổi trung niên, đến từ nông thôn với trình độ học vấn thấp, không có nghề nghiệp, kỹ năng xã hội.
Từng nhiều năm công tác trong cơ quan quản lý lao động ngoài nước, ông Nguyễn Gia Liêm, nguyên Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước nhận định công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài là định hướng để giải quyết việc làm, tăng nhu nhập, nhưng điều quan trọng là thông qua đó còn góp phần đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam ở nước ngoài để sử dụng hiệu quả sau khi về nước.
Theo ông Liêm, pháp luật đã có các cơ chế hỗ trợ người lao động, song cách thức tổ chức thực hiện ở địa phương, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp cần được nâng cao hơn.
Vấn đề quan trọng nữa là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp thực hiện công tác phái cử; xem xét bổ sung thêm quy định về việc doanh nghiệp phải mua bảo hiểm cho người lao động với mức tối thiểu khi đi làm việc ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đảm bảo rà soát lại các hoạt động đưa đi, phối hợp với các tổ chức, cơ quan chính quyền địa phương trong công tác giáo dục định hướng cho người lao động trước khi xuất cảnh... Quan trọng nhất, người lao động cần biết cách bảo vệ chính mình. Trong trường hợp không giải quyết được cần có sự can thiệp của các cơ quan chức năng.
Theo Báo Lao động và Xã hội số 148
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH tỉnh Cà Mau quyết tâm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ công ...
BHXH tỉnh Quảng Nam hoàn thành chi trả lương hưu, trợ cấp ...
BHXH Việt Nam đề nghị các ngân hàng hỗ trợ người hưởng ...
Triển khai Chỉ thị 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh ...
Hội nghị tổng kết công tác công đoàn năm 2024 và phương ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?