Luật Công nghiệp Công nghệ Số: Động lực Phát Triển Kinh Tế Số và Đột Phá Công Nghệ Cho Việt Nam
09/10/2024 08:42 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều ngày 8/10/2024, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã trình bày về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, với mục tiêu đưa ngành công nghiệp công nghệ số trở thành một trong những trụ cột chính của nền kinh tế Việt Nam.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trình bày Tờ trình tại phiên họp (Ảnh quochoi.vn)
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Mạnh Hùng, cho biết mục đích ban hành luật nhằm phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế đóng góp lớn vào kinh tế đất nước; tạo môi trường thuận lợi nhất để nuôi dưỡng và phát triển doanh nghiệp công nghệ số.
Việc phát triển ngành công nghiệp công nghệ số với trọng tâm là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, từng bước chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết kế, tích hợp, sản xuất, làm chủ công nghệ lõi tại Việt Nam; góp phần xây dựng Chính phủ số, động lực phát triển kinh tế số, xã hội số.
Luật này cũng nhằm khẳng định giá trị pháp lý của công nghiệp công nghệ số; hình thành các quy định, chính sách để thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số…
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, dự thảo luật đã thể hiện rõ các nội dung cần thiết để phát triển ngành công nghiệp công nghệ số như: Nghiên cứu và phát triển công nghệ số; hạ tầng cho công nghiệp công nghệ số; hệ sinh thái công nghiệp công nghệ số; doanh nghiệp công nghệ số; sản phẩm, dịch vụ công nghệ số; tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật và nhân lực cho công nghiệp công nghệ số.
Trong đó dự luật quy định một số nội dung về ưu tiên phát triển lực lượng nghiên cứu, đội ngũ chuyên gia, nghiên cứu viên chất lượng cao; hình thành các cơ sở, trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm hiện đại.
Đồng thời, xây dựng và triển khai các chương trình nghiên cứu, phát triển công nghệ số trọng điểm, tập trung vào các công nghệ số cốt lõi; có chính sách khuyến khích các tập đoàn công nghệ đầu tư, thiết lập các trung tâm nghiên cứu, phát triển công nghệ số tại Việt Nam...
Đáng chú ý, Bộ trưởng TT-TT đề xuất bổ sung nội dung về tài sản số, AI và điều chỉnh nội dung "vi mạch bán dẫn" thành "bán dẫn".
Trong đó nêu rõ, công nghiệp bán dẫn là một phân ngành quan trọng của công nghiệp công nghệ số, tương đối hoàn chỉnh mang tính vật lý cao, có quy mô đủ lớn.
Dự luật giao Chính phủ xây dựng chiến lược, cơ chế chính sách riêng để phát triển trong từng thời kỳ.
Ngoài ra, dự luật cũng dành riêng chương 6 quy định về trí tuệ nhân tạo (AI) với định hướng đây là một trong các công nghệ số cốt lõi nhất. Theo đó, dự luật đưa ra định nghĩa, các nguyên tắc quản lý và phát triển, giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.
Dự luật cũng nêu rõ nguyên tắc quản lý và phát triển AI. Theo đó, AI phục vụ sự thịnh vượng và hạnh phúc con người, phải đảm bảo minh bạch và giải thích được, có trách nhiệm giải trình, công bằng và không phân biệt đối xử, tôn trọng các giá trị đạo đức và giúp con người, bảo vệ quyền riêng tư, tiếp cận bao trùm, an ninh và bảo mật, kiểm soát được, quản lý dựa trên rủi ro, đổi mới có trách nhiệm và khuyến khích hợp tác quốc tế.
Cần có chính sách ưu đãi vượt trội, đặc thù hơn nữa
Thẩm tra dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, cho biết dự thảo luật cơ bản đã thể chế hóa và phù hợp với đường lối, chủ trương, của Đảng và chính sách của Nhà nước. Nhìn chung, hồ sơ dự án luật đáp ứng yêu cầu, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Toàn cảnh phiên họp (Ảnh quochoi.vn)
Cơ quan thẩm tra tán thành với việc thiết kế các chính sách và các quy phạm mới mang tính đột phá, vượt trội để thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số.
Để dự án Luật có tính khả thi cao, bảo đảm tính tương thích với hệ thống pháp luật hiện hành, đề nghị cần xác định rõ mối quan hệ giữa dự luật này và Luật Công nghệ thông tin (CNTT) hiện hành.
Riêng về công nghiệp bán dẫn, cơ quan thẩm tra thống nhất cần phải có quy định phát triển công nghiệp bán dẫn trong Luật Công nghiệp công nghệ số.
Đồng thời đề nghị nghiên cứu, có chính sách ưu đãi vượt trội, đặc thù hơn nữa so với quy định như dự thảo luật hiện nay; xem xét bổ sung một số quy định về chính sách, ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học; quy định về bảo đảm cung cấp cơ sở hạ tầng nhất là điện sạch, nước sạch.
Cần nghiên cứu bổ sung quy định tỉ lệ sử dụng sản phẩm bán dẫn do doanh nghiệp nội địa sản xuất đối với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; quy định rõ hơn trách nhiệm của nhà đầu tư nước ngoài trong vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cao, chuyển giao công nghệ, máy móc, thiết bị… theo lộ trình, phù hợp điều kiện thực tế.
Về trí tuệ nhân tạo (AI), ông Lê Quang Huy cho hay một số ý kiến cho rằng việc quy định như dự thảo luật về cơ bản là hợp lý. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cần nghiên cứu toàn diện để xây dựng một Đạo luật riêng về AI của Việt Nam. Cơ quan thẩm tra cơ bản tán thành sự cần thiết quy định đối với các hệ thống AI được lồng ghép trong dự thảo luật.
Phạm Chính
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
Khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ năm 2024, tạo tiền ...
Đảm bảo quyền lợi BHXH, BHYT cho các nạn nhân vụ cháy quán ...
Hoạt động hiến máu tình nguyện năm 2024: Lan tỏa tinh thần ...
BHXH Việt Nam tăng hạng, xếp thứ 2 về Chỉ số phục vụ người ...
Đổi mới thông tin khoa học và ứng dụng kết quả thực hiện ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?