Sự chuyển mình từ nước thiếu ăn đến quốc gia tiên phong về an sinh xã hội

29/08/2024 09:45 AM


Trải qua gần 40 năm đổi mới và phát triển, Việt Nam đã xây dựng một hệ thống an sinh xã hội đồng bộ, đem lại niềm tin trong nhân dân...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, cùng các đại biểu tặng quà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Cược (sinh năm 1930)

Hệ thống an sinh xã hội đồng bộ thể hiện qua các chính sách tạo việc làm, bảo đảm thu nhập tối thiểu, bảo hiểm xã hội, trợ giúp xã hội và cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường và thông tin truyền thông. 

Đây là sự chuyển mình ngoạn mục từ một đất nước thiếu ăn đến quốc gia tiên phong về an sinh xã hội, đánh dấu sự chuyển đổi nhận thức về chính sách xã hội của Đảng, là bước tiến dài mang tính lịch sử trong quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao; diện mạo xã hội thay đổi căn bản; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; kinh tế - xã hội phát triển toàn diện, hài hòa hơn; đem lại niềm tin và sự hài lòng của người dân, khẳng định tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp mặt người có công tiêu biểu năm 2024

      Quốc gia đi đầu trong giảm nghèo

Có thể khẳng định, việc đảm bảo an sinh xã hội từ chủ yếu nhận thức hỗ trợ nhân đạo sang đảm bảo quyền an sinh của công dân. Chính sách xã hội đã dần gắn với chính sách kinh tế trong từng bước, từng chính sách phát triển; phát triển hài hòa đời sống vật chất và đời sống tinh thần của nhân dân.

Việc giải quyết các vấn đề xã hội từ Nhà nước đóng vai trò nòng cốt và chủ yếu chuyển sang Nhà nước đóng vai trò chủ đạo đi đôi phát huy vai trò quan trọng của doanh nghiệp, thị trường, các tổ chức xã hội và ý chí tự lực, tự cường của người dân.

Nhà nước đã dành nguồn lực ngày càng lớn chi cho an sinh xã hội, trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, đã dành gần 20% tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm cho an sinh xã hội; đồng thời huy động sâu rộng sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Điểm sáng đáng ghi nhận là Việt Nam từ một nước có tỷ lệ hộ nghèo gần 60% vào năm 1986, đã ngoạn mục giảm xuống còn 5,71% năm 2023 (theo công bố của Bộ LĐ-TB&XH).

Thu nhập của người nghèo được cải thiện đáng kể, thu nhập bình quân hộ nghèo năm 2023 bằng 3,58 lần năm 2010. Việt Nam trở thành quốc gia đi đầu trong giảm nghèo và thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và phát triển bền vững của Liên hợp quốc, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Đặc biệt, trong vòng 10 năm gần đây chúng ta đã thực hiện thành công bảo hiểm y tế toàn dân; thu nhập của người dân tăng gấp hơn 2,2 lần, công ăn việc làm và sinh kế được bảo đảm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm, tặng quà người nghèo, người cao tuổi không nơi nương tựa tại Cần Thơ

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2023, dân số Việt Nam là 100,3 triệu người; tuổi thọ trung bình của dân số cả nước là 73,7 tuổi (năm 2022 là 73,6 tuổi), trong đó nam là 71,1 tuổi và nữ là 76,5 tuổi; chỉ số phát triển con người (HDI) có sự cải thiện vượt bậc, đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia có chỉ số phát triển con người cao, đạt 0,703 năm 2021, cải thiện thứ hạng từ vị trí 127/187 năm 2012 lên vị trí 115/191 năm 2021 trong bảng xếp hạng của Liên hợp quốc. 

Tỷ lệ thất nghiệp chung ổn định dưới 3%, thất nghiệp thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ năm 2023 đạt 27%. Năm 2023, bảo hiểm xã hội đạt 39,25% và bảo hiểm thất nghiệp đạt 31,6% lực lượng lao động trong độ tuổi; bảo hiểm xã hội tự nguyện tạo bước tiến bộ rõ rệt, đạt gần 1,5 triệu người tham gia.

Số người hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên tăng hàng năm, đạt 3,718 triệu người năm 2023 (chiếm 3,6% dân số); đã thực hiện rất thành công công tác phòng, chống dịch Covid-19 đi đôi với bảo đảm an sinh xã hội (trong 3 năm 2020 - 2022 đã nhanh chóng, kịp thời triển khai 4 gói cứu trợ chưa từng có tiền lệ, với số tiền trên 120.000 tỷ đồng và trên 200.000 tấn gạo hỗ trợ cho trên 68 triệu lượt người). 

Về đảm bảo mức tối thiểu các dịch vụ xã hội cơ bản: Đối với giáo dục, đã bảo đảm trẻ em đi học đúng tuổi cấp tiểu học đạt 99% từ năm 2015, cấp THCS đạt trên 95% từ năm 2020, tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên biết chữ đạt 97,85%.

Lĩnh vực y tế tối thiểu, đến năm 2023 đã thực hiện thành công bảo hiểm y tế toàn dân, với độ bao phủ 93,35% dân số, tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt trên 90%, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân còn 10,8%, tỷ lệ dân số mắc bệnh lao còn khoảng 176/100.000 người (năm 2021).

Về nhà ở và điều kiện ở cho người nghèo, người có thu nhập thấp ở đô thị, lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và học sinh, sinh viên từng bước được cải thiện.

Đến hết năm 2020, đã hỗ trợ chỗ ở cho 648.000 hộ nghèo nông thôn, trên 18.000 hộ phòng, tránh bão, lũ lụt khu vực miền Trung, 52.000 hộ vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long, 323.000 căn nhà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.

Đến cuối năm 2021, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 90%; trong đó, 54% sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn; Từ năm 2016 đã hoàn thành mục tiêu 100% xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo được phủ sóng phát thanh mặt đất và truyền hình mặt đất; năm 2020, 100% các xã có đài truyền thanh xã.

Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, trên cơ sở đánh giá toàn diện và khẳng định Nghị quyết 15-NQ/TW một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020 đã đi vào cuộc sống, đạt được những thành tựu to lớn, quan trọng, hệ thống chính sách xã hội, an sinh xã hội cơ bản hoàn thiện, từng bước tiến tới mục tiêu đảm bảo công bằng, toàn diện, bao trùm, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế, cơ bản đảm bảo quyền an sinh của người dân, góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị và trật tự xã hội;

Đã ban hành Nghị quyết 42 về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng chính sách xã hội đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Đây là Nghị quyết có ý nghĩa quan trọng về định hướng xây dựng chính sách xã hội trong tình hình mới với sự thay đổi tư duy, chuyển từ cách tiếp cận chính sách xã hội với mục tiêu "đảm bảo và ổn định" sang "ổn định và phát triển".

"Chính sách xã hội sẽ từng bước chuyển từ hỗ trợ nhân đạo dành cho đối tượng khó khăn, yếu thế sang thực hiện chế độ phúc lợi xã hội, đảm bảo quyền an sinh của người dân, mở rộng để mọi đối tượng đều được tham gia và thụ hưởng thành quả phát triển chung của xã hội".

Hướng tới an sinh xã hội cho toàn dân

Yêu cầu đặt ra của Nghị quyết là phải kết hợp hài hoà giữa tiếp tục đảm bảo an sinh xã hội, các chính sách xã hội khác để tiếp tục đảm bảo ổn định xã hội, đồng thời tập trung cho phát triển xã hội, tiến bộ xã hội thông qua phát triển con người, phát triển nguồn nhân lực, phát triển tầng lớp trung lưu gắn với quản lý phát triển xã hội bền vững và làm động lực phát triển kinh tế, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đồng thời, mở rộng các chính sách xã hội gồm chính sách lao động, việc làm, phát triển nguồn nhân lực; chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; đảm bảo an sinh xã hội, cho đến nâng cao phúc lợi xã hội và đảm bảo tiếp cận dịch vụ xã hội về y tế, giáo dục, nhà ở, văn hoá, nước sạch, vệ sinh môi trường, thông tin truyền thông có chất lượng cho mọi người dân, nhưng luôn quan tâm đến nhóm yếu thế, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa.

Hệ thống an sinh xã hội ngày càng giữ vai trò trung tâm trong chính sách kinh tế nói chung chứ không chỉ gói gọn trong chính sách xã hội và trong tương lai sẽ ngày càng có vai trò như một hệ thống khuyến khích tiết kiệm quốc gia để hỗ trợ phát triển bao trùm, bền vững, thích ứng với quá trình già hóa dân số, thúc đẩy tăng hiệu quả thị trường lao động và quản lý rủi ro ở cấp quốc gia và cấp hộ gia đình.

Để phục vụ một quốc gia đang biến chuyển trong một thế giới không ngừng thay đổi, tâm điểm đổi mới này sẽ hỗ trợ đất nước, các gia đình và mỗi cá nhân trong nhiều giai đoạn chuyển đổi, từ không có việc làm tới có việc làm, từ các trạng thái nghèo khó và dễ bị tổn thương tới trạng thái ổn định, từ lúc còn tuổi trẻ sang giai đoạn tuổi già;

Trong quá trình chuyển đổi từ việc làm này sang việc làm khác hoặc từ một vùng miền này sang một vùng miền khác của đất nước, trong giai đoạn ốm đau hoặc thương tật, hoặc trong giai đoạn hậu quả từ các cú sốc thiên tai.

Để làm được như vậy, hệ thống an sinh xã hội trong tương lai cần phải đáp ứng được nhu cầu của tầng lớp trung lưu đang ngày càng đông đảo với kỳ vọng về an sinh xã hội ngày càng cao.

Hướng tới an sinh xã hội cho toàn dân, trên thế giới không có quốc gia nào tự cho rằng hệ thống an sinh xã hội của mình là đầy đủ và hoàn thiện. Hệ thống an sinh xã hội với ý nghĩa tốt đẹp của nó luôn được đặt trong quá trình vận động, cải cách, mở rộng nhằm hướng tới sự bảo vệ toàn diện, đầy đủ hơn cho người dân.

Là một quốc gia đang phát triển, hệ thống chính sách, pháp luật về an sinh xã hội của Việt Nam đòi hỏi phải có sự đổi mới tích cực để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, phúc đáp tốt hơn quyền được bảo đảm an sinh xã hội của mọi người dân. 

An sinh xã hội là sự thể hiện trực tiếp mục tiêu, lý tưởng, bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã và đang phấn đấu xây dựng, mà ở đó “con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”, trong bối cảnh phát triển mới của đất nước, hệ thống an sinh xã hội đang được đặt trong cuộc chuyển mình mạnh mẽ của nền quản trị để phúc đáp ngày càng tốt hơn quyền cơ bản của công dân về an sinh xã hội và cũng để giải quyết tốt các mối quan hệ lớn giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa tăng trưởng kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. 

Suốt nhiều thập kỷ qua, đặc biệt là từ khi ban hành Nghị quyết số    15-NQ/TW một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách an sinh xã hội, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để ổn định chính trị - xã hội, phát triển bền vững.

Chính sách an sinh xã hội được xác định là một bộ phận quan trọng của chính sách xã hội và là điều kiện để bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa cho sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Với đường lối nhất quán đó, những năm qua, mặc dù nguồn lực của đất nước còn hạn hẹp nhưng Đảng, Nhà nước vẫn luôn coi trọng công tác bảo đảm an sinh xã hội, quan tâm đầu tư cho vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các huyện nghèo, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, xã bãi ngang ven biển, hải đảo, chăm lo đời sống và tạo cơ hội phát triển cho các đối tượng yếu thế trong xã hội…

Các chương trình xóa đói giảm nghèo của Việt Nam ở tầm quốc gia đã thu được những kết quả tốt đẹp, được dư luận quốc tế thừa nhận và đánh giá cao, nhất là xóa đói, giảm nghèo cho nông dân ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 

Những thành tích mà Việt Nam đạt được về phát triển giáo dục, chăm lo sức khỏe cộng đồng, thực hiện bảo hiểm y tế cho người dân, khám chữa bệnh cho người nghèo, chăm sóc bà mẹ và trẻ em cũng như những nỗ lực giải quyết việc làm, cải thiện mức sống và điều kiện sống cho dân cư, cứu trợ xã hội và thực hiện phúc lợi xã hội, quan tâm tới các đối tượng yếu thế... là minh chứng về những nỗ lực không ngừng của nền quản trị trong việc thực hiện và từng bước bảo đảm an sinh xã hội cho mọi người dân. 

Với sự quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương, trong đó có ngành LĐ-TB&XH được Chính phủ giao trọng trách nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách và tổ chức triển khai thực hiện trong toàn quốc, trong đó có vai trò của Tư lệnh ngành đã có nhiều đóng góp quan trọng vào các nhiệm vụ trọng tâm như:

Giải quyết đời sống cho nhân dân và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững theo chuẩn nghèo đơn chiều chỉ có lương thực và thực phẩm sang chuẩn nghèo đa chiều là căn cứ để đo lường và giám sát mức độ thiếu hụt về thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân.

Với những việc làm cụ thể, hiệu quả như xử lý các tồn đọng trong chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, giải quyết vấn đề nhà ở cho người có công, người nghèo, giải quyết đơn thư khiếu nại, tồn đọng về mặt chính sách. Đây rõ ràng là quyết tâm của ngành và sự chỉ đạo sát sao của Bộ trưởng.

Rất nhiều vấn đề về chính sách người có công, đối tượng xã hội, người yếu thế đã được cải thiện và niềm tin của người dân đối với chính sách này đã được nâng lên.

Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn “già hóa dân số” (người cao tuổi chiếm trên 10% tổng dân số từ năm 2011) và là một trong 5 nước có tốc độ già hoá nhanh nhất thế giới; tầng lớp trung lưu đang hình thành - hiện chiếm 13% dân số và dự kiến lên đến 26% vào năm 2026.

Trong bối cảnh hiện nay, với những thách thức của già hóa dân số, cách mạng công nghiệp lần thứ tư, biến đổi khí hậu và nước biển dâng, thiên tai, dịch bệnh, cần tiếp tục kế thừa thành tựu đã đạt được để phát triển bền vững đất nước.

Với mục tiêu xoá bỏ hoàn toàn nghèo đói cùng cực cho tất cả mọi người ở mọi nơi, mọi thời điểm và mọi chiều; tập trung giải quyết nhóm nghèo nhất, vùng nghèo nhất, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền, dân tộc.

An sinh xã hội phát triển toàn diện tiến tới bao phủ toàn dân, nhất là quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, người nghèo, người yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số để không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển.

Việt Nam đã và đang hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia tiên phong về an sinh xã hội vào năm 2030. Điều này được khẳng định bằng quyết sách của Nhà nước về phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm bền vững cho người lao động;

Nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm mọi người dân được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản có chất lượng; tập trung ưu tiên thực hiện chủ trương của Đảng và Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045, nhằm đảm bảo cuộc sống ổn định và phát triển cho mọi người dân, đặc biệt là những người gặp khó khăn hoặc rủi ro trong cuộc sống.

TS Bùi Sỹ Lợi - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội

Báo Lao động và Xã hội số Kỷ niệm 79 năm Quốc khánh 2/9, Ngày truyền thống ngành LĐ-TB&XH 28/8

Thu Thuỷ (T/h)

  • TIN BÀI LIÊN QUAN