Tri ân người có công, ra mắt ngân hàng Gen liệt sĩ chưa xác định thông tin

23/07/2024 01:51 PM


Sáng 23/7, tại Hà Nội đã diễn ra “Hội nghị Tri ân người có công với cách mạng năm 2024 và ra mắt Ngân hàng gen (ADN) liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ”.

Chương trình do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì và phối hợp tổ chức. Tham dự Hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, lãnh đạo các ban, bộ ngành Trung ương và hơn 400 đại biểu tiêu biểu đại diện cho trên 9,2 triệu người có công và thân nhân người có công với cách mạng trong cả nước.

Hội nghị đã chính thức ra mắt “Ngân hàng gen (ADN) liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ chưa xác định được thông tin”. Việc xây dựng “Ngân hàng gen” liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ không chỉ mở ra hy vọng cho hơn 300.000 gia đình người có công mà còn là niềm mong mỏi của nhân dân cả nước rằng tương lai không xa, tất cả các liệt sĩ đã nằm xuống, hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc sẽ được quy tập và xác định được danh tính.

Kích hoạt ngân hàng Gen liệt sĩ chưa xác định thông tin - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, 77 năm qua, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng không ngừng được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và tổ chức thực hiện bài bản, nghiêm túc. Đời sống của người có công và gia đình không ngừng được nâng lên cả về vật chất và tinh thần. Vừa qua, thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2024, đối tượng người có công và thân nhân người có công có tỉ lệ điều chỉnh tăng cao nhất. Nói về việc kích hoạt ngân hàng gen liệt sĩ và thân nhân tại hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ rất quyết tâm với công tác này. Trong đó có việc phê duyệt hai đề án liên quan việc quy tập và xác minh hài cốt, danh tính liệt sĩ. Việc chính thức ra mắt ngân hàng này nhằm mục tiêu sớm hoàn thành giám định hơn 20.000 hài cốt liệt sĩ, phấn đấu xác định danh tính 60% liệt sĩ trong các nghĩa trang.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, trong dịp Tháng Bảy truyền thống lịch sử, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch kỷ niệm 77 năm Ngày thương binh liệt sĩ. Thường trực Ban Bí thư đã có văn bản phân công các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm hỏi, tặng quà và tham dự các hoạt động kỷ niệm; các địa phương đã hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng trong công tác chăm sóc người có công.

Chủ tịch nước đã tặng quà cho gần 1,4 triệu người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng, với tổng kinh phí gần 420 tỷ đồng. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 77/2024/NĐ-CP ngày 1/7/2024 quy định điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng (tăng 35,7%). Đây là mức tăng cao nhất qua các lần điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng trong nhiều thập kỷ qua, được dư luận xã hội và người có công, thân nhân hoan nghênh, ủng hộ.

Về hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng, từ những kết quả nổi bật trong giai đoạn 2013-2020, với hơn 10.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương đảm bảo, cả nước đã hoàn thành việc hỗ trợ xây mới và sửa chữa cho 393.707 hộ người có công với cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg; đồng thời, đang triển khai Đề án hỗ trợ nhà ở người có công với cách mạng giai đoạn đến năm 2025, với dự kiến trên 162.000 hộ, kinh phí khoảng trên 7.000 tỷ đồng.

Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa ngày càng phát triển sâu rộng, được xã hội đồng tình hưởng ứng, cùng chăm lo, trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc. 10 năm qua (2013 - 2023), cả nước đã vận động gần 7.900 tỷ đồng để hỗ trợ hộ gia đình người có công; xây dựng mới 67.700 căn nhà và sửa chữa gần 45.900 căn nhà tình nghĩa, với tổng kinh phí hỗ trợ trên 12.700 tỷ đồng; tặng hơn 110.000 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách, với trên 403 tỷ đồng và hỗ trợ một số trường hợp đặc biệt khó khăn; 2.412 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các tổ chức nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời.

Các công trình ghi công liệt sĩ thường xuyên được quan tâm, chăm sóc, tu bổ, cả nước đã tôn tạo, nâng cấp, sửa chữa, chỉnh trang trên 3.000 nghĩa trang liệt sĩ, trên 4.000 công trình ghi công liệt sĩ. Tiến hành chuẩn hoá thông tin bia mộ liệt sĩ, 2 năm qua đã điều chỉnh 20.000 bia mộ đang ghi "Liệt sĩ vô danh" và thống nhất ghi “mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin” theo quy định.

Đối với việc xem xét, công nhận người có công với cách mạng, qua 6 năm triển khai giải quyết hồ sơ tồn đọng, cả nước đã giải quyết được căn bản trên 7.000 hồ sơ, trong đó, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với hơn 2.400 liệt sĩ (trong thời kỳ chống Pháp và giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ) và hơn 2.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Đây là việc làm vô cùng khó khăn, do thời gian đã quá lâu, hồ sơ thất lạc, người giao nhiệm vụ không còn sống, đồng đội, người làm chứng đều đã mất…

Những kết quả đó mang đậm nghĩa tình, tri ân sâu nặng đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng, phần nào đã xoa dịu những đau thương, mất mát của những người ở lại, thể hiện được trách nhiệm đối với những người đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc vĩ đại của dân tộc, ghi nhận những nỗ lực của Ngành LĐ-TB&XH thời gian qua.

Chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã độc lập, thống nhất, nhưng vẫn còn đó biết bao nỗi đau thương, gần 200.000 liệt sĩ chưa được quy tập, gần 300.000 liệt sĩ chưa xác định được thông tin. Thời gian qua, chúng ta đã triển khai Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (Đề án 150), thực hiện với phương pháp giám định ADN và thực chứng. Phương pháp giám định ADN đã triển khai gần 10.000 mẫu hài cốt liệt sĩ và hơn 3.000 mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ. Kết quả, đã so sánh đối khớp được hơn 1.000 danh tính liệt sĩ để báo tin về cho thân nhân liệt sĩ.

Thực hiện kế hoạch tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin đến năm 2030, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ, trên nền tảng hiện nay các đơn vị đã lưu trữ được số liệu của trên 25.000 dữ liệu ADN hài cốt liệt sĩ và thân nhân. Tại Hội nghị, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Bộ Công an đề xuất Chính phủ xây dựng Ngân hàng Gen (ADN) liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ.

Việc thực hiện lấy mẫu ADN chưa xác định được thông tin và toàn bộ thân nhân trực tiếp của các liệt sĩ chưa xác định thông tin để giám định, lưu trữ trong Ngân hàng Gen sẽ là bước chuẩn bị tốt nhất cho hành trình dài tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin./.

Phạm Chính