Hỗ trợ người dân thất nghiệp tìm kiếm việc làm thông qua chính sách BHXH, BHTN
06/06/2024 03:35 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 06/6/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã Phát biểu báo cáo giải trình một số nội dung thuộc 4 nhóm vấn đề chất vấn của Đại biểu Quốc hội. Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khẳng định, để khoan thư sức dân đã có chính sách hỗ trợ, tìm kiếm việc làm thông qua chính sách BHXH, BHTN… Đồng thời, để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp…
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà: Chính sách BHXH, BHTN đã hỗ trợ người dân, NLĐ trong lúc khó khăn
Đảm bảo người dân tham gia và được thụ hưởng chính sách
Liên quan đến vấn đề về thứ tự ưu tiên trong số những giải pháp của Chính phủ để vừa khoan thư sức dân, vừa phát triển kinh tế xã hội của ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau), Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà thừa nhận đây là vấn đề không đơn giản. Để khoan thư sức dân, ngay sau sau Covid-19 chúng ta đã có nhiều giải pháp từ cung cấp gói tài chính hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư, hỗ trợ người dân thất nghiệp để tìm kiếm việc làm thông qua chính sách BHXH, BH thất nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều gói kích cầu, gói khắc phục hậu quả sau đại dịch. Nhưng đến nay, cần đưa ra giải pháp căn cơ.
Theo Phó Thủ tướng, là giúp người dân thích ứng với trong mọi điều kiện, đảm bảo các ngành, nghề phát triển, tạo ra công ăn việc làm cho người dân, khi chuyển đổi các ngành nghề và mô hình kinh tế phải hỗ trợ người dân trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Cùng với đó, cần đưa ra các gói kích cầu tiêu dùng để phát triển; quan tâm hiệu quả, nâng cao năng suất chất lượng trong đầu tư. Tăng tốc phát triển kinh tế hiệu quả hơn, đặc biệt chú trọng đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, nâng cao sức mạnh cạnh tranh để phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng. Đây chính là giải pháp đảm bảo người dân tham gia, người dân được thụ hưởng và nền kinh tế cũng đảm bảo phát triển.
Về câu hỏi của ĐB Phan Đức Hiếu (Thái Bình), Phó Thủ tướng nhận thấy, đây là câu hỏi hay, ĐB quan tâm đến trách nhiệm của hoạt động Chính phủ là rất sát. Để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hiện nay đã có nhiều giải pháp được đề ra. Theo đó, giải pháp thứ nhất đối với vấn đề liên quan đến thể chế, Chính phủ sẽ sớm đưa các văn bản pháp lý liên quan vào. Giải pháp thứ hai liên quan đến tổ chức thực hiện về thể chế, liên quan đến trách nhiệm cụ thể khi gắn với các chủ thể trong quản lý. Giải pháp thứ ba liên quan đến chống đùn đẩy, tức là các văn bản pháp luật phải rõ ràng trách nhiệm, cụ thể trách nhiệm. Với TTHC được quy định rõ ràng, Phó Thủ tướng cho rằng, các vướng mắc hiện nay của người dân và doanh nghiệp sẽ được giải quyết, đặc biệt nhiều trình tự, thủ tục mà Chính phủ đang xem xét cắt giảm, đồng thời phải tăng cường phân cấp cho các chính quyền địa phương để trực tiếp tổ chức thực hiện và làm rõ vai trò giám sát của Trung ương và địa phương.
Liên quan đến chất vấn của ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) về định hướng và công tác điều hành giá trong thời gian tới để bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát, nhất là khi thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2024, Phó Thủ tướng khẳng định, vấn đề ĐB nêu rất chính xác vì trong bối cảnh hiện nay, lạm phát liên quan nhiều đến các mặt hàng thiết yếu. Việt Nam có nền kinh tế mở nên chúng ta nhập khẩu khá nhiều vật tư, nguyên liệu, điều này phụ thuộc vào thị trường thế giới. Trong khi chúng ta đang thực hiện các gói kích cầu và thực hiện tăng lương, điều này là nguyên nhân dẫn đến biến động và ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, đặc biệt là kiểm soát được tỉ số lạm phát mà Quốc hội cho phép. Phó Thủ tướng nêu rõ, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành triển khai quyết liệt các giải pháp đồng bộ, thông suốt trong đảm bảo sản xuất, cung ứng, lưu thông và phân phối để đảm bảo các mặt hàng mà Chính phủ kiểm soát và quản lý về giá được điều chỉnh với lộ trình phù hợp. Liên quan đến chính sách tài khóa, Phó Thủ tướng cho biết, chính sách tài khóa phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ. Tương tự thời gian qua xử lý biến động giá vàng, với những giải pháp của Chính phủ đưa ra nhằm ổn định giá trị của đồng tiền, đảm bảo các tỉ giá đi đôi với chính sách tài khóa. Cùng với đó, Chính phủ đã thúc đẩy và đưa ra các chính sách để hỗ trợ kích cầu tiêu dùng như du lịch, mua sắm. Đồng thời, có nhiều chính sách tăng đầu tư khu vực công, các cơ sở hạ tầng thiết yếu để đảm bảo cho sản xuất và kinh tế phát triển. “Với các giải pháp này mà Chính phủ đã làm, với sự điều chỉnh nhịp nhàng giữa tăng trưởng kinh tế và phòng chống lạm phát, điều chỉnh, kết hợp một cách hoàn hảo giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa thì hoàn toàn có thể điều chỉnh giá cả”- Phó Thủ tướng khẳng định.
Ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực CNTT
Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) về cơ hội của Việt Nam khi tham gia vào ngành công nghiệp bán dẫn, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam đang là nước phát triển nhanh trong lĩnh vực kinh tế số. Trong đó, người Việt Nam có những mặt mạnh, nổi trội như yêu toán học, khéo léo… Việt Nam chúng ta hoàn toàn có cơ hội tham gia sâu vào lĩnh vực này và cho biết thời gian qua, các trường đại học đã quan tâm đào tạo lĩnh vực CNTT cũng như các lĩnh vực về vật liệu, vật lý, đều liên quan công nghệ này.
Theo Phó Thủ tướng, với yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực hiện nay, Thủ tướng đã phê duyệt một đề án để chuẩn bị đào tạo nguồn nhân lực CNTT. Bên cạnh đó, trong nước có nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư ở lĩnh vực kinh tế số, công nghệ cao. Đặc biệt, các doanh nghiệp Việt Nam cũng phát triển mạnh về kinh tế số. Thời gian qua, ngành này đóng góp vào GDP có nơi 12-15%.
Về giải pháp, Phó Thủ tướng cho biết cần quan tâm đào tạo ngay, đào tạo lại kỹ sư, những người đã có kiến thức, nền tảng có thể tiếp cận, tham gia ngay chuỗi sản xuất này, đặc biệt các chuỗi liên quan thiết kế, đóng gói, kiểm chuẩn… Bên cạnh nguồn nhân lực trong nước, bằng cơ chế chính sách, Việt Nam có thể huy động sự tham gia của lực lượng, nhà khoa học ở nước ngoài để đầu tư. Đồng thời, Chính phủ cũng có chủ trương giúp cho những doanh nghiệp bằng việc lựa chọn các trường đại học để xây dựng trung tâm về công nghệ chip bán dẫn Việt Nam, thông qua đầu tư phòng thí nghiệm lớn, hiện đại, để từ thiết kế, kiểm chuẩn đến sản xuất, từ đó có cơ hội tham gia sâu vào chuỗi này. “Các thiết bị chế tạo các chip, công cụ thiết kế đều đang được các nước nắm giữ và không bàn giao cho ai. Việt Nam cũng cần có nghiên cứu sâu để tự mình làm chủ vấn đề này, nhưng đó là giải pháp dài hơi. Trước mắt, giải pháp vẫn là tập trung chuỗi giá trị, thu hút doanh nghiệp liên quan điện tử sử dụng chip bán dẫn, xây dựng ngành phát triển của Việt Nam liên quan thiết bị điện tử, ứng dụng công nghệ cao, đào tạo bài bản hơn các lĩnh vực cơ bản khác có liên quan”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Vũ Thu
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
BHXH tỉnh Sóc Trăng: Nỗ lực vượt khó, lan tỏa an sinh
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh tặng quà người có công, gia ...
Báo chí có đóng góp rất quan trọng vào kết quả nổi bật của ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?