Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới

10/05/2024 11:43 AM


Sáng 10/5, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại điểm cầu Trung ương và trực tuyến đến 4.322 điểm cầu trên toàn quốc với sự tham gia của 206.962 đại biểu.

Các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng; Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI chủ trì Hội nghị

Tham dự và chủ trì Hội nghị có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công…

Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bí thư Đảng uỷ cơ quan, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh dự và chủ trì Hội nghị tại điểm cầu BHXH Việt Nam. Tham dự Hội nghị còn có các đồng chí uỷ viên Ban Thường vụ, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ, cấp uỷ các tổ chức đảng trực thuộc và cán bộ, đảng viên thuộc Đảng bộ cơ quan BHXH Việt Nam.

Đội ngũ doanh nhân là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương báo cáo nội dung chủ yếu của Nghị quyết 41-NQ/TW.

Về nội dung của các nhiệm vụ và giải pháp, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương thông tin ngoài việc kế thừa các nhiệm vụ giải pháp vẫn còn nguyên giá trị của Nghị quyết 09-NQ/TW, Nghị quyết số 41-NQ/TW đã sắp xếp, bổ sung một số nhiệm vụ giải pháp mới; nhiều nội dung trong các nhiệm vụ giải pháp được đổi mới, hoàn thiện để đáp ứng quan điểm, mục tiêu và phù hợp với bối cảnh mới.

Theo đó, Nghị quyết 41 xác định quan điểm, đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tăng cường liên kết, hợp tác trong đội ngũ doanh nhân, giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức cùng thực hiện mục tiêu phát triển đất nước.

Ông Hiển khái quát: Nghị quyết đề ra mục tiêu tổng quát là phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng, năng động, sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến, tuân thủ pháp luật, có đạo đức, văn hóa kinh doanh mang bản sắc dân tộc. Có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước.

Về mục tiêu đến cụ thể, năm 2030, Nghị quyết 41 nêu rõ, phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phấn đấu ngày càng có nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, một số doanh nghiệp đạt tầm thế giới. Một số doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt. Một số doanh nghiệp có vị thế, vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn.

Về tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết này xác định, việc phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu quốc gia phát triển, thu nhập cao, có vị thế, uy tín khu vực và quốc tế. Một bộ phận doanh nghiệp có thương hiệu thế giới, dẫn dắt một số chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.

Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bí thư Đảng uỷ cơ quan, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh dự và chủ trì Hội nghị tại điểm cầu BHXH Việt Nam

Liên quan đến nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, ông Hiển nêu lên 7 nhóm nhiệm vụ giải pháp. Theo đó, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thực hiện mục tiêu phát triển đất nước. Hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến. Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh ngang tầm mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Xây dựng đạo đức, văn hoá kinh doanh, phát huy tinh thần dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Tăng cường đoàn kết, hợp tác, liên kết giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng. Phát huy vai trò của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các tổ chức đại diện đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân.

Cũng tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình bày Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị. Chương trình hành động của Chính phủ đặt ra mục tiêu đến năm 2030, cả nước có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp, trong đó hình thành và phát triển nhiều doanh nhân lãnh đạo các tập đoàn kinh tế mạnh, có tiềm lực, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, phát huy vai trò mở đường dẫn dắt các ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. 

Khu vực doanh nghiệp có đóng góp khoảng 65-70% GDP cả nước, khoảng 32-38% tổng việc làm trong nền kinh tế và 98-99% tổng kim ngạch xuất khẩu. Khoảng 65-70% chủ doanh nghiệp có trình độ đại học trở lên và 20-25% số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ; có ít nhất 70 doanh nghiệp có vốn hóa thị trường đạt hơn 1 tỷ USD, khoảng 120 doanh nghiệp có doanh thu thuần đạt hơn 1 tỷ USD; số doanh nghiệp được xếp vào danh sách doanh nghiệp có giá trị thương hiệu cao nhất của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới tăng 10% mỗi năm... 

Nêu cao trách nhiệm xã hội của đội ngũ doanh nhân Việt Nam

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị, các cấp, các ngành, các địa phương cần đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới theo tinh thần Nghị quyết của Bộ Chính trị.  

Đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, trong thời gian tới, những vấn đề trong nước và khu vực đặt ra những thách thức mới, đòi hỏi doanh nghiệp doanh nhân phát triển nhanh, bền vững và không ngừng đổi mới để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức; phải xây dựng và phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Sau hội nghị này, các cấp, các ngành, các địa phương cần tiếp tục tổ chức hội nghị quán triệt để nắm vững nội dung cốt lõi của nghị quyết để đổi mới tư duy, thống nhất trong nhận thức, xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới theo tinh thần Nghị quyết của Bộ Chính trị. 

Chú trọng tuyên truyền, vận động để mọi cán bộ, người dân tích cực tham gia thực hiện nghị quyết, đặc biệt là giúp doanh nhân Việt Nam tiếp tục nhận thức sâu sắc vai trò, sứ mệnh của mình, nhất là trong phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững, phát triển nền kinh tế đất nước độc lập, tự chủ, gắn với hội nhập quốc tế, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Xây dựng đạo đức doanh nhân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nêu cao trách nhiệm xã hội của đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong đội ngũ doanh nhân và hướng tới thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra.  

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại Hội nghị

Trên cơ sở những nhận định, đánh giá của Bộ Chính trị về những mặt còn tồn tại, hạn chế của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong những năm qua, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các ban, bộ ngành, địa phương cần tìm ra nguyên nhân và trách nhiệm để khắc phục hạn chế, bảo đảm triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả Nghị quyết. Nhất là tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; hoàn thiện, đồng bộ hệ thống chính sách, pháp luật; xây dựng chính sách đột phá để khuyến khích, tạo động lực mạnh mẽ, khơi thông nguồn lực giúp doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh... Bám sát các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng về doanh nghiệp, doanh nhân để sớm thể chế hóa theo hướng đồng bộ các thể chế, chính sách, hướng đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. 

Trần Thu Thuỷ