Nỗ lực để Hà Nội sớm trở thành kiểu mẫu về triển khai Đề án 06 của Chính phủ
15/03/2024 08:11 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều ngày 14/3, Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ làm việc với TP.Hà Nội về một số nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai Đề án trên địa bàn.
Tham dự buổi làm việc có: Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ cùng các thành viên của Tổ Công tác.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc và Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh cùng các đại biểu tham dự buổi làm việc (Ảnh cand.com.vn)
Báo cáo của thành phố cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, Hệ thống Hồ sơ sức khỏe điện tử, Sổ sức khỏe điện tử được triển khai, cài đặt, vận hành trên hạ tầng kỹ thuật tại Trung tâm dữ liệu của Tập đoàn Viettel. Đã hoàn thành kết nối chính thức Hệ thống hồ sơ sức khỏe với mạng số liệu chuyên dùng CPNet.
Thành phố đãrà soát trang thiết bị và đường truyền tại các Trung tâm y tế, bệnh viện trực thuộc thành phố phục vụ việc triển khai hệ thống; 100% các cơ quan, đơn vị, cá nhân trực thuộc các đơn vị được cấp chữ ký số cá nhân, tổ chức. Hoàn thành việc cấp 3.200 tài khoản cho các đơn vị, cá nhân tham gia khai thác, sử dụng hệ thống, đạt tỷ lệ 100%.
Thành phố cũng đã tổ chức kết nối, liên thông dữ liệu bảo hiểm y tế của 47 bệnh viện, 30 phòng khám đa khoa và 246 trạm y tế (tăng 327 đơn vị so với thời điểm 25-1-2024).
Thành phố Hà Nội cũng đã đồng bộ 1.135.898 hồ sơ sức khỏe của người dân lên Cổng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm để phục vụ hiển thị thông tin Sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID.
Để đẩy nhanh việc thí điểm sổ sức khỏe điện tử, Hà Nội đề xuất Tổ công tác Đề án 06 Chính phủ tháo gỡ khó khăn pháp lý về chia sẻ dữ liệu khám chữa bệnh; Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội hỗ trợ đánh giá an toàn thông tin hệ thống, cho phép kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Bảo hiểm xã hội Việt Nam hỗ trợ chia sẻ dữ liệu khám chữa bệnh, cung cấp API và trả về thông tin thẻ; Bộ Y tế ban hành mẫu sổ điện từ và hướng dẫn người dân sử dụng; chỉ đạo các bệnh viện chia sẻ dữ liệu khám chữa bệnh…
Tại hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc lưu ý Sở Y tế Hà Nội cần chủ động đề xuất các phương án quản lý nhà nước để có những phương pháp quản lý hiệu quả hơn. Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị Hà Nội triển khai xong việc thí điểm sổ sức khỏe điện tử, báo cáo Tổ công tác của Chính phủ vào ngày 15-6; chia sẻ kinh nghiệm để thành phố Hồ Chí Minh học tập, triển khai.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh nêu rõ, các cơ sở y tế phải triển khai được sổ sức khỏe điện tử, dù là công lập hay tư nhân đều phải tham gia hệ thống để mọi người dân đều phải được hưởng lợi từ việc này.
Hà Nội cho biết đến thời điểm hiện tại, thành phố đã tiếp nhận 85.675 hồ sơ liên thông khai sinh và 5.031 hồ sơ liên thông khai tử. Tỷ lệ thực hiện hồ sơ trực tuyến khai sinh đạt 99% (cơ bản được hướng dẫn, hỗ trợ và thực hiện trực tuyến; 1% do không có nhu cầu hoặc các trường hợp đặc thù) và khai tử 5.031/19.668 trường hợp (25,6%).
Việc thực hiện cơ bản đã đáp ứng các yêu cầu về đơn giản hóa thủ tục hành chính và cắt giảm thành phần hồ sơ, thời gian giải quyết thủ tục hành chính đem lại nhiều lợi ích cho người dân và cơ quan nhà nước trong công tác quản lý.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh cand.com.vn)
Với việc cấp lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID, tại hội nghị, các bộ, ngành khẳng định đến ngày 30-3 sẽ triển khai được và đề nghị Hà Nội chuẩn bị chu đáo, các khó khăn sẽ được tháo gỡ kịp thời. Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nêu rõ việc người dân sẽ không phải đến cơ quan công quyền để xác nhận lý lịch tư pháp.
Đối với việc xây dựng dữ liệu đất đai, vướng mắc nhất hiện nay là do ứng dụng, phần mềm chưa phù hợp và Hà Nội đang khẩn trương khắc phục, khai thác ngay dữ liệu đã có để phục vụ người dân…
Về đánh biển số nhà, Bộ Xây dựng cho biết bộ đang nỗ lực xây dựng trình Chính phủ, phấn đấu đến tháng 7-2024 sẽ có thông tư hướng dẫn quản lý, đánh biển số nhà. Bộ cũng sẽ có phần mềm quản lý nhà ở, thị trường bất động sản với số nhà là một trường thông tin.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh nhận định, dữ liệu đất đai không được số hóa, quản trị, liên thông thì rất dễ gặp các rủi ro pháp lý. Chủ tịch UBND thành phố đề nghị các bộ, ngành tiếp tục hỗ trợ thành phố, trong đó gắn với những dữ liệu khác như dân cư, số nhà để có giải pháp hiệu quả, lâu dài trong quản lý.
Về nội dung trên, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị các bộ, ngành liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn cho việc này…
Kết luận hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc đánh giá Hà Nội đã quyết tâm chính trị cao, hành động đồng bộ, xuyên suốt trong thực hiện Đề án 06. Thứ trưởng Bộ Công an cũng ghi nhận các bộ, ngành đã trách nhiệm với triển khai Đề án 06 với tinh thần “không thể chậm hơn” để hướng tới văn minh xã hội, phòng chống tội phạm.
Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định các bộ, ngành sẽ nỗ lực, đồng hành để Hà Nội sớm trở thành kiểu mẫu về triển khai Đề án 06 và đề nghị Công an Hà Nội sẽ làm điểm và gương mẫu trong lực lượng Công an.
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Công tác thanh tra kiểm tra ngành BHXH Việt Nam: Đảm bảo ...
Khối Thi đua số V: Tổ chức Hội nghị tổng kết công tác thi ...
Bản tin Audio số 47 - Tuần 3 tháng 1/2025
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?