Dự án Luật BHXH (sửa đổi): Mở rộng diện bao phủ BHXH không chỉ là việc của riêng ngành BHXH
14/09/2023 06:30 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều 14/9, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh, Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 10.
Mở rộng diện thụ hưởng BHXH Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Phiên họp toàn thể lần này sẽ xem xét, thảo luận 10 nhóm nội dung thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách như: Luật BHXH (sửa đổi); thẩm tra báo cáo Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách BHXH, quản lý quỹ BHXH năm 2022; Báo cáo Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách BHYT năm 2022 và Nghị quyết số 68 tiến tới BHYT toàn dân; cho ý kiến tham gia các báo cáo về tình hình thực hiện kinh tế xã hội, NSNN năm 2023 và kết quả giữa nhiệm kỳ; việc triển khai các dự án luật do Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Y tế phụ trách; thẩm tra báo cáo Chính phủ về việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025…
Các đại biểu tham dự phiên họp.
Ngay sau phiên khai mạc, Ủy ban Xã hội tiến hành thẩm tra Dự án Luật BHXH (sửa đổi). Trình bày Tờ trình Dự án Luật BHXH (sửa đổi), ông Nguyễn Bá Hoan- Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, mục tiêu sửa đổi Luật BHXH nhằm đảm bảo an sinh xã hội của người dân trên quyền con người; sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn; mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích để thu hút NLĐ tham gia BHXH. Đồng thời, Luật BHXH (sửa đổi) bám sát 5 chính sách được Quốc hội thông qua như: Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt; mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH; mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH (lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội); bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng BHXH; đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả. Về một số vấn đề lớn tại Dự án Luật BHXH (sủa đổi), ông Nguyễn Bá Hoan cho biết, Dự thảo bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng, quy định này giúp tăng thêm đối tượng ưởng trợ cấp hằng tháng mà NSNN không phát sinh tăng nhiều… Đối với nội dung về bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) quy định công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do NSNN đảm bảo nhằm phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2030 khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội. Đồng thời, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cũng bổ sung quy định NLĐ khi đến tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu (chưa đủ 15 năm đóng) và cũng chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (chưa đủ 75 tuổi) thì được lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội tùy thuộc vào thời gian đóng, tiền lương, thu nhập tháng đóng BHXH. Trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng thì được hưởng BHYT do NSNN đảm bảo. Quy định này giúp tăng thêm đối tượng hưởng trợ cấp hằng tháng mà NSNN không phát sinh tăng nhiều. NLĐ có thời gian đóng BHXH bắt buộc 5 năm, nếu không hưởng BHXH một lần thì có thể được hưởng trợ cấp hằng tháng (với mức thấp nhất bằng mức trợ cấp hưu trí xã hội) ngay từ khi đủ tuổi nghỉ hưu thay vì phải chờ đến 75 tuổi. Dự kiến, tổng số người được hưởng quyền lợi từ chính sách này tăng lên trên 800.000 người do giảm tuổi và khoảng 300.000 người do liên kết tầng trợ cấp hưu trí xã hội với tầng BHXH bắt buộc…
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn phát biểu.
Luật BHXH (sửa đổi) phải vừa đảm bảo tính lịch sử, vừa có tính dự báo cao
Nêu một số vấn đề lớn về Dự thảo luật này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong cho biết, Thường trực Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí mục tiêu, quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án luật đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Dự án luật cơ bản đã phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với quy định, tinh thần của Hiến pháp, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, tính tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan, tiếp cận kinh nghiệm quốc tế và các khuyến nghị của các tổ chức quốc tế. Về việc bổ sung một số nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, nhiều ý kiến đồng tình với việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với một số nhóm đối tượng nêu tại Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, việc quy định mở rộng một số nhóm đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc của dự án luật không phải là chìa khóa duy nhất để đạt được mục tiêu tăng tỷ lệ tham gia BHXH bắt buộc mà Nghị quyết số 28 đã đề ra. Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác, cơ quan soạn thảo cần đưa ra nhiều giải pháp khác để mở rộng độ bao phủ... Tham gia thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan nêu rõ, Dự án Luật BHXH là Dự án luật khó, tác động đến quyền lợi trực tiếp của người dân. Do đó, trong lần điều chỉnh này cần quan tâm đến 2 vấn đề chính đó là tăng độ bao phủ và các nhóm đối tượng để làm sao cho người dân có thời gian đóng BHXH ít cũng tham gia hệ thống an sinh được. Đồng thời, Chính phủ cần tính toán mức hưởng của những người đóng ít thời gian có đảm bảo an sinh không? Trợ cấp hưu trí xã hội liên quan đến mức sống tối thiểu, hưu trí xã hội có được tính trên nền sàn an sinh gắn tối thiểu không? Đồng tình với báo cáo Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra, bà Leo Thị Lịch- Ủy viên thường trực Hội đồng Dân tộc cho rằng, giải trình của Chính phủ có một số vấn đề chưa được làm rõ. Đó là chính sách dân tộc cho tất cả người dân và chính sách riêng cho người DTTS, vùng ĐBKK; các vấn đề liên quan xây dựng BHXH đặc thù cho lao động là người DTTS, đào tạo nguồn nhân lực con em cán bộ dân tộc để đáp ứng được tỷ lệ người dân tham gia BHXH tại vùng này. Người dân luôn mong muốn được tham gia BHXH tự nguyện và chúng ta cần phân biệt để có sự ưu tiên mới có hiệu quả. Đồng thời, cần đưa vào luật vào nguyên tắc giao Chính phủ quy định chi tiết vấn đề này và có các giải pháp để người DTTS có trách nhiệm tham gia vào hệ thống BHXH. Còn ông Đinh Ngọc Quý- Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, nội dung Dự thảo Luật bám sát tinh thần Nghị quyết số 28. Tuy nhiên, thể chế của Nghị quyết là vấn đề khó như giảm từ 20 năm xuống 15 năm để hưởng BHXH- phù hợp ở đâu, tác động thế nào đến tổng thể bức tranh lao động; cơ chế giải quyết BHXH một lần; các thông số liên quan đến quyền lợi của NLĐ được đảm bảo. Bên cạnh đó, liên quan đến việc mở rộng diện bao phủ người tham gia BHXH, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) gần như giao vấn đề này cho ngành BHXH mà chưa có sự tham gia của các ngành, địa phương. “Thực chất vai trò của quản lý nhà nước rất quan trọng trong mở rộng BHXH, chúng ta thúc đẩy thực thi thế nào, mở rộng đối tượng là vấn đề rất khó. Rất nhiều việc phát sinh cần vai trò của cơ quan quản lý nhà nước cũng như chính quyền địa phương. Muốn thực hiện BHXH tốt không chỉ có Luật BHXH mà cần phối hợp nhiều cơ quan như quá trình khai trình lao động… Do đó, các ngành phải tham gia vào việc nâng tỷ lệ bao phủ BHXH. Qua giám sát cho thấy, ngành BHXH Việt Nam đã làm hết sức, dùng công cụ kết nối cơ quan thuế, Kế hoạch Đầu tư… nhưng gần như số liệu của các địa phương “vênh” nhau; rà soát các đơn vị này có tăng người nhưng tất cả đều không thuộc đối tượng tham gia BHXH”- ông Quý phân tích.
Toàn cảnh phiên họp toàn thể lần thứ 10 của Ủy ban Xã hội của Quốc hội.
Trả lời câu hỏi của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan nếu đề xuất BHXH Việt Nam đứng ra khởi kiện DN trốn đóng, nợ đóng BHXH- giải pháp cần nghiên cứu, tính khả thi và BHXH Việt Nam được giao việc này có phát sinh bộ máy, tổ chức biên chế không? Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn cho biết, mô hình BHXH Việt Nam hiện nay là cơ quan nhà nước có chức năng thực hiện chính sách và BHXH các cấp là công cụ thực thi chính sách. Nếu Luật BHXH (sửa đổi) giao cho BHXH Việt Nam thêm chức năng khởi kiện DN trốn đóng BHXH thì BHXH Việt Nam không dám từ chối. Tuy nhiên, vì là công cụ thực thi chính sách nên ngành BHXH phải tiến hành khảo sát đánh giá, quản lý thu, đôn đốc thu nộp theo số lao động, mức đóng, chậm đóng và được phép xử phạt hành chính. Sau khi xử phạt hành chính mà đơn vị cố tình vi phạm thì chuyển sang cho cơ quan thực hiện pháp luật- đây là quan hệ mang tính chất hành chính nhà nước. Nếu Luật BHXH (sửa đổi) giao thêm chức năng khởi kiện thì quan hệ này mang tính chất dân sự- nguyên đơn thấy quyền lợi ích của mình bị xâm phạm thì được khởi kiện. Thế nhưng, BHXH Việt Nam đang là cơ quan hành chính và là công cụ thực thi chính sách, thêm khởi kiện sẽ mang tính dân sự mà khi DN trốn đóng thì xâm phạm quyền của người dân, chứ không phải của cơ quan nhà nước… Cũng theo Phó Tổng Giám đốc, với các nước khác, BHXH tuyệt đối thực hiện theo nguyên tắc đóng- hưởng. Nhưng ở Việt Nam trước đây và bây giờ đang thực hiện BHXH theo nguyên tắc đóng- hưởng có sự chia sẻ. Và “câu chuyện” về chia sẻ sẽ giảm dần, yếu tố đóng hưởng sẽ tăng lên. Việt Nam thực hiện theo 2 nguyên tắc trên vì chính sách BHXH được thực hiện đan xen với các chính sách kinh tế khác như: dân tộc miền núi, bình đẳng giới, NCC… song về lâu dài phải tách bạch rõ hơn. “Liên quan đến khu vực miền núi, thực tiễn thực hiện chính sách BHXH, ngành BHXH cùng cấp ủy chính quyền các địa phương đã huy động nguồn hỗ trợ tặng sổ BHXH cho người dân. Tuy nhiên, sau mấy năm tặng sổ BHXH tổng kết lại, cơ bản sau tặng xong người dân cất vào tủ, người dân không có nguồn lực để đóng BHXH tiếp. Chính sách hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện, phần còn lại người dân phải bỏ tiền ra, song kể cả hỗ trợ đến 50- 60% thì cũng khó duy trì tiếp được”- Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn phân tích. Giải trình một số vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, sửa Luật BHXH bám vào định hướng chính trị với 11 nhóm cải cách chính sách BHXH với mục tiêu xây dựng BHXH Việt Nam đa tầng, hiện đại và từng bước phù hợp với thông lệ quốc tế. Có những nhóm chính sách đã thể chế như điều chỉnh tuổi nghỉ hưu; các gói chính sách; giao nhiệm vụ cho các cấp chính quyền… Và cái gì gây bức xúc thì sửa ngay, cái gì không phù hợp thì thay thế. Song, mục tiêu vẫn phải xây dựng BHXH hoàn toàn khác với bảo trợ xã hội, nếu tiếp cận BHXH theo hướng bảo trợ xã hội rất nguy hiểm. Phát triển BHXH khó khăn rất nhiều bởi đại đa số tiền tham gia BHXH là của người dân nên BHXH đã bao phủ được 38% lực lượng lao động là sự cố gắng rất lớn... Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh chia sẻ với cơ quan soạn thảo, đây là luật lớn, rất khó, nhạy cảm, tác động đến mọi người dân. Người dân luôn mong muốn chính sách xã hội sau tốt hơn trước. Việc sửa đổi đã bám sát các mục tiêu của Nghị quyết số 28 về cải cách chính sách BHXH. Tuy nhiên, cần có giải pháp, thể hiện bằng những quy định cụ thể trong dự thảo luật nhằm thể chế hóa những quan điểm, mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 28, đặc biệt trong việc mở rộng diện bao phủ BHXH theo lộ trình điều chỉnh năm tuổi nghỉ hưu phù hợp với từng thời kỳ..
PV
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
Khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ năm 2024, tạo tiền ...
Đảm bảo quyền lợi BHXH, BHYT cho các nạn nhân vụ cháy quán ...
Hoạt động hiến máu tình nguyện năm 2024: Lan tỏa tinh thần ...
BHXH Việt Nam tăng hạng, xếp thứ 2 về Chỉ số phục vụ người ...
Đổi mới thông tin khoa học và ứng dụng kết quả thực hiện ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?