Triển khai 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông: Bảo đảm kết nối thông suốt
07/09/2023 08:37 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Việc triển khai 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông "Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi" và "Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng" trên toàn quốc đã đạt được một số kết quả bước đầu. Tuy nhiên, cần khắc phục các tồn tại, hoàn thiện nâng cấp phần mềm, các yếu tố kỹ thuật khác để bảo đảm kết nối hệ thống thông suốt, trơn tru.
Chiều 6/9, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Công an tổ chức cuộc họp bàn về giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông "Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi" và "Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng".
Cuộc họp bàn về giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông - Ảnh: VGP/Hoàng Giang
Cuộc họp có sự tham dự trực tiếp và trực tuyến của đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc các bộ, ngành: Tư pháp, Y tế, Lao động -Thương binh & Xã hội, BHXH Việt Nam và lãnh đạo, chuyên viên Văn phòng UBND, Sở Tư pháp, Công an tỉnh/Thành phố, Sở Lao động -Thương binh & Xã hội, Sở Y tế, BHXH tỉnh/Thành phố các địa phương: Hà Nội, Đồng Nai, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Quảng Ngãi.
Theo báo cáo của VPCP, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện 2 nhóm TTHC liên thông trên toàn quốc từ ngày 10/7/2023, các bộ ngành, địa phương đã tích cực triển khai và đã đạt được một số kết quả bước đầu.
Tính đến ngày 5/9, tổng số hồ sơ tiếp nhận của cả nước trên phần mềm liên thông là 104.659 hồ sơ. Phần mềm đăng ký quản lý hộ tịch điện tử dùng chung tiếp nhận: 104.659 hồ sơ, đã xử lý xong và trả kết quả 78.767 hồ sơ (khai sinh: 72.175 hồ sơ, khai tử: 6.592 hồ sơ).
Hệ thống quản lý cư trú đã tiếp nhận 78.767 hồ sơ, đã xử lý xong và trả kết quả 51.239 hồ sơ (Đăng ký thường trú: 47.994 hồ sơ, Xóa đăng ký thường trú: 3.245 hồ sơ).
Hệ thống BHXH đã tiếp nhận 73.409 hồ sơ, đã xử lý xong và trả kết quả 64.974 hồ sơ (cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi: 64.953 hồ sơ, giải quyết trợ cấp mai táng phí: 21 hồ sơ).
Hệ thống của Bộ Lao động -Thương binh & Xã hội đã tiếp nhận 5.358 hồ sơ, đã xử lý xong và trả kết quả 45 hồ sơ.
Tuy nhiên, qua 2 tháng triển khai toàn quốc, VPCP cũng nhận được nhiều phản ánh của các địa phương (Đồng Nai, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Ngãi... ) về khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Tại cuộc họp, đại diện các địa phương đã nêu lên một số khó khăn, vướng mắc về thể chế liên quan đến Luật cư trú năm 2020; Thông tư số 55/2021/TT-BCA ngày 15/5/2021 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật cư trú. Hơn nữa, phần mềm dịch vụ công liên thông thường xuyên gặp lỗi như: Không truy cập được, không nhận mã OTP, tin nhắn SMS, không tra cứu được hồ sơ, hồ sơ thất lạc, các tính năng bị lỗi... Phần mềm nghiệp vụ có lúc lỗi ký số, đóng dấu; sai thông tin khi chuyển dữ liệu giữa các hệ thống....
Ngoài ra, một số khó khăn khác như: Không có nhân sự CNTT cấp xã; chưa được phân quyền để theo dõi, thống kê, báo cáo; việc liên hệ với bộ phận hỗ trợ của các Bộ gặp khó khăn...
Công khai, minh bạch để người dân biết, giám sát
Sau khi nghe đại diện các bộ ngành nêu các biện pháp khắc phục, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (VPCP) cho biết, qua các ý kiến của địa phương sẽ giúp VPCP và các bộ ngành hoàn thiện hơn các phần mềm, công cụ.
Trên tinh thần cầu thị, lắng nghe, VPCP sẽ tham mưu cho Tổ trưởng Tổ công tác có văn bản gửi các đồng chí Bộ trưởng, thành viên Tổ công tác liên quan đến 2 nhóm TTHC liên thông để chỉ đạo các cơ quan nâng cấp hoàn thiện.
Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Hoàng Giang
"Đây là nhiệm vụ chính trị và quyết tâm là phải làm, không bàn lùi. Những gì đã rõ thì chúng ta triển khai làm ngay, vấn đề nào chưa rõ thì VPCP cùng với các bộ liên quan sẽ làm việc với nhau để giải quyết dứt điểm", ông Ngô Hải Phan nói.
Đồng thời đề nghị đến ngày 25/9, các bộ ngành, cơ quan cần hoàn thiện nâng cấp, khắc phục các tồn tại của phần mềm dịch vụ công liên thông cũng như các phần mềm chuyên ngành và các yếu tố kỹ thuật khác bảo đảm kết nối hệ thống thông suốt, trơn tru.
Liên quan đến thể chế như việc sửa Thông tư 55, Bộ Công an cần phải báo cáo với lãnh đạo Chính phủ để sửa theo quy trình thủ tục rút gọn thì mới bảo đảm được tiến độ.
Các bộ, cơ quan cũng cần thường xuyên kiểm tra, đôn đốc địa phương trong việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC liên thông, nhất là các hồ sơ quá hạn.
"Chúng ta thống nhất quan điểm là khi người dân đã kê khai lên phần mềm rồi thì cán bộ không được hướng dẫn người dân phải scan tờ khai viết tay lên hệ thống để giải quyết thủ tục hành chính. Mọi thủ tục hành chính trong quy trình từ khi tiếp nhận đến khi chuyển đến các cơ quan chức năng phải được công khai, minh bạch để người dân biết, giám sát. Hệ thống cũng phải thông minh để phục vụ cho lãnh đạo các cấp theo dõi, giám sát", ông Ngô Hải Phan nhấn mạnh.
Theo Chinhphu.vn
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
Bản tin Audio số 43 - Tuần 4 tháng 12/2024
Khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ năm 2024, tạo tiền ...
Đảm bảo quyền lợi BHXH, BHYT cho các nạn nhân vụ cháy quán ...
Hoạt động hiến máu tình nguyện năm 2024: Lan tỏa tinh thần ...
BHXH Việt Nam tăng hạng, xếp thứ 2 về Chỉ số phục vụ người ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?