Đảm bảo tiếp cận chính sách an sinh xã hội cho nhóm lao động nữ di cư, phụ nữ dân tộc thiểu số
26/07/2023 01:43 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đây là một trong những nội dung được thảo luận tại Hội thảo “Phát huy vai trò đội ngũ cán bộ nữ và việc thực hiện chính sách đối với các nhóm phụ nữ đặc thù” khu vực miền Bắc, diễn ra sáng 25/7 tại tỉnh Yên Bái.
Theo số liệu thống kê, vùng trung du và miền núi phía Bắc có 51,5 nghìn lao động nữ, chiếm 21,62% so với tổng số lao động của khu vực và chiếm 16,44% tổng số lao động nữ của cả nước, lao động nữ cũng chiếm tỷ lệ 47,4% trong tổng số người có việc làm của khu vực. Lực lượng lao động đã qua đào tạo trong vùng đạt xấp xỉ mức bình quân cả nước (26,1%). Đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trong vùng là 578.951 người (chiếm 30,65% cả nước), trong đó đào tạo cho người dân tộc thiểu số (DTTS) là 398.765 người. Số lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo của vùng là 248.985 người (chiếm 30% số lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo của cả nước).
Chia sẻ tại Hội thảo, bà Tôn Ngọc Hạnh- Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết, thời gian qua, Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phụ nữ. Trong đó, chỉ đạo Hội LHPN các tỉnh, thành phố giám sát thực hiện tốt chính sách, pháp luật về phụ nữ, lao động nữ, cán bộ nữ; chính sách đặc thù hỗ trợ phụ nữ nghèo, phụ nữ DTTS, phụ nữ vùng khó khăn, biên giới, hải đảo, phụ nữ khuyết tật, đơn thân.
Để đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới, Hội còn chủ động phối hợp tổ chức các hoạt động bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ nữ người DTTS; đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới; chỉ đạo Hội LHPN các cấp trong việc tham mưu, giới thiệu, tạo nguồn cán bộ nữ người DTTS, giới thiệu phát triển đảng viên nữ và thường xuyên tổ chức các hoạt động gặp gỡ, biểu dương hội viên phụ nữ tiêu biểu trong các lĩnh vực.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phụ nữ tại các địa phương vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Số lượng lao động nữ trong cơ quan hành chính, cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị-xã hội chưa cao, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy và lãnh đạo còn thấp; tỷ lệ phụ nữ DTTS là lãnh đạo chủ chốt chưa tương xứng với lực lượng CBCC nữ.
Bà Tôn Ngọc Hạnh cũng nêu ra những thách thức với công tác phụ nữ và việc thực hiện chính sách đối với các nhóm phụ nữ đặc thù hiện nay. Cụ thể như: Những biến đổi của tình hình thế giới và trong nước tiếp tục tác động đa chiều, khó lường đến phụ nữ và công tác phụ nữ, như sự phát triển công nghệ tác động tới việc làm của lao động nữ; biến đổi khí hậu, thiên tai, ô nhiễm môi trường ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống và sinh kế của người dân; di cư lao động tăng tiềm ẩn nhiều hệ lụy tiêu cực tác động đến hôn nhân, gia đình; tình hình tội phạm liên quan đến phụ nữ, trẻ em ngày càng phức tạp, đa dạng, tinh vi; tình trạng bạo lực gia đình, xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em ngày càng gia tăng, nghiêm trọng; vấn nạn tảo hôn, phụ nữ bị mua bán, phụ nữ lấy chồng nước ngoài vì mục đích kinh tế vẫn diễn biến phức tạp… Điều đó đòi hỏi công tác phụ nữ cần những nội dung và phương pháp mới để nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác vận động phụ nữ.
Bên cạnh đó, còn tồn tại định kiến giới và phân biệt đối xử về giới đối với phụ nữ và trẻ em gái; cấp ủy, chính quyền địa phương có lúc, có nơi chưa quan tâm đúng mức đối với công tác phụ nữ, thiếu sự quan tâm, phối hợp tạo điều kiện để thực hiện hiệu quả, đồng bộ các chủ trương, chính sách chung đối với phụ nữ và công tác phụ nữ.
Chính vì vậy, theo bà Tôn Ngọc Hạnh, cần tăng cường cơ hội cho các nhóm nữ yếu thế được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách cụ thể, phù hợp và thuận lợi. Trong đó, cần bổ sung chính sách dành riêng cho phụ nữ cao tuổi trong bối cảnh tuổi thọ của phụ nữ cao hơn; nhóm phụ nữ di cư cần có chính sách đặc thù trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm- vì họ đang thiếu cơ hội tiếp cận việc làm bền vững; nhóm phụ nữ DTTS cần chính sách bổ sung nhằm tăng cường tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ giáo dục, đào tạo nghề để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; dịch vụ y tế chăm sóc sức khoẻ; dịch vụ hỗ trợ việc làm và các tiện ích xã hội…
Bà Vũ Thị Hiền Hạnh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cũng cho biết, những năm qua, phụ nữ Yên Bái đã có nhiều đóng góp trong các lĩnh vực đời sống xã hội, đặc biệt là vai trò của phụ nữ trong phong trào xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật, nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn tỉnh... Tỉnh Yên Bái cũng đã có nhiều chính sách đặc thù đối với các nhóm phụ nữ. Theo đó, bài học kinh nghiệm quý báu là luôn đặt phụ nữ ở đúng vị trí; luôn tin tưởng, phát huy vị thế, vai trò và khai thác hết những tiềm năng, khả năng sáng tạo, ý chí vươn lên, khát vọng phát triển của phụ nữ trên tất cả các lĩnh vực.
Bà Vũ Thị Hiền Hạnh đề xuất Trung ương nghiên cứu để có quy định, chính sách nhằm cải thiện vị thế của lao động nữ như: Quy định tỷ lệ tối thiểu nữ lãnh đạo, quản lý ở DN; chính sách đối với DN sử dụng và tạo việc làm cho nhiều lao động nữ; giải pháp mở rộng diện bao phủ BHXH ở những khu vực có nhiều lao động nữ; tiếp tục có chính sách hỗ trợ các nhóm yếu thế trong thị trường lao động (lao động nữ chưa qua đào tạo, lao động nữ người DTTS, lao động nữ ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, lao động nữ khu vực phi chính thức); tiếp tục rà soát, nghiên cứu bổ sung và đề xuất ban hành mới các quy định về công tác cán bộ nữ; có cơ chế chính sách ưu tiên, hỗ trợ đào tạo, thu hút cán bộ nữ có trình độ chuyên môn cao vào làm việc tại các cơ quan, ban ngành, địa phương của các tỉnh miền núi...
Ông Phạm Tất Thắng- Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương cũng bày tỏ đồng tình với những vấn đề đặt ra cho công tác phụ nữ như: Tình trạng phụ nữ mù chữ, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở miền núi; vấn đề bạo lực gia đình; tình trạng di cư lao động nữ, việc gìn giữ bản sắc văn hóa và truyền thống… Để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều hơn, chủ động hơn, đóng góp ngày càng lớn hơn cho sự phát triển của gia đình, cộng đồng, đất nước và thực hiện bình đẳng giới, ông Phạm Tất Thắng đề nghị Ban Dân vận các tỉnh, thành theo sát, đánh giá đúng tình hình nhân dân, tình hình phụ nữ ở địa phương, xác định cụ thể các vấn đề liên quan đến phụ nữ và công tác phụ nữ tại địa bàn.
Trên cơ sở đó, có những tham mưu cụ thể cho cấp ủy trong việc xác định các cơ chế ưu tiên của địa phương để tổ chức thực hiện thật tốt các chủ trương, chính sách hiện có đối với các nhóm phụ nữ đặc thù, khó khăn. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị những giải pháp cụ thể để tạo cơ hội việc làm bền vững và đảm bảo sự tiếp cận chính sách an sinh xã hội (văn hoá, y tế, giáo dục…) cho nhóm lao động nữ di cư, phụ nữ DTTS; quan tâm đến nhu cầu thụ hưởng văn hóa, xã hội và việc làm của phụ nữ cao tuổi.
PV
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH tỉnh Quảng Nam hoàn thành chi trả lương hưu, trợ cấp ...
BHXH Việt Nam đề nghị các ngân hàng hỗ trợ người hưởng ...
Triển khai Chỉ thị 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh ...
Hội nghị tổng kết công tác công đoàn năm 2024 và phương ...
Bản tin Audio số 45 - Tuần 1 tháng 1/2025
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?