Đánh giá hiệu quả thực hiện chế độ BHXH tự nguyện tại Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế
10/04/2023 01:08 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 10/4/2023, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới cùng BHXH Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo đánh giá hiệu quả thực hiện chế độ BHXH tự nguyện tại Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế.
Tham dự Hội thảo có: Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu; Bà Majdie Hordern, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Úc tại Việt Nam; Ông Christophe Lemiere, Quản lý Chương trình Phát triển Con người tại Việt Nam, Ngân hàng Thế giới; Bà Himanshi Jain, Chuyên gia lĩnh vực Bảo trợ xã hội, Ngân hàng Thế giới; cùng đại diện lãnh đạo và cán bộ các đơn vị liên quan của BHXH Việt Nam, Ngân hàng Thế giới và đại diện BHXH một số tỉnh, thành phố phía Bắc.
Hội thảo nằm trong chương trình hỗ trợ kĩ thuật “Mở rộng diện bao phủ và nâng cao hiệu quả thực hiện BHXH tự nguyện”.của Ngân hàng Thế giới với BHXH Việt Nam thực hiện từ tháng 9/2022. Thời gian qua, các chuyên gia Ngân hàng Thế giới cùng các đơn vị chuyên môn của BHXH Việt Nam, cũng như BHXH thành phố Hải Phòng và BHXH tỉnh Thái Nguyên đã trao đổi, chia sẻ thông tin, số liệu về quy trình thực hiện BHXH tự nguyện cũng như những cải cách của BHXH Việt Nam gần 5 năm qua để đưa ra những đánh giá trong việc thực hiện mở rộng người tham gia BHXH tự nguyện ở khu vực phi chính thức. Hội thảo lần này nhằm trình bày, trao đổi, đánh giá kết quả triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ và chia sẻ các kinh nghiệm, thực tiễn tốt của các nước trong việc thực hiện mở rộng diện bao phủ có thể áp dụng tại Việt Nam, nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện BHXH tự nguyện.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH đã ghi dấu mốc quan trọng trong thực hiện chính sách BHXH ở Việt Nam, với mục tiêu cải cách chính sách BHXH để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, đề ra nhiều giải pháp hữu hiệu nhằm tăng nhanh diện bao phủ chính sách, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân, đặc biệt chú trọng mở rộng diện bao phủ đến nhóm lao động khu vực phi chính thức, phấn đấu đến năm 2025, cả nước có 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH (42,5% khối chính thức, 2,5% khối phi chính thức) và đạt được tỷ lệ 60% vào năm 2030.
Để có thể đưa Nghị quyết số 28 vào đời sống, Chính phủ và các Bộ, ngành chức năng, các địa phương đã tổ chức quán triệt nội dung của Nghị quyết đến đông đảo cán bộ, nhân dân; đồng thời ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch nhằm phát triển số người tham gia BHXH phù hợp với đặc thù của từng đơn vị, địa phương. Với tinh thần chủ động, tích cực, thực hiện mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH đã đạt những kết quả khả quan.
“Mặc dù nỗ lực hiện tại của BHXH Việt Nam đã đi đúng hướng, nhưng vẫn còn nhiều công tác trong việc triển khai cần thay đổi để mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH tự nguyện hiệu quả hơn nữa. Vì vậy, BHXH Việt Nam rất mong nhận được hỗ trợ từ phía các chuyên gia quốc tế, đặc biệt là Ngân hàng Thế giới, để giúp BHXH Việt Nam hoàn thành tốt mục tiêu của Nghị quyết 28” - Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu chia sẻ.
Ông Đinh Duy Hùng, Phó trưởng Ban Quản lý Thu - Sổ, thẻ (BHXH Việt Nam) có phần trình bày tham luận tại Hội thảo
Tại Hội thảo, ông Đinh Duy Hùng, Phó trưởng Ban Quản lý Thu - Sổ, thẻ (BHXH Việt Nam) có phần trình bày về Tổng quan tình hình thực hiện chế độ BHXH tự nguyện tại Việt Nam. Theo đó, tại Việt Nam giai đoạn trước năm 2019, hàng năm bình quân số người tham gia BHXH tự nguyện tăng khoảng từ 20% đến 30% so với năm trước. Năm 2019, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt trên 558 ngàn người, gấp 2 lần so với năm 2018, bằng cả 11 năm trước cộng lại; năm 2020 số người tham gia BHXH tự nguyện đạt trên 1.124 ngàn người, gần gấp đôi so với số tham gia năm 2019 và bằng khoảng 12 năm trước cộng lại, đạt 2,28% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động, vượt chỉ tiêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW đề ra.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, năm 2021 số người tham gia BHXH tự nguyện là 1.449 ngàn người tăng 29% so với năm 2020. Năm 2022, số người tham gia BHXH tự nguyện là 1.462 ngàn người, tăng khoảng 12 ngàn người so với năm 2021 (tương ứng tăng 0,85%).
Trong phát triển BHXH tự nguyện, BHXH Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp như: Hàng tháng, tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT để có những giải pháp kịp thời, hiệu quả. Yêu cầu BHXH tỉnh, thành phố tham mưu Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND tỉnh: ban hành Nghị quyết, Chương trình hành động; kiện toàn Ban Chỉ đạo Phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN; Giao chỉ tiêu phát triển người tham gia cho từng huyện, thị xã, thành phố. Rà soát, cập nhật phân loại đối tượng tiềm năng chưa tham gia BHXH, BHYT theo địa bàn cấp xã, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các tổ chức dịch vụ tổ chức hội nghị khách hàng để tuyên truyền, vận động, phát triển người tham gia; Thường xuyên kiểm tra, giám sát đôn đốc tổ chức dịch vụ triển khai các giải pháp phát triển người tham gia; Quản lý hệ thống mạng lưới tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT theo quy định; Định kỳ sơ kết, tổng kết và đề xuất khen thưởng, khen thưởng đột xuất đối với tập thể, cá nhân trong việc hoàn thành, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu phát triển số người tham gia BHXH. Việc giải quyết, chi trả chế độ, chính sách BHXH, BHTN luôn được đảm bảo đầy đủ, kịp thời từng từng người tham gia, thụ hưởng.
Ông Christophe Lemiere, Quản lý Chương trình Phát triển Con người tại Việt Nam, Ngân hàng Thế giới phát biểu tại Hội thảo
Tại Hội thảo, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới đã có những đánh giá tổng quan về tình hình thực hiện chính sách BHXH tự nguyện tại Việt Nam; đồng thời nêu một số mô hình, kinh nghiệm quốc tế trong triển khai BHXH tự nguyện.
Bà Hinmanshi Jain, Chuyên gia lĩnh vực Bảo trợ xã hội đánh giá, độ bao phủ BHXH tự nguyện tại Việt Nam đang tăng rất nhanh, tốc độ thường tăng gấp đôi kể từ năm 2018. Tuy nhiên, hiện mới chỉ đạt gần 4% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động và tính bền vững, tỷ trọng đóng góp còn thấp.
Bà Hinmanshi Jain đã chia sẻ về kinh nghiệm thực hiện BHXH tự nguyện tại Trung quốc và Hàn quốc. Theo đó, Trung quốc hiện đang thực hiện mức đóng tối thiểu cho người nghèo nhất (khoảng 2% người trong độ tuổi lao động). Chính quyền trung ương hỗ trợ theo tỷ lệ 1:3 nhưng giảm dần với mức đóng cao hơn. Bên cạnh đó, tùy vào ngân sách của tỉnh mà các tỉnh sẽ có mức hỗ trợ thêm. Tại Hàn quốc, Chính phủ đóng mức tối thiểu cho người nghèo và người thất nghiệp; hỗ trợ 1:1 với nông dân và ngư dân; có chính sách lương hưu cơ bản với 70% người từ 65 tuổi.
Bà Himanshi Jain, Chuyên gia lĩnh vực Bảo trợ xã hội, Ngân hàng Thế giới tham luận tại Hội thảo
Qua kinh nghiệm quốc tế, các chuyên gia Ngân hàng thế giới nhận định, để thực hiện tốt chính sách BHXH tự nguyện, tại mỗi quốc gia cần 11 yếu tố gồm: (1) Cơ sở pháp lý vững chắc cho chương trình và phù hợp với các ưu tiên chiến lược của Chính phủ; (2) ưu tiên tài chính là điều kiện cần để đạt độ bao phủ cao; (3) các mục tiêu rõ ràng và khách quan ở cấp địa phương; (4) thiết kế đơn giản để mọi người hiểu rõ các quyền lợi; (5) xây dựng niềm tin vào chương trình, đảm bảo quyết tâm chính trị, tránh thay đổi đột ngột; (6) xác định các đối tác ở khu vực nông thôn và thành thị để tiếp nhận, hướng dẫn người mới tham gia; (7) cung cấp quyền lợi ngắn hạn; (8) linh hoạt trong thiết kế; (9) điều chỉnh chiến lược tuyên truyền, phổ biến dựa trên phản hồi từ các khu vực; (10) tận dụng hạ tầng kỹ thuật số trong tham gia, đóng góp, chi trả; (11) đảm bảo truyền thông rõ ràng, nhất quán và trực quan.
Toàn cảnh Hội thảo
Phần thảo luận, các đại biểu và chuyên gia đã tập trung làm rõ hơn các yếu tố để cải cách chính sách BHXH tự nguyện tại Việt Nam; trong đó nhấn mạnh đến việc cần nghiên cứu mở rộng thêm quyền lợi cho người tham gia và tăng mức hỗ trợ, nhất là với nhóm đối tượng thất nghiệp. Về mức hỗ trợ cần theo cơ chế khuyến khích người có điều kiện đóng ở mức cao hơn, không nên theo một mức cố định mà cần theo mức đóng của người tham gia, đóng càng cao, mức hỗ trợ tương ứng càng lớn. Bên cạnh đó, cũng cần tiếp tục cải cách hành chính, chuyển đổi số để việc đóng, hưởng ngày càng nhanh chóng, thuận tiện hơn nữa…
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Bản tin Audio số 47 - Tuần 3 tháng 1/2025
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?