Chuyên đề pháp luật tháng 02/2023: Thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, chăm lo nhà ở cho người dân
23/02/2023 06:35 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 23/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật tháng 02/2023, cho ý kiến 3 đề nghị xây dựng luật, 4 dự án luật, với nhiều nội dung quan trọng, khó, phức tạp, có tác động sâu rộng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật tháng 02/2023, cho ý kiến 3 đề nghị xây dựng luật, 4 dự án luật, với nhiều nội dung quan trọng, khó, phức tạp, có tác động sâu rộng. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Cùng tham dự phiên họp có đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Tại phiên họp, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến về 3 đề nghị xây dựng luật, 4 dự án luật gồm: Đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật Phòng không nhân dân; dự án Luật Quản lý công trình quốc phòng, khu quân sự; đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; dự án Luật Nhà ở (sửa đổi); dự án Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi); dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).
Đây là những nội dung quan trọng, khó, phức tạp, có tác động sâu rộng. Để chuẩn bị cho phiên họp này, Thường trực Chính phủ đã tổ chức 03 cuộc họp để cho ý kiến đối với các đề nghị xây dựng luật, các dự án luật.
Tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên như thúc đẩy đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn
Tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá về quy trình, thủ tục lập đề nghị, trình các dự án luật; sự cần thiết ban hành các dự án luật; yêu cầu, nguyên tắc xây dựng các dự án luật; các chính sách cơ bản trong các dự án luật.
Trong đó, về đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), các đại biểu tập trung thảo luận về các chính sách cơ bản liên quan tới tổ chức chính quyền Thủ đô; cơ chế thu hút, sử dụng nhân lực chất lượng cao; cơ chế huy động nguồn lực; hoàn thiện quy định về quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng; xây dựng, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; phát triển văn hóa và giáo dục; phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; cơ chế phát triển hệ thống y tế hiện đại và hệ thống an sinh xã hội; cơ chế, chính sách liên kết, phát triển Vùng Thủ đô.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu nhấn mạnh yêu cầu cần bám sát để thể chế hóa tối đa các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội liên quan đến Thủ đô Hà Nội, nhất là Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tinh thần chung là rà soát, nghiên cứu, chọn lọc các cơ chế, chính sách đã được cấp có thẩm quyền cho phép áp dụng thí điểm, đặc thù với các tỉnh, thành phố khác, nếu thực tiễn đã chứng minh là đúng và phù hợp với điều kiện của Hà Nội thì đưa vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Có cơ chế, chính sách đặc thù nhưng bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, tạo động lực, xung lực mới cho Thủ đô phát triển, với tinh thần như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo là "Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước", nhất là các cơ chế đầu tư, tài chính để huy động hợp tác công tư, thu hút các nguồn lực; cơ chế, chính sách về thu hút nhân lực chất lượng cao, sử dụng nhân tài, về phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa, về quy hoạch đô thị…; tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên như thúc đẩy đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; phân cấp, phân quyền nhiều hơn cho Thủ đô đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực cán bộ thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế đã được quan tâm rồi phải quan tâm hơn nữa, đã nỗ lực rồi phải nỗ lực hơn nữa, đã quyết liệt rồi phải quyết liệt hơn nữa, đã hiệu quả rồi phải hiệu quả hơn nữa. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Cải cách tối đa thủ tục hành chính, bảo đảm thuận lợi cho người dân tiếp cận
Về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), các đại biểu tập trung thảo luận về một số nội dung liên quan tới sở hữu, sử dụng nhà chung cư và phát triển nhà ở xã hội.
Thủ tướng và các đại biểu nhấn mạnh yêu cầu cần đánh giá tác động thật kỹ lưỡng vì Luật có tác động rất lớn đến xã hội và toàn dân, liên quan đến quyền hiến định của người dân về quyền sở hữu nhà ở; chính sách phát triển nhà ở; hướng tới tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc trong thực tế đang tồn tại. Cần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật, đặc biệt là Luật Đất đai đang được sửa đổi; cải cách tối đa thủ tục hành chính, bảo đảm thuận lợi cho người dân tiếp cận, sở hữu, mua bán, chuyển nhượng nhà ở và tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc xây dựng, triển khai các dự án, chuyển nhượng dự án cho phù hợp với thực tiễn.
Đặc biệt, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước về nhà ở, tăng cường vai trò của chính quyền địa phương trong việc chăm lo nhà ở cho người dân, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, nhu cầu của từng địa phương, với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau. Có cơ chế hữu hiệu để huy động nguồn lực của khu vực tư nhân cho phát triển nhà ở xã hội, nhất là áp dụng linh hoạt cơ chế hợp tác công tư, phát triển dịch vụ hạ tầng để góp phần thực hiện hiệu quả hơn, nhanh hơn Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội tới năm 2030. Các chính sách ưu đãi nhà ở xã hội cần bảo đảm hài hòa lợi ích người dân, Nhà nước và nhà đầu tư, công khai, thống nhất với quy định của Luật Đất đai đang sửa đổi, cần tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý, hợp lệ của doanh nghiệp, bảo đảm công khai, minh bạch để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư.
Về dự án Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi), Thủ tướng và các đại biểu nhấn mạnh cần thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về quản lý và phát triển thị trường bất động sản; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể liên quan; vấn đề nào thị trường làm tốt thì Nhà nước không cần can thiệp; cải cách thủ tục hành chính; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc, phát triển thị trường an toàn, lành mạnh, bền vững.
Thiết kế các công cụ như quy hoạch, hoạt động giám sát, kiểm tra, khen thưởng, kỷ luật… để tăng cường quản lý nhà nước, hạn chế, giải quyết các vấn đề của thị trường bất động sản như vừa qua như lệch pha cung cầu, giá cả không hợp lý, không phù hợp với thu nhập người dân…
Bảo đảm "độc lập, chủ quyền" trên không gian mạng và an ninh, an toàn thông tin
Về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), Thủ tướng và các đại biểu nhấn mạnh yêu cầu thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về viễn thông, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cùng với đó, nghiên cứu tiếp thu có chọn lọc các thông lệ quốc tế có liên quan, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam; đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng, thực chất đối với những vấn đề mới, chú ý cam kết mở cửa thị trường của WTO, CPTPP, hài hòa trong quan hệ thương mại với các đối tác lớn, đồng thời bảo đảm "độc lập, chủ quyền" trên không gian mạng và an ninh, an toàn thông tin…
Về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Thủ tướng và các đại biểu đề nghị đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với giám sát, kiểm tra và phân bổ nguồn lực hợp lý trong quản lý, tổ chức đấu giá tài sản. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; thúc đẩy công khai, minh bạch, huy động được nguồn lực xã hội nhưng có công cụ để ngăn chặn sai phạm, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thất thoát tài sản. Cần có quy định đặc thù về đấu giá tài sản cho các tài sản đặc biệt, ví dụ các loại thuốc đặc biệt, tần số… Nghiên cứu quy định về các cơ quan, đơn vị trong khu vực công sử dụng tư vấn trong hoạt động đấu giá tài sản.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chính phủ đã tập trung cao độ, quyết liệt thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá chiến lược về xây dựng và hoàn thiện thể chế. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Tiếp tục quan tâm hơn nữa công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế
Kết luận chung về phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh thời gian qua, thực hiện các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đã tập trung cao độ, quyết liệt thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá chiến lược về xây dựng và hoàn thiện thể chế.
Năm 2022, Chính phủ đã họp 9 phiên chuyên đề về xây dựng pháp luật và Thường trực Chính phủ cũng thường xuyên tổ chức các cuộc họp để xử lý, giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan tới thể chế, cơ chế, chính sách. Năm 2023 là năm bản lề trong thực hiện các mục tiêu Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ của năm 2023 và cả giai đoạn, đòi hỏi chúng ta phải chủ động, tích cực hoàn thành tốt các nhiệm vụ, trong đó có 3 đột phá chiến lược, gồm đột phá chiến lược về xây dựng và hoàn thiện thể chế. Trong chưa đầy 2 tháng đầu năm 2023, Chính phủ đã tổ chức 2 phiên họp chuyên đề pháp luật, xem xét, cho ý kiến 11 dự án luật, đề nghị xây dựng luật.
Tuy nhiên, nước ta đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, tình hình thực tế biến động rất nhanh, nhiều vấn đề phát sinh mà các quy định không theo kịp, nhiều yếu tố mới mà quá trình xây dựng thể chế trước đó chưa lường hết được, nên còn nhiều khó khăn, vướng mắc, ách tắc về thể chế, cơ chế, chính sách cần giải quyết.
Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế đã được quan tâm rồi phải quan tâm hơn nữa, đã nỗ lực rồi phải nỗ lực hơn nữa, đã quyết liệt rồi phải quyết liệt hơn nữa, đã hiệu quả rồi phải hiệu quả hơn nữa. Những vấn đề đã "chín", đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.
Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao các Bộ: Tư pháp, Quốc phòng, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông đã tích cực chuẩn bị, trình các dự án, đề nghị xây dựng luật trình phiên họp; nghiêm túc tiếp thu, giải trình; các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sâu sát với tinh thần xây dựng cao của các đồng chí thành viên Chính phủ và các đồng chí đại biểu.
Thủ tướng đề nghị các Bộ trưởng chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến thành viên Chính phủ; các vấn đề có ý kiến khác nhau thì các đồng chí Bộ trưởng trực tiếp trao đổi để thống nhất theo Quy chế làm việc của Chính phủ; các đồng chí Phó Thủ tướng quan tâm, trực tiếp chỉ đạo theo phân công; hoàn thiện các dự án, đề nghị xây dựng luật, trình cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm là phải bám sát, quán triệt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng XIII và các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội; tham vấn đầy đủ, thực chất các đối tượng chịu tác động, nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, các cơ quan liên quan; tăng cường truyền thông chính sách; tham khảo kinh nghiệm quốc tế có chọn lọc, phù hợp với đặc điểm, điều kiện nước ta.
Cùng với đó, phải có tư duy đổi mới, tầm nhìn xa, chiến lược; xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo để tháo gỡ, xử lý các vướng mắc, điểm nghẽn trong thực tiễn; hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, xử lý hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, liên thông của hệ thống pháp luật; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền…
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu hoàn thiện đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh năm 2023. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Về một số nhiệm vụ quan trọng thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh năm 2023, các đồng chí Bộ trưởng khẩn trương chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các đề nghị xây dựng luật; gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp đưa vào Chương trình, hoàn thiện hồ sơ đề nghị, bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Về chuẩn bị các nội dung cho kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, đối với các bộ, ngành có dự án luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình, bảo đảm tiến độ, chất lượng, kiên quyết không chậm, không lùi, không hoãn, không rút ra khỏi Chương trình.
Đối với các bộ, ngành có dự án luật trình thông qua tại Kỳ họp, đề nghị các đồng chí Bộ trưởng chỉ đạo phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý, hoàn thiện; chủ động truyền thông chính sách, tạo sự đồng thuận khi trình cấp có thẩm quyền; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh chúc mừng CCVC, người lao ...
BHXH Việt Nam ban hành Kế hoạch công tác thông tin, truyền ...
Truyền thông chính sách BHXH, BHYT: Tích cực, chủ động đưa ...
BHXH Việt Nam ban hành Quyết định về mẫu thông báo kết quả ...
Công tác thanh tra kiểm tra ngành BHXH Việt Nam: Đảm bảo ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?