Nỗ lực bảo đảm quyền bình đẳng của đồng bào dân tộc thiểu số

28/10/2022 08:34 AM


Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng tiến bộ; các dân tộc không phân biệt đa số hay thiểu số, trình độ phát triển cao hay thấp, đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội và được bảo đảm bằng Hiến pháp và pháp luật.

Việt Nam là một quốc gia thống nhất của 54 dân tộc, trong đó có 53 dân tộc thiểu số (DTTS) với 14,119 triệu người; 3,6 triệu hộ, cư trú thành cộng đồng ở 51 tỉnh, thành phố, 548 huyện, 5.266  đơn vị hành chính cấp xã. Địa bàn cư trú chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây duyên hải miền Trung, chiếm 3/4 diện tích cả nước. Đây là vùng trọng yếu về quốc phòng, an ninh, đối ngoại; nơi có nhiều tài nguyên khoáng sản, có hệ sinh thái động, thực vật đa dạng.

Tuy có sự khác nhau về quy mô dân số, về trình độ phát triển, mỗi dân tộc đều có văn hóa truyền thống riêng về ngôn ngữ, phong tục, tập quán, lễ hội, trang phục… tạo nên bản sắc đặc trưng của từng dân tộc, góp phần làm phong phú, đa dạng nền văn hóa Việt Nam thống nhất.

Chủ trương của Đảng, Nhà nước Việt Nam là bảo đảm, thúc đẩy quyền của các DTTS. Hiến pháp, văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam dành riêng chương II với 36 điều quy định trực tiếp và rõ ràng về “quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”, bao gồm quyền của DTTS với các quy định về bảo đảm quyền cho đồng bào DTTS, 05 điều hiến định về công tác dân tộc và chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số và miền múi (DTTS &MN). Với cách thức xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo từng lĩnh vực, việc bảo đảm quyền của người DTTS được thể chế hóa ở nhiều văn bản pháp luật trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Từ năm 2013 đến 2019, có 53 văn bản Luật có các điều khoản quy định đảm bảo quyền của người DTTS, có 12 Luật mới ban hành từ năm 2012. Việc bảo đảm quyền bình đẳng toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị và dân sự cho tất cả các dân tộc chính là biểu hiện việc thực hiện quyền tự quyết của các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam.

Việt Nam nỗ lực bảo đảm quyền bình đẳng của đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Internet

Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng tiến bộ; các dân tộc không phân biệt đa số hay thiểu số, trình độ phát triển cao hay thấp, đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội và được bảo đảm bằng Hiến pháp và pháp luật. Việc bảo đảm quyền bình đẳng toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị và dân sự cho tất cả các dân tộc chính là biểu hiện việc thực hiện quyền tự quyết của các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam. Người DTTS được hưởng toàn bộ các quyền con người, quyền công dân của nước CHXHCN Việt Nam, ngoài ra còn được hưởng những quyền ưu tiên đặc thù theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Việc Bộ chính trị ban hành Kết luận 65 –KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW về công tác dân tộc trong tình hình mới; Quốc hội thông qua Đề án tổng thể (Nghị quyết số 88/2019/QH14) và phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Nghị quyết số 120/2020/QH14) được coi là những mốc son trong lịch sử công tác dân tộc, được cán bộ và đồng bào DTTS đón nhận như một luồng sinh khí mới, kỳ vọng sẽ tạo nên bước ngoặt đột phá mới trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước nhằm bảo đảm thực hiện tốt nhất quyền của người DTTS trong tình hình mới.

Việc thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc trong suốt giai đoạn từ 2011 đến nay đã góp phần quan trọng ổn định, cải thiện, nâng cao mọi mặt đời sống của đồng bào DTTS &MN, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới và sự phát triển đất nước.

Theo số liệu từ Vụ Dân tộc thiểu số - Ủy ban Dân tộc cung cấp tại Hội nghị thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại tháng 10/2022, tính đến thời điểm hiện nay, 98,4 % xã có đường ô tô đến trung tâm; trên 98% hộ DTTS được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% xã có trường lớp mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở; 99,3% xã có trạm y tế; trên 90% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình; 100% xã có hạ tầng viễn thông và được phủ sóng di động đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân. Đời sống vật chất và tinh thần đồng bào các DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo của các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn giảm trung bình 3-4% năm. Tính đến hết tháng 8/2018, có 1.052 xã vùng DTTS & MN được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 22,29 %.

Đánh giá tổng thể số liệu được phân tích qua điều tra kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2019, có thể thấy những thành tựu đáng kể trong phát triển kinh tế - xã hội đã tạo ra những tác động tích cực cho công tác  bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số và cũng tạo ra những chuyển biến nhất định từ kết quả thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới.   

Có thể khẳng định, việc thực thi hiệu quả, đồng bộ những chính sách bảo đảm quyền của người DTTS trong thời gian qua đã củng cố niềm tin của đồng bào DTTS đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; đồng thuận xã hội được nâng lên, khối đại đoàn kết các dân tộc được xây dựng vững chắc hơn, đủ sức đề kháng với mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được phát triển sâu rộng, không để xảy ra các điểm nóng về an ninh trật tự.

Những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, trong đó có việc bảo đảm quyền của các DTTS sẽ tiếp tục tạo đà cho sự phát triển của đất nước. Uy tín và ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục tăng lên là yếu tố nền tảng đề hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn./.

PV