BHXH tự nguyện- "của để dành" lúc khỏe phòng khi già yếu ốm đau

19/10/2022 07:55 PM


Bún gạo Trường Thọ là thương hiệu của hộ gia đình anh Khoa, anh Duy- những người làm bún đời thứ 4 ở làng nghề bún bánh An Thái. Dù đang ăn nên làm ra, song họ vẫn tham gia BHXH tự nguyện với suy nghĩ rất thực tế "trời thương cho làm được thì ráng để dành lúc thắt ngặt".

Bình quân mỗi ngày, cơ sở Trường Thọ dùng đến 2 tấn gạo làm nguyên liệu sản xuất bún. Với ngần ấy nguyên liệu, số bún khô thành phẩm tương ứng là 1,8 tấn. Cơ sở Bún gạo dề Trường Thọ được vận hành nhịp nhàng bởi 3 hộ gia đình: Hộ ông cả ở TP.HCM lo phân phối sản phẩm tới hơn 12 tỉnh, thành phía Nam; hộ anh Duy và hộ anh Khoa trực tiếp sản xuất và phân phối ở Bình Định và các tỉnh, thành lân cận.

Với thị trường rộng, sản lượng cao và ổn định, đời sống kinh tế gia đình anh Khoa và anh Duy ở làng bún bánh An Thái tương đối ổn. Cách đây hơn 2 năm, ông Nguyễn Văn Phúc- một nhân viên đại lý thu BHXH, BHYT của xã nói với anh Duy chuyện “thủ thế về sau” bằng cách tham gia BHXH tự nguyện. Ông Phúc chỉ cần phân tích sơ bộ ý nghĩa của loại hình “bỏ ống an sinh xã hội” này, anh Duy liền gật đầu và quyết tham gia ngay cho cả hai vợ chồng, rồi đóng phí cùng lúc 5 năm liền. Chưa hết, anh Duy còn kéo luôn vợ chồng Út Khoa cùng tham gia BHXH tự nguyện với mình.

Tại cơ sở Bún gạo dề Trường Thọ, anh Duy bộc trực chia sẻ: “Thú thiệt với các anh, đầu tiên tui vì tin chú Bảy Phúc mà tham gia BHXH tự nguyện. Chú Bảy thương anh em tụi tui và rất nhiều người ở làng nghề này. Lúc đó, tui nghĩ chủ Bảy khuyên thì chắc chắn là điều tốt, điều có lợi nên tham gia ngay. Sau này biết thêm về BHXH tự nguyện, tui thấy nó cũng hợp lý như cách ông bà dạy là lúc làm được thì ráng để dành cho lúc thắt ngặt...”.

Anh Duy chia sẻ về quyết định tham gia BHXH tự nguyện

Anh Duy còn trải lòng rằng, dẫu việc làm bún đương lúc thuận lợi, nhưng thị trường lên xuống đâu ai nói trước được chuyện gì. Cho nên, tham gia BHXH tự nguyện để tích cốc phòng cơ, lo chuyện lâu dài sau này. “Về già có chút tiền hưu cũng nhẹ thân và nhẹ cho con cái”- anh Duy chia sẻ. Nghe anh Duy nói, anh Khoa liên tục gật đầu đồng tình. Anh Khoa giỏi nghề làm bún, nhưng khiếu ăn nói thì... nhường cho anh trai.

Chia sẻ bộc trực của anh Duy một lần nữa cho thấy, chủ trương của BHXH Việt Nam về việc khuyến khích BHXH các địa phương “chiêu mộ” người có uy tín trong cộng đồng vận động bà con tham gia lưới an sinh là hết sức đúng đắn. Được biết, ông Phúc vốn trước đây công tác tại UBND xã Nhơn Phúc, nay tuy đã nghỉ hưu, nhưng ông vẫn tiếp tục cống hiến cho cộng đồng. Hồi cao điểm dịch COVID-19, ông Phúc rất tích cực cùng chính quyền chăm lo cho những gia đình gặp khó khăn với gạo, rau, mắm muối... Bởi vậy, ở làng bún bánh An Thái này, nói tới ông Phúc, từ già tới trẻ đều tin và quý trọng.

Theo ông Phạm Vũ Quang Hà- Giám đốc BHXH TX.An Nhơn, trên địa bàn thị xã có 28 làng nghề, chiếm đến 50% số làng nghề ở Bình Định như: Làng mai (trồng mai), làng rượu Bàu Đá, làng nón lá Gò Găng, làng bánh tráng Trường Cữu, làng đồ gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu... “Giúp bà con ở các làng nghề có lương hưu khi về già với BHXH tự nguyện là điều mà chúng tôi đang cố gắng làm”- ông Hà chia sẻ.

Lâu nay, bà con ở các làng nghề ít khi nghĩ tới việc tuổi xế chiều nhận được lương hưu như cán bộ trong các cơ quan nhà nước. Với những người như anh Duy, anh Khoa ở làng bún bánh An Thái, với những người có uy tín như ông Bảy Phúc tham gia vận động và với nỗ lực của BHXH TX.An Nhơn, chẳng bao lâu nữa bà con làng nghề trên địa bàn chắc chắn sẽ có suy nghĩ khác, đầy tích cực về chính sách BHXH tự nguyện.

PV