Nghiên cứu, xây dựng chính sách đảm bảo an sinh xã hội cho phụ nữ

17/10/2022 02:56 PM


Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu rà soát lại toàn bộ chính sách về bình đẳng giới, chính sách đối với phụ nữ để tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, trong đó lưu ý chính sách đặc thù dành riêng cho phụ nữ trên nhiều lĩnh vực.

Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị đối thoại với phụ nữ Việt Nam với chủ đề "Thúc đẩy bình đẳng giới và phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế-xã hội" cuối tuần qua. Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thủ tướng: Nghiên cứu các chính sách đặc thù dành riêng cho phụ nữ - Ảnh 11.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ tại Hội nghị (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Phát biểu kết luận, tổng kết, đánh giá lại 3 nhóm vấn đề lớn mang tính đặc thù liên quan đến phụ nữ trong Cuộc đối thoại, gồm: Phụ nữ với phát triển kinh tế; Phụ nữ với an sinh xã hội và bình đẳng giới; Phụ nữ với thế hệ tương lai, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ sự cơ bản thống nhất với các ý kiến phát biểu; đồng thời nhấn mạnh, còn nhiều việc phải làm để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn, để phụ nữ có cơ hội, điều kiện đóng góp cho xã hội, cho đất nước.

Thủ tướng đánh giá: Định kiến giới và những rào cản về văn hóa, chính sách vẫn đang ảnh hưởng đến sự phát triển của phụ nữ. Nhận thức và thực hiện về bình đẳng giới ở một số nơi còn hạn chế. Cơ chế phối hợp giữa tổ chức Hội và chính quyền địa phương có lúc, có nơi còn chưa phát huy hiệu quả, nguồn lực thực hiện các chương trình để phát triển phụ nữ còn bất cập. Nhiều phụ nữ nghèo gặp khó khăn trong tiếp cận kiến thức mới, đào tạo nghề, thiếu vốn sản xuất; nhiều chị em làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức còn đối mặt với nhiều rủi ro, thiếu an toàn, khó khăn về nhà ở; nhiều trẻ em thiếu cơ sở trường học, nhà trẻ; chăm sóc sức khỏe phụ nữ, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn hạn chế.  Môi trường an toàn cho trẻ em chưa thực sự được bảo đảm, nhất là liên quan tới kỹ năng sinh tồn, chống đuối nước, cháy nổ, tai nạn giao thông, bạo lực học đường,… Những câu chuyện đau lòng khi bé gái bị xâm hại hoặc phụ nữ bị bạo lực gia đình vẫn còn diễn ra.

Từ thực tế trên, Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục nhận thức đúng về vai trò, vị trí của phụ nữ, công tác phụ nữ và bình đẳng giới; Tiếp tục quán triệt một số quan điểm về công tác phụ nữ theo tinh thần Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị trong: Phát huy vai trò, tiềm năng to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nâng cao địa vị phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; Xác định công tác phụ nữ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và từng gia đình; của bản thân chị em phụ nữ; Chăm lo cho phụ nữ tiến bộ về mọi mặt, quan tâm đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng để phụ nữ có điều kiện thực hiện tốt vai trò người công dân, người lao động, người mẹ, người thầy đầu tiên của con người;  Xây dựng, phát triển vững chắc đội ngũ cán bộ nữ tương xứng với vai trò to lớn của phụ nữ là yêu cầu khách quan, là nội dung quan trọng trong chiến lược công tác cán bộ.

Với các nội dung đối thoại lần này, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan tổng hợp đầy đủ các ý kiến, rà soát lại toàn bộ chính sách về bình đẳng giới, chính sách đối với phụ nữ để tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, các quy định một cách toàn diện. Phạm vi chính sách nào thuộc thẩm quyền Chính phủ thì Chính phủ sẽ giải quyết; phạm vi nào thuộc các bộ, ngành, địa phương thì cấp đó giải quyết; vượt thẩm quyền thì báo cáo với Chính phủ đề xuất các cơ quan chức năng liên quan./.

PV