BHXH các địa phương trong Cụm số 6 cần tập trung hoàn thành các chỉ tiêu thu, phát triển người tham gia năm 2022

17/08/2022 03:40 PM


Ngày 17/8/2022, tại TP.Thừa Thiên Huế, Đoàn công tác số 3 của BHXH Việt Nam do Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với BHXH 9 tỉnh, thành phố gồm: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, nhằm đôn đốc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong công tác thu; phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN; công tác khám chữa bệnh BHYT.

Tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo Ban Quản lý Thu - Sổ, Thẻ, Ban Thực hiện chính sách BHYT, Vụ Thanh tra, Kiểm tra, Trung tâm Giám định và Thanh toán đa tuyến, Trung tâm Truyền thông cùng lãnh đạo, cán bộ 9 tỉnh trong cụm.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh chủ trì buổi làm việc

Đánh giá thuận lợi, khó khăn

Theo báo cáo của các đơn vị BHXH trong cụm số 6, trong những tháng đầu năm 2022, BHXH các tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN cũng như công tác thu và đôn đốc thu hồi nợ BHXH, BHYT. Hầu hết các BHXH tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Đặc biệt, những đối tượng yếu thế như người cận nghèo, người dân ảnh hưởng Quyết định 861 đều được UBND các tỉnh hỗ trợ kinh phí tham gia BHYT.

Bên cạnh kết quả đạt được, tại buổi làm việc, lãnh đạo BHXH các tỉnh đã tập trung phân tích những khó khăn, thuận lợi trong công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN, đặc biệt những khó khăn trong vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.

Theo ông Nguyễn Viết Dũng - Giám đốc BHXH tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện nay, UBND tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ thêm 25% cho người cận nghèo tham gia BHYT; hỗ trợ thêm 30% cho người nghèo thiếu hụt các tiêu chí xã hội cơ bản. Vì vậy, toàn tỉnh có 1.145.345 người tham gia BHYT và theo kế hoạch Thừa Thiên Huế còn phải vận động 18.978 người tham gia BHYT để hoàn thành chỉ tiêu giao. Bên cạnh đó, toàn tỉnh cũng phải vận động 7.486 người tham gia BHXH bắt buộc và 13.650 người tham gia BHXH tự nguyện mới hoàn thành chỉ tiêu. Đáng chú ý, số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN cũng lên 240 tỷ đồng (chiếm 6,95% số phải thu). “Dù cơ quan BHXH đã thông báo số tiền nợ của từng đơn vị cho cơ quan công an, thuế, LĐLĐ để phối hợp đôn đốc nợ, mỗi tháng tổ thu nợ liên ngành làm việc với 30 - 40 đơn vị nợ nhưng số nợ của Thừa Thiên Huế vẫn cao thứ 5 toàn quốc. Đáng chú ý, trong số nợ đó có 32 tỷ đồng nợ của các doanh nghiệp giải thể, phá sản; 56 tỷ đồng nợ của các đơn vị ngừng hoạt động - số nợ này khó có khả năng thu hồi được”- ông Dũng nhận định.

Lãnh đạo BHXH các địa phương báo cáo tại buổi làm việc

Còn tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Hùng Anh cũng cho biết, số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN của Đà Nẵng gần 300 tỷ đồng (70% nợ khó đòi), chiếm 5,2% số phải thu. Dù cơ quan BHXH thực hiện rất nhiều giải pháp nhưng số nợ vẫn còn cao. Vì vậy, Đà Nẵng kiến nghị sửa đổi, bổ sung hướng dẫn các quy trình về xử lý nợ tại các đơn vị mất tích, không còn hoạt động; phá sản, giải thể, chủ SDLĐ bỏ trốn; khởi kiện đơn vị nợ, khởi tố hành vi chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN cũng như giới hạn hoạt động của đơn vị nợ đọng tham gia đấu thầu, thi công các dự án và có thể rút giấy phép hoạt động.

Còn theo BHXH Bình Định, hằng tháng BHXH các huyện đã triển khai rà soát phân loại nợ, xây dựng kế hoạch đôn đốc thu hồi tiền chậm đóng; phân công cán bộ chuyên quản theo dõi thực hiện kế hoạch đã đề ra. Tuy nhiên, đến 15/8, toàn tỉnh vẫn còn 242 tỷ đồng nợ BHXH, BHYT, BHTN (NSNN chậm đóng 5,6 tỷ đồng), chiếm 7% kế hoạch thu và tăng 25,4 tỷ đồng so với số nợ cùng kỳ năm 2021, tăng 83,2 tỷ đồng so với cuối năm 2021…

Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác thu, phát triển người tham gia, khám chữa bệnh BHYT tại các địa phương với những số liệu, so sánh trên toàn quốc; đồng thời cũng có những giải đáp, hướng dẫn địa phương về các lĩnh vực này.

Liên quan đến việc thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT, lãnh đạo Trung tâm Giám định và đa tuyến cho biết, hiện Trung tâm đang hỗ trợ các tỉnh quyết toán chi phí KCB trên hệ thống và Trung tâm đã có công văn đề nghị BHXH TP.Đà Nẵng làm rõ những đề xuất về chi phí KCB còn vướng của những năm trước 2021. Trong hệ thống quyết toán, có một số BHXH địa phương đang bị chậm, nếu các địa phương có vướng mắc cần phản ánh với chuyên quản để Trung tâm tổng hợp, trình lãnh đạo Ngành. Đồng thời, BHXH tỉnh Khánh Hoà cũng tăng cường ứng dụng CNTT, kiểm soát bệnh nhân ngay khi nhập viện để kiểm soát chi phí KCB BHYT…

Lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc

Thông tin thêm về công tác thanh kiểm tra, lãnh đạo Vụ Thanh tra, Kiểm tra cho biết, hiện số nhân lực làm công tác thanh kiểm tra tại 9 địa phương đang mỏng. Cụ thể 3/9 phòng thanh tra của BHXH tỉnh chỉ có 6 cán bộ làm công tác thanh kiểm tra thường xuyên và đột xuất (Ninh Thuận có 6 cán bộ nhưng số cuộc thanh tra đột xuất là 107 đơn vị - hiện chưa thực hiện được đơn vị nào; Thừa Thiên Huế có 6 cán bộ và phải tiến hành thanh tra đột xuất tại 300 đơn vị…). Do đó, các tỉnh cần tăng cường phối hợp với các phòng liên quan để tiến hành công tác thanh kiểm tra đảm bảo hiệu quả. “Trong thanh tra chuyên ngành, hiện các địa phương rất ít để ý đến thanh tra mức đóng, mà chỉ tập trung vào nhóm đối tượng nên bỏ sót nhiều. Đặc biệt, có những bệnh viện tư nhân trả thu nhập cho người lao động rất cao nhưng chỉ đóng BHXH bằng mức lương tối thiểu vùng. Ngoài ra, phòng thanh tra cũng cần phối hợp với phòng chế độ BHXH, giám định BHYT rà soát dữ liệu phát hiện những trường hợp hưởng BHXH, BHYT khống như Đồng Nai có tình trạng đơn vị có 600 giấy chứng nhận nghỉ việc khống để thanh toán chế độ BHXH, BHYT. Mặt khác, cũng rà soát để phát hiện những hiện tượng đề nghị hưởng BHXH 1 lần”.

Sau khi nghe ý kiến của BHXH các địa phương cũng như đại diện các Ban, Vụ của BHXH Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh đánh giá, trong cụm có 3 BHXH tỉnh gặp nhiều khó khăn trong công tác thu, phát triển đối tượng, công tác KCB BHYT là: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Bình Định. Đặc biệt, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng dự kiến sẽ vượt dự toán chi phí KCB BHYT. BHXH các tỉnh cần tham mưu UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ người dân tham gia BHYT, BHXH tự nguyện là: Bình Thuận, Phú Yên, Ninh Thuận...

“Cụm số 6 chưa phải khó khăn nhất trong cả nước mà khó khăn nhất là các tỉnh miền Tây Nam bộ, khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc và cụm số 6 đang nằm ở mức giữa toàn quốc. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa nhiệm vụ của chúng ta không nặng, đặc biệt là công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, nếu các tỉnh không hoàn thành thì các cụm khác, toàn quốc cũng khó hoàn thành được chỉ tiêu”- Phó Tổng Giám đốc nhận định.

Đồng thời, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh cũng khẳng định, qua báo cáo và ý kiến phát biểu thì hiện nay, các địa phương cơ bản đảm bảo công tác thu BHXH, BHYT, BHTN, cơ bản hoàn thành kế hoạch. Riêng Thừa Thiên Huế đề xuất BHXH Việt Nam điều chỉnh giao chỉ tiêu phát triển BHYT đảm bảo chỉ tiêu trên dân số, còn lại các chỉ tiêu đều đạt; 2/9 đơn vị chỉ tiêu BHXH tự nguyện có thể không đạt, song có thể lấy chỉ tiêu BHXH bắt buộc bù vào.

Toàn cảnh buổi làm việc

Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh yêu cầu các địa phương rà soát, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Ngành trong việc: tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh, thành phố thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT đến cấp huyện, xã; đưa chỉ tiêu về phát triển BHXH, BHYT vào các Nghị quyết về phát triển kinh tế, xã hội của các tỉnh, thành phố đến cấp huyện, xã; đề xuất trình Hội đồng Nhân dân (HĐND), UBND tỉnh, thành phố ban hành các chính sách hỗ trợ một số nhóm đối tượng từ ngân sách địa phương. Phân tích, đánh giá nguyên nhân giảm sâu của nhóm đối tượng BHYT hộ gia đình và nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ để đưa ra các giải pháp phù hợp. Rà soát, đánh giá việc tổ chức các điểm tổ chức dịch vụ thu tại cấp xã; thường xuyên kiểm tra việc hoạt động của các điểm thu, đảm bảo 100% các xã, phường có điểm thu và các điểm thu đều có nhân viên trực.Về chia sẻ dữ liệu thuế, tăng cường rà soát, kiểm tra dữ liệu từ cơ quan thuế chuyển sang để phát hiện các đối tượng tham gia BHXH bắt buộc nhưng chưa tham gia.

Trong công tác thu nợ, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, thanh tra, kiểm tra đột xuất; điều chỉnh, lựa chọn hình thức thanh tra, kiểm tra phù hợp với từng đơn vị; linh hoạt các phương pháp triển khai, đảm bảo thu hồi được tối đa các khoản nợ BHXH, BHYT, BHTN.

Về công tác KCB BHYT, tiếp tục giám sát chặt chẽ hoạt động KCB BHYT của các cơ sở KCB trên địa bàn, lưu ý đối với các cơ sở KCB tư nhân, kịp thời phát hiện tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ KCB BHYT; phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thiếu thuốc, vật tư y tế, đảm bảo quyền lợi của người bệnh BHYT./.     

PV