WB dự báo GDP Việt Nam tăng bật lại mức 5,5% trong năm 2022

22/01/2022 06:55 PM


Trong Báo cáo “Điểm lại, cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam”- ấn phẩm tháng 1/2022, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo GDP của Việt Nam tăng bật lại mức tăng trưởng 5,5% trong năm 2022 và sau đó ổn định về mức khoảng 6,5%, dựa trên kịch bản giả định đại dịch được kiểm soát tương đối tốt cả trong nước và trên quốc tế.

Kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi

Báo cáo phân tích, Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đợt bùng phát dịch Covid-19 kéo dài từ tháng 4, làm chệch quá trình phục hồi trong quý III/2021. Cách tiếp cận “Không Covid-19” của Chính phủ đã bị quá tải sau đợt bùng phát dịch bắt đầu từ tháng 4/2021, dẫn đến giai đoạn giãn cách kéo dài và những tổn thất kinh tế nặng nề. Hệ quả là GDP của Việt Nam năm 2021 ước tính chỉ tăng trưởng 2,58%, thấp hơn 4,2 điểm phần trăm so với dự báo mà WB đưa ra hồi tháng 12/2020…

Tuy nhiên, báo cáo của WB cũng chỉ ra những điểm tích cực mà Việt Nam đạt được trong các đợt ứng phó năm 2020. Mặc dù Việt Nam chưa chuẩn bị tốt cho đợt dịch Covid-19 bùng phát vào tháng 4/2021, nhưng các cấp có thẩm quyền đã nỗ lực triển khai tiêm vắc-xin trên toàn quốc, tuy muộn nhưng khá thành công. Từ đầu tháng 7 đến giữa tháng 12/2021, trên 75% dân số đã được tiêm ít nhất một mũi vắc-xin và trên 55% đã được tiêm đầy đủ. Nỗ lực tiêm vắc-xin đã tạo điều kiện cho Chính phủ chuyển từ chính sách “Không Covid-19” với các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt và tổn thất kinh tế nghiêm trọng nhằm giảm thiệt hại về người, sang chính sách “sống chung với Covid-19”, theo đó nền kinh tế được mở cửa trở lại trong khi vẫn tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch tễ.

DN cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong đợt giãn cách vào quý III, nhưng niềm tin kinh doanh của DN đã phục hồi trong những tháng cuối năm. Theo Điều tra Tình trạng kinh doanh của WB, từ tháng 9 đến tháng 11/2021, tỷ lệ DN đóng cửa tại TP.HCM (tâm điểm của khủng hoảng) đặc biệt cao (35%). Trong số những DN còn mở cửa, có đến 57% phải cắt giảm giờ làm. Tổng doanh số trong giai đoạn từ tháng 9 đến tháng 11/2021 giảm 39% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, dòng tiền chỉ suy giảm nhẹ nhờ các chính sách hỗ trợ và phương thức quản lý thận trọng hơn của các DN. Trong thực tế, 57% DN cho biết họ đã nhận được một phần hỗ trợ của Chính phủ so với tỷ lệ 19% trong tháng 6/2020 và 36% trong tháng 1/2021.

Đợt bùng phát dịch bắt đầu từ tháng 4/2021 cũng đã gây thiệt hại đáng kể cho NLĐ, hộ gia đình và DN. Các đợt giãn cách xã hội vào quý III/2021 gây ảnh hưởng đến khoảng 28,2 triệu NLĐ, trong đó khoảng 2,5 triệu người bị mất việc làm và tỷ lệ thất nghiệp tăng kỷ lục lên mức 3,7%. Thu nhập thực tế bình quân của NLĐ bị giảm 12,6% trong quý III/2021 so với cùng kỳ năm trước. NLĐ trong khu vực kinh tế phi chính thức, các hộ sản xuất kinh doanh và nữ giới là những đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương với tác động của cú sốc này...

Viễn cảnh tích cực trong trung hạn

Theo đánh giá của WB, viễn cảnh tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn và trung hạn là tích cực, với điều kiện tiếp tục triển khai vắc-xin trên toàn quốc, các hoạt động kinh tế trong nước được phục hồi, cùng với diễn biến phục hồi kinh tế trên toàn cầu. Tốc độ tiêm vắc-xin trên toàn quốc cần được đẩy mạnh sao cho 70% dân số được tiêm đầy đủ càng sớm càng tốt. Với tốc độ như hiện nay, mặc dù tỷ lệ tiêm vắc-xin của Việt Nam vẫn thấp hơn so với một số quốc gia láng giềng, nhưng mục tiêu trên hoàn toàn có thể đạt được trong quý đầu năm 2022, để tạo điều kiện chuyển sang tiêm mũi bổ sung.

Nền kinh tế được dự báo tăng trưởng khoảng 5,5% trong năm 2022 và sau đó ổn định về mức khoảng 6,5%. Dự báo trên dựa trên giả định là đại dịch sẽ được kiểm soát cả trong nước và quốc tế. Lạm phát dự kiến vẫn được duy trì dưới chỉ tiêu 4% của NHNN.

Tuy nhiên, theo nhóm chuyên gia, những rủi ro tiêu cực vẫn ở mức cao, đòi hỏi các cấp có thẩm quyền phải có biện pháp chủ động ứng phó. Cụ thể, những vấn đề còn tồn tại, như tình trạng thiếu hụt lao động đang diễn ra ở một số địa phương, cần được xử lý ổn thỏa để nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ trong ngắn hạn. Nhìn từ góc độ cầu, nhu cầu của khu vực tư nhân trong nước chưa được khôi phục về các mức trước năm 2020 trong giai đoạn giãn cách vào quý III, càng làm giảm lòng tin và thu nhập của khu vực tư nhân. Để khôi phục lại lòng tin và thu nhập, cần có các chính sách tài khóa và tiền tiền tệ phối hợp chặt chẽ.

Ngoài ra, các cấp có thẩm quyền cần vạch ra kế hoạch để chấm dứt đóng cửa biên giới quốc tế, đã và đang gây tốn kém rất nhiều cho nền kinh tế. Biên giới quốc tế được mở cửa sẽ cho phép các đoàn công tác được thực hiện với ít rào cản hơn. Đồng thời, để giúp nền kinh tế khôi phục lại xu hướng tăng trưởng như trước đại dịch, ngành du lịch cần sớm được khôi phục để tiếp tục đóng góp cho nền kinh tế. Ngành du lịch đóng góp khoảng 10% cho GDP năm 2019, nhưng đang gặp khó khăn trong 2 năm đóng cửa biên giới, gây tổn thất về thu nhập cho NLĐ và đơn vị SDLĐ. Dĩ nhiên, chiến lược đó đòi hỏi phải kiểm soát dịch liên tục trong năm 2022…

Báo cáo của WB cũng nhắc đến yếu tố bất định chủ yếu là hướng đi của đại dịch, các biến chủng nguy hiểm hơn có thể xuất hiện trước khi vắc-xin được bao phủ diện rộng, buộc phải áp dụng lại các biện pháp giãn cách xã hội, làm chậm lại quá trình phục hồi kinh tế ở Việt Nam và ở những thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Cơ quan này khuyến nghị tiếp tục duy trì tiến độ tiêm vắc-xin ban đầu, thực hiện mũi tiêm bổ sung cho người dân và đẩy mạnh các biện pháp theo thông điệp 5K trên toàn quốc.

Bên ngoài Việt Nam còn có 2 rủi ro theo hướng suy giảm nếu khủng hoảng kéo dài sang năm thứ 3. Nhiều quốc gia hiện không còn nhiều dư địa để sử dụng chính sách tài khóa và tiền tệ nhằm xử lý khủng hoảng kéo dài, vì vậy càng làm tăng thêm bất định và rủi ro suy giảm cho đà phục hồi trên toàn cầu- điều đó có thể ảnh hưởng đến Việt Nam. Ngoài ra, nền kinh tế Mỹ, EU và Trung Quốc đã tăng bật lại trong năm 2021, vì vậy họ có thể bắt đầu bình thường hóa chính sách tài khóa và tiền tệ, gây ảnh hưởng đến lộ trình tăng trưởng của các quốc gia đó trong trung hạn, đồng thời thắt lại các điều kiện huy động tài chính trên toàn cầu.

Vì vậy, WB khuyến nghị, khi phải đối mặt với bất định về cầu bên ngoài, Việt Nam nên tận dụng những hiệp định thương mại tự do hiện có nhằm đa dạng hóa sản phẩm và địa chỉ xuất khẩu. Điều này cho phép rủi ro được dàn rộng ra nhiều sản phẩm và đối tác, qua đó giảm nhẹ tác động tiêu cực có thể có khi phải phụ thuộc vào một vài thị trường lớn và các mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo tương đối hẹp.

 

PV