Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội: Chú trọng các giải pháp bảo đảm phát triển bền vững

05/11/2020 12:31 PM


Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, chiều 04/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về KT-XH, NSNN, đầu tư công, tài chính quốc gia, cơ cấu lại nền kinh tế, chương trình mục tiêu quốc gia...

Quốc hội tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội

Chú trọng phát triển kinh tế văn xã trong giai đoạn tới

Trong phiên thảo luận các đại biểu Quốc hội đã nêu nhiều vấn đề liên quan đến an toàn thông tin, thông tin mạng; việc thực hiện các chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xã hội hóa y tế; chăm sóc người cao tuổi; đầu tư phát triển văn hóa; đầu tư nguồn lực cho công tác phòng chống thiên tai và tái thiết sau thiên tai; bảo đảm an toàn hồ đập; bảo vệ phát triển rừng; đầu tư nâng cấp đội tàu đánh bắt xa bờ, hạ tầng nghề cá, khu neo đậu tàu thuyền; phát triển khu nông nghiệp công nghệ cao; vấn đề sáp nhập, sắp xếp, điều chỉnh các đơn vị hành chính; kế hoạch đầu tư công trung hạn; giải pháp phát triển kinh tế, phát triển vùng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án hồ chứa nước sông Than và Dự án hồ chứa nước Bản Mồng ... Các đại biểu Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến giải trình các vấn đề liên quan đến thủy điện, an toàn hồ đập, nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng – Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội, cho biết tại Kỳ họp gần cuối nhiệm kỳ này, nhiều cử tri ngành văn hóa, thể thao và du lịch đề nghị tiếp tục kiến nghị Quốc hội về tình hình đạo đức, văn hóa, xã hội hiện nay có nhiều bất cập. Do đó, đầu tư cho văn hóa không chỉ cần thiết mà trở nên cấp thiết. Theo đại biểu Nguyễn Quốc Hưng, đầu tư ở đây không chỉ là tiền bạc, vật chất mà còn là nhận thức, quan tâm thực chất của các ngành, các cấp từ Trung ương tới cơ sở cho con người, xã hội có văn hóa nề nếp, quy củ; cho những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng; cho tiếng nói đại diện cho văn hóa và du lịch ở Quốc hội được nhiều hơn, trí tuệ và mạnh mẽ hơn.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng - Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội

Để cụ thể hóa chủ trương, chính sách rất hay, rất đúng về văn hóa của Đảng, của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng kiến nghị Quốc hội cần sớm xây dựng Luật Văn hóa. Trước mắt cần có Nghị quyết về văn hóa cũng như các nghị quyết trước đây của Quốc hội về giáo dục và khoa học công nghệ, để thể hiện sự quan tâm, chú trọng thực chất văn hóa; để luật hóa chính sách của Đảng, Nhà nước, buộc các cơ quan, các cấp, các ngành thực hiện. Có như vậy, văn hóa mới thực sự trở thành nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững của đất nước.

Về các nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2021 - 2025, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng cho rằng, cần đầu tư phát triển mạnh công nghiệp văn hóa, công nghiệp y tế, kinh tế, giáo dục, kinh tế thể thao và du lịch tạm gọi chung là “kinh tế văn xã”. Đại biểu phân tích, đây là những ngành nước ta có tiềm năng, thế mạnh rất lớn, chưa khai thác và phát huy được nhiều. Phát triển kinh tế văn xã chúng ta sẽ đạt được mục tiêu kép, vừa chống dịch Covid -19 và các loại virus độc hại khác cho sức khỏe và con người, vừa phát triển kinh tế và cũng thu được lợi ích kép, không chỉ có những con người Việt Nam toàn diện đức, trí, thể mỹ; có một xã hội văn minh, nề nếp, dân trí văn hóa cao, mà còn rất hiệu quả về kinh tế. Đại biểu khẳng định, lợi ích về giữ gìn di sản văn hóa, quảng bá truyền thống văn hiến đất nước, con người, du lịch Việt Nam là không đo đếm được, tiền thu được không ít. Nếu thống kê trên phạm vi toàn quốc và các lĩnh vực khác của kinh tế văn hóa, chắc chắn số thu sẽ rất lớn.

Đại biểu cũng bày tỏ mong muốn, Đại hội Đảng lần thứ 13 sẽ tiếp tục thảo luận sâu sắc hơn về văn hóa cùng kinh tế văn xã, sẽ chọn phát triển kinh tế văn xã làm trụ cột, là khâu đột phá chiến lược để phát triển bền vững đất nước, để có thể viết nên câu chuyện thần kỳ về kinh tế Việt Nam ngay trong 10 năm tới.

Chú trọng các yếu tố bảo đảm phát triển bền vững

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai – Đoàn đại biểu Quốc hội Tp. Hà Nội, thì cho rằng trong bối cảnh thiên tai diễn ra với hậu quả nặng nề, hơn bao giờ hết, chúng ta cảm nhận được một yêu cầu đặt ra đó là phát triển bền vững. Đại biểu chỉ rõ các hoạt động kinh tế có tác động tiêu cực đến phát triển bền vững.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai - Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội 

Một là các dự án khai thác tài nguyên khoáng sản. Hoạt động khai khoáng đã mang lại nguồn thu nhất định cho ngân sách nhà nước thông qua công cụ thuế nhưng đây cũng là sắc thuế thất thu lớn nhất do chưa kiểm soát được sản lượng khai thác. Lợi nhuận đem lại cho chủ đầu tư là không nhỏ nhưng cũng tác động rất nghiêm trọng đến quá trình phát triển bền vững khi mà hoạt động này làm thay đổi căn bản đặc tính của đất, gây ô nhiễm đất và nguồn nước, phá hủy vĩnh viễn địa hình gây xói mòn và sạt lở nghiêm trọng, gây ô nhiễm không khí, phá hủy nguồn sinh thái, phá hủy tài nguyên rừng và cạn kiệt nguồn tài nguyên.

Hai là, liên quan đến bảo vệ rừng, diện tích rừng tự nhiên thu hẹp. Cùng với đó là vấn đề di cư tự do. Trên phạm vi toàn quốc còn hơn 24.000 hộ dân sống rải rác trong rừng phòng hộ và rừng đầu nguồn. Điều này dẫn đến tình trạng phá rừng để canh tác trái phép.

Theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, có nhiều giải pháp nhưng dưới góc độ tài chính – ngân sách cần tập trung một số vấn đề. Theo đó, trong tổng nguồn lực thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia cần phân bổ một khoản tương ứng để phục vụ công tác bảo vệ, phát triển rừng và ổn định dân cư. Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, cần rà soát để có phương án điều chỉnh hợp lý, trong đó cần ưu tiên mục tiêu khắc phục hậu quả thiên tai, đồng thời ưu tiên cho những dự án có khả năng bảo vệ, phát triển bền vững.

Cùng vấn đề quan tâm, đại biểu Lý Tiết Hạnh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định nhấn mạnh, quyết định việc phân loại rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, trồng rừng thay thế thì cần hết sức cân nhắc, thận trọng, việc trồng rừng thay thế, tôi cho rằng phải hết sức thực chất. Đại biểu kiến nghị Chính phủ đánh giá rõ hơn về tỷ lệ các loại rừng hiện nay trong đánh giá chung về độ che phủ và xem xét việc trồng rừng thay thế và rừng kinh tế cho phù hợp.

Đồng thời đề nghị thận trọng và hạn chế tối đa việc chuyển đổi rừng nghèo và quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm việc chiếm dụng đất rừng tự nhiên. Đại biểu cho biết, thực tế có những khu rừng nghèo, những bụi và nguyên thủy là rừng tự nhiên và có chức năng là rừng phòng hộ nhưng bị chặt phá. Do đó cần hết sức thận trọng khi đưa vào quy hoạch rừng nghèo và có lý do để chuyển đổi mục đích.

Tăng cường quản lý an toàn thông tin trên mạng

Đánh giá thành công của đất nước ta trong một năm hết sức khó khăn như 2020, đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum cho rằng, ngoài những nguyên nhân Chính phủ đã báo cáo còn có nguyên nhân bắt nguồn từ việc Đảng, Chính phủ, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị xã hội đã làm tốt công tác thông tin tuyên truyền tạo ra sự đồng thuận cao trong quần chúng nhân dân. Tuy nhiên đại biểu cũng chỉ rõ, thời gian qua đã xuất hiện những hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận để đăng tải, chia sẻ, phát tán thông tin sai lệch, xuyên tạc, bịa đặt về dịch bệnh, thiên tai, về sự nỗ lực của các cấp chính quyền, các nhà hảo tâm khắc phục thiên tai, bão lũ; về thành quả phát triển đất nước, về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trên mạng xã hội làm hoang mang dư luận, làm méo mó hình ảnh thể chế chính quyền.

Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum

Đại biểu Tô Văn Tám cho rằng, ngoài việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền thì cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và triệt để xử lý khúc này để ngăn chặn, xử lý thỏa đáng loại trừ các hành vi trên. Đại biểu nhấn mạnh, tự do phát ngôn, bình luận, chia sẻ thông tin là một trong những quyền tự do ngôn luận của công dân nhưng phải thực hiện các quyền đó trong khuôn khổ pháp lý nhất định.

Đại biểu Lưu Thành Công – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long, cho biết không gian mạng gần đây xuất hiện nhiều thành phần giang hồ, dùng chiêu trò lừa gạt, thông tin thất thiệt tác động xấu đến môi trường Internet. Nhiều kênh YouTube đưa thông tin nhảm nhí, ảnh hưởng đến thuần phong, mỹ tục, tuyên truyền mê tín, xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ một số tập thể, cá nhân, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội. Thậm chí, không ít vụ tai nạn dẫn đến tử vong ở trẻ em mà nguyên nhân là trẻ học theo những trò chơi nhảm nhí, thiếu khoa học, thiếu văn hóa trên các kênh YouTube.

Nhấn mạnh các nội dung này đã làm xấu đi hình ảnh con người Việt Nam, là sự xúc phạm, phản cảm đối với các giá trị văn hóa. Cùng với đó là nạn buôn bán hàng giả, cho vay trực tuyến mang tính dụ dỗ, lừa gạt, tràn lan trên không gian mạng. Có nhiều người dùng mạng bị chiếm đoạt thông tin, bị lừa mất số tài sản lớn. Đại biểu đề nghị Chính phủ có giải pháp thiết thực hơn nữa, tăng cường an ninh, trật tự trong lĩnh vực mạng. Luật cần bổ sung các quy định pháp lý, ràng buộc đối với các kênh YouTube cũng như video trên các trang mạng. Tăng cường xử phạt hành chính, nếu cần truy cứu hình sự đúng theo quy định của pháp luật đối với những cá nhân vi phạm ở lĩnh vực này.

Đại biểu cũng bày to mong muốn các đơn vị chức năng đẩy mạnh giáo dục để người dân, đặc biệt là học sinh đoạn tuyệt với các clip phản cảm, nhảm nhí, đề cao cảnh giác trước các chiêu trò lừa đảo trên Internet.

Theo chương trình Kỳ họp, ngày 5/11 Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về nội dung này./.

Theo quochoi.vn