“Vào bệnh viện mới thấy hết giá trị của tấm thẻ BHYT”

26/09/2020 04:58 PM


Bác sĩ Mạc Nhơn Khiêm, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, chống độc, bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau chia sẻ: “Nhiều người dân khi vào bệnh viện, điều trị dài ngày mới thấy hết giá trị của tấm thẻ BHYT. Nếu không có BHYT, tôi biết, không ít bệnh nhân đã phải bỏ cuộc, không đủ khả năng tài chính để điều trị lâu dài”.

Đầu tháng 9/2020, ông Huỳnh Minh Cường (64 tuổi, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau) đang khỏe mạnh đột nhiên bị tai biến mạch máu não. Biến cố bất ngờ khiến cả gia đình bàng hoàng. Ông Cường được nhanh chóng đưa đến cấp cứu tại bệnh viên đa khoa tỉnh. Qua cơn nguy kịch, ông được chuyển xuống Khoa Hồi sức tích cực, chống độc.

Anh Lê Tuấn Kiệt đang chăm sóc bố vợ tại bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau

Chăm sóc bố vợ mấy ngày qua, anh Lê Tuấn Kiệt (36 tuổi) cho biết, kinh tế gia đình 2 bên nhà anh đều khó khăn, không có công việc ổn định. Hiện anh là nguồn thu nhập chính với nghề lái xe taxi nhưng từ đầu năm đến nay cũng bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.

“Vì vậy, khi bố vợ bị tai biến, tôi và mọi người trong gia đình đều rất lo lắng cho sức khỏe, tính mạng của ông và cũng lo lắng không biết lấy tiền đâu để chi trả viện phí”- ông Kiệt nhớ lại.

Tuy nhiên, những lo lắng đó của gia đình anh Kiệt đã bớt phần nào vì ông Cường vẫn kiên trì mua BHYT từ hơn 5 năm nay. Anh Kiệt kể, năm nay vì kinh tế khó khăn, lại thấy mình không ốm đau, đi viện lần nào mấy năm qua nên có đợt ông Cường đã tính chuyện không tiếp tục tham gia BHYT nữa nhưng cuối cùng vì tiếc thời gian tham gia 5 năm liên tục mà ông vẫn cố dành dụm mua. Và giờ đây, chính tấm thẻ đó đang giúp ông và gia đình sản sẻ phần lớn tài chính cho những đợt điều trị, thuốc men tốn kém.

Theo thống kê sơ bộ của Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau, mới qua gần 3 tuần điều trị, ông Huỳnh Minh Cường đã được quỹ BHYT chi trả số tiền hơn 50 triệu đồng. “Số tiền này có thể không quá lớn với nhiều người nhưng với thu nhập của gia đình bệnh nhân Cường, tôi biết đó là một số tiền lớn. Hơn nữa, đây mới chỉ là quá trình điều trị bước đầu đầu. Bệnh tình của ông còn cần điều trị lâu dài nên số tiền được BHYT chi trả sẽ không phải là nhỏ”- bác sĩ Mạc Nhơn Khiêm chia sẻ.

Thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân, với nhiều những mảnh đời, hoàn cảnh khác nhau, bác sĩ Khiêm đánh giá, BHYT là một chính sách rất nhân văn, là chỗ dựa to lớn, đáng tin cậy cho mọi người trong xã hội nếu chẳng may ốm đau, bệnh tật. Tham gia BHYT hàng năm là một việc làm cần thiết để mỗi người tự bảo vệ sức khoẻ và kinh tế của bản thân và gia đình.

Rời bệnh viện đa khoa Cà Mau, chúng tôi vui khi anh Kiệt và vợ mình cho biết sẽ thay đổi suy nghĩ, tham gia BHYT lâu dài vì đã thấy được rõ lợi ích của chính sách này qua trường hợp của bố mình. Có thể nói, ốm đau, bệnh tật là điều không ai mong muốn nhưng đôi khi trong cuộc sống chúng ta vẫn phải đối mặt, vượt qua. Chuẩn bị cho hoàn cảnh đó, có lẽ không có điều gì tốt mà lại rẻ hơn việc tham gia BHYT. Đừng ai để khi mình nằm trên giường bệnh nói mà phải nói hai tiếng “giá như”...

PV