Bồi dưỡng phát triển đội ngũ giảng viên cơ hữu - Nhiệm vụ trọng tâm

22/09/2020 10:10 AM


Trong thời gian qua, để công tác phát triển đội ngũ giảng viên đạt chuẩn về chất lượng, đồng bộ về cơ cấu, Trường Đào tạo nghiệp vụ BHXH đã xây dựng và triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển đội ngũ giảng viên cơ hữu nhằm nâng cao chất lượng bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chức, viên chức ngành BHXH.

Đội ngũ giảng viên là chủ thể, đồng thời cũng là nhân tố quyết định chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học và sự phát triển của mỗi nhà trường. Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của lãnh đạo BHXH Việt Nam, Trường Đào tạo nghiệp vụ BHXH từng bước kiện toàn bộ máy tổ chức, xây dựng và củng cố đội ngũ giảng viên cơ hữu, hoàn thiện nội dung chương trình bồi dưỡng trình Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam phê duyệt, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị được giao.

Tuy nhiên, so với yêu cầu của ngành BHXH, số giảng viên đủ kiến thức nghiệp vụ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và kinh nghiệm giảng dạy chưa nhiều, tập trung chủ yếu ở đội ngũ lãnh đạo khoa, phòng và Ban giám hiệu nhà trường. Với phương châm, chất lượng đội ngũ giảng viên là điều kiện tiên quyết xây dựng Trường phát triển vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của Ngành, Trường đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Phát triển đội ngũ giảng viên đạt chuẩn về chất lượng, đồng bộ về cơ cấu”. Trong đó, mục tiêu đề ra là “ Đội ngũ giảng viên phải đạt chuẩn theo quy định, có phẩm chất chính trị vững vàng, có năng lực trình độ chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn về BHXH, BHYT, BHTN, có phương pháp nghiệp vụ sư phạm chuyên nghiệp đáp ứng quy mô đào tạo, bồi dưỡng của Trường trong từng giai đoạn”.

Với mục tiêu phát triển đội ngũ giảng viên đạt chuẩn theo quy định của Bộ Nội vụ, đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn, có kinh nghiệm thực tiễn, có năng lực, trình độ, phương pháp sư phạm, hiểu biết chế độ, chính sách, yêu ngành, yêu nghề tâm huyết với sự nghiệp. Trường đã ban hành Kế hoạch số 02/TĐT-ĐT ngày 02/01/2019 về bồi dưỡng giảng viên giai đoạn 2019 - 2021 và Kế hoạch số 72/KH-TĐT ngày 06/3/2020 về triển khai thực hiện Đề án “Phát triển đội ngũ giảng viên đạt chuẩn về chất lượng, đồng bộ về cơ cấu”. Theo đó, căn cứ tiêu chuẩn giảng viên quy định tại Thông tư số 01/2018/TT-BNV ngày 08/01/2018 của Bộ Nội vụ hướng dẫn một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Trường đã lựa chọn 30 công chức, viên chức có đủ điều kiện, tiêu chuẩn để xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, phát triển trở thành giảng viên giảng dạy chính thức. Phấn đấu đến năm 2025, ít nhất có 17 giảng viên đủ điều kiện giảng dạy chính thức (gồm 07 giảng viên đã, đang giảng dạy và 08 giảng viên mới). Trên cơ sở đó, đặt ra nhiệm vụ cụ thể cho các khoa, phòng và các đơn vị trong Trường.

Giảng viên tham gia thao giảng trước Hội đồng Khoa học và Đào tạo nhà trường

Trong năm 2020, Trường đã tổ chức được 29 lượt giảng thử trước Hội đồng khoa học và hàng chục lượt tập giảng tại Khoa, Phòng. Qua đó, các giảng viên có cơ hội thực hành nghiệp vụ sư phạm, rèn luyện kỹ năng, phương pháp giảng dạy, trau dồi, hoàn thiện bản thân và trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau. Từ các đợt giảng thử, Hội đồng khoa học đã chọn được thêm 02 giảng viên đứng lớp, nâng số giảng viên chính thức đứng lớp lên 09 người. Ngoài ra Trường còn phối hợp với các Vụ, Ban và các đơn vị liên quan trong và ngoài Ngành cử giảng viên thỉnh giảng có trình độ chuyên môn sâu về nghiệp vụ và có trình độ sư phạm để tham gia giảng dạy các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ.

Hiện nay, hầu hết giảng viên trong Trường đã đổi mới phương pháp giảng dạy để phù hợp với từng đối tượng học viên, cắt giảm khối kiến thức lý thuyết, cụ thể hóa những kiến thức nghiệp vụ bằng tình huống thực tế, tăng thời lượng thực hành kỹ năng, xử lý tình huống, nâng cao khả năng tương tác giữa giảng viên và học viên. Phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy tính tích cực chủ động của học viên được giảng viên thực hiện một cách triệt để được học viên ghi nhận và BHXH các tỉnh, thành phố đánh giá cao.

Trong giờ lên lớp của giảng viên Trường Đào tạo nghiệp vụ BHXH

Để nâng cao trình độ, phương pháp nghiệp vụ sư phạm cho đội ngũ giảng viên, Trường đã tổ chức lớp Bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên cơ hữu và giảng viên thỉnh giảng công tác tại các Vụ, Ban nghiệp vụ. Thường xuyên cử giảng viên, công chức, viên chức nhà trường tham gia các khóa bồi dưỡng, hội nghị, tập huấn về nghiệp vụ BHXH, BHYT, BHTN do ngành tổ chức. Trong thời gian tới, Trường sẽ liên kết với một số cơ sở đào tạo, bồi dưỡng tiếp tục bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp giảng dạy, nghiên cứu khoa học, khai thác dữ liệu và giảng dạy online cho giảng viên cơ hữu và giảng viên thỉnh giảng.

Trường rất chú trọng công tác bồi dưỡng năng lực nghiên cứu khoa học cho đội ngũ giảng viên. Giao nhiệm vụ cho những giảng viên có năng lực thực hiện một số nội dung nghiên cứu khoa học như tham gia xây dựng đề cương giáo trình bài giảng một số nghiệp vụ BHXH, tham gia một số chuyên đề hợp tác quốc tế do BHXH Việt Nam tổ chức, tham gia thực hiện các đề tài nghiên cứu cấp Trường, cấp ngành... Trường đã chủ trì xây dựng nhiều đề tài, đề án cấp cơ sở, cấp bộ ngành mang tính ứng dụng cao, như: Đề tài “Nghiên cứu những nhân tố tác động đến việc tham gia BHYT hộ gia đình ở Việt Nam” đã được Tổng Giám đốc phê duyệt tại Quyết định số 616/QĐ-BHXH ngày 31/01/2018 về việc công nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ; Đề tài “Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT tuyến quận, huyện” đã được Tổng Giám đốc phê duyệt tại Quyết định số 353/QĐ-BHXH ngày 13/3/2018 về việc công nhận kết quả  thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ; Đề án “Phát triển đội ngũ giảng viên Trường Đào tạo nghiệp vụ đạt chuẩn về chất lượng, đồng bộ về cơ cấu” ... Ngoài ra, hàng năm công chức, viên chức, giảng viên nhà Trường hoàn thành nhiều đề tài, sáng kiến cải tiến hiệu quả làm việc, mang tính ứng dụng cao được triển khai áp dụng trong toàn Trường.

Bồi dưỡng phát triển đội ngũ giảng viên cơ hữu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường. Trong giai đoạn hiện nay, với sự thay đổi không ngừng của nền kinh tế tri thức cũng như sự phát triển của khoa học, kỹ thuật và cách mạng công nghệ 4.0, việc bồi dưỡng và phát triển đội ngũ giảng viên cơ hữu lại càng cấp thiết và quan trọng hơn bao giờ hết,  giúp đội ngũ giảng viên sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, qua đó giúp mỗi giảng viên xây dựng, vun đắp năng lực, uy tín cá nhân đồng thời tạo dựng thương hiệu cho Trường Đào tạo nghiệp vụ BHXH.

 

Ngô Thị Thúy