Phù Cát (Bình Đinh): Nhiều kết quả nổi bật sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW

23/08/2019 09:20 AM


Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 07/9/2009 của Ban Bí thư (khóa X) về đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới, việc thực hiện chính sách, pháp luật BHYT tại huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định đạt được những kết quả tích cực, tạo nền tảng bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

Buổi truyền thông chính sách về BHXH, BHYT do BHXH huyện và Hội Nông dân huyện Phù Cát phối hợp thực hiện tại xã Cát Minh

Số người tham gia BHYT trên địa bàn huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định tăng dần qua các năm. Nếu như năm 2009, có 89.981 người tham BHYT đạt 54,2% dân số thì đến hết năm 2018, số người tham gia BHYT là 172.650 đạt 90,4% dân số , tăng 36,2% so với thời điểm trước khi có Chỉ thị 38-CT/TW. Trong đó, nhóm đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình có sự gia tăng mạnh trong 10 năm qua, nếu như năm 2019 có 11.208  người tham gia BHYT hộ gia đình thì đến năm 2014 tăng lên 22.269 người, năm 2018 có 39.210 người; năm 2009 tỷ lệ người cận nghèo được cấp thẻ BHYT 8,2% đến năm 2018 đạt 94%; tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia BHYT năm 2009 đạt 86,9% đến năm 2018 đạt 97%. Cùng với việc gia tăng tỷ lệ bao phủ BHYT, quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT cho người dân trên địa bàn cũng được đảm bảo. Năm 2009, có 154.052 lượt người khám, chữa bệnh BHYT, đến năm 2014 có 252.705 lượt người và năm 2018 số lượt người khám, chữa bệnh BHYT là 283.574 lượt người, tăng 129.522 lượt người so với trước khi có Chỉ thị số 38-CT/TW.

Hệ thống thông tin Giám định BHYT đi vào hoạt động giúp các cơ sở y tế khai thác thông tin, tra cứu thẻ BHYT, lịch sử khám chữa bệnh và quản lý thông tuyến, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT hiệu quả, kịp thời. Các cơ sở y tế trên địa bàn huyện thực hiện công khai thời gian khám bệnh, quy trình khám bệnh, bảng giá viện phí, đối tượng ưu tiên, sơ đồ khoa khám, chữa bệnh; xây dựng phương án linh hoạt khi lưu lượng người bệnh tăng đột biến. Đồng thời, củng cố, sắp xếp lại các khoa, phòng, tăng cường nhân lực tại khâu đón tiếp, khám bệnh, lấy mẫu xét nghiệm, cấp phát thuốc... Nhờ vậy, chất lượng khám chữa bệnh bằng BHYT ngày càng được cải thiện, người dân được tiếp cận tương đối đầy đủ dịch vụ kỹ thuật y tế mới, nhiều chủng loại thuốc có tác dụng điều trị bệnh hiệu quả.

Để có được những kết quả nổi bật trên, là sự quan tâm chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, sự phối hợp thực hiện của các phòng, ban, ngành trong công tác phát triển BHXH, BHYT nói chung và tổ chức thực hiện chính sách BHYT nói riêng./.

Lương Ngọc Tấn