Tập trung nguồn lực phát triển toàn diện vùng dân tộc thiểu số và miền núi

09/08/2019 10:28 AM


Các cấp, ngành, chính quyền địa phương cần phối hợp tập trung phát triển toàn diện vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, ưu tiên nguồn lực thực hiện các chính sách dân tộc nhằm tạo sự đột phá về phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong thời gian tới.

Quang cảnh hội thảo.

Đó là chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai  tại hội thảo “Công tác thể chế và kết quả phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, do Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết số 24-NQ/TW của BCH Trung ương khóa IX về công tác dân tộc và 25 năm thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW của Ban Bí thư khóa VII về một số công tác ở vùng dân tộc Mông.

 Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì Hội thảo. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến; Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Điểu K’Ré; Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hầu A Lềnh cùng đại diện Đại sứ quán Ireland, đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương.

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Đỗ Văn Chiến cho rằng, hiện đồng bào các dân tộc thiểu số đang đứng trước “nguy cơ” tụt hậu ngày càng xa hơn so với sự phát triển chung của đất nước. Một số vùng dân tộc thiểu số đặc trưng và một số dân tộc thiểu số đang bị mai một bản sắc văn hóa.

Mặc dù tỷ lệ nghèo của cả nước nói chung và vùng dân tộc thiểu số nói riêng được giảm dần qua các năm, nhưng khoảng cách chênh lệch cũng như mức sống giữa các dân tộc ngày càng lớn. Vùng dân tộc thiểu số đã đang và tiếp tục là “lõi nghèo của cả nước”. Tình trạng hộ nghèo, cận nghèo ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn đang là một trong những thách thức lớn nhất hiện nay.

Tính đến cuối năm 2018, còn 720.731 hộ nghèo là người dân tộc thiểu số, chiếm 55,27% tổng số hộ nghèo cả nước (trong khi đó tỷ lệ dân số dân tộc thiểu số chiếm 14,6% dân số của cả nước), nhiều nhóm dân tộc thiểu số có tỷ lệ hộ nghèo trên 40%. Chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.

Kết cấu hạ tầng vùng dân tộc thiểu số đang từng bước được hoàn thiện, gắn liền với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội từng vùng. Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra, thực trạng hạ tầng kinh tế vùng dân tộc thiểu số vẫn rất cần được tiếp tục đầu tư. Đồng bào các dân tộc thiểu số tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản đang ở mức rất thấp so với bình quân chung cả nước. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số trong cơ quan nhà nước các cấp có xu hướng giảm…

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tham gia nhiều ý kiến tham luận nhằm đánh giá, làm rõ hơn về công tác thể chế Nghị quyết số 24-NQ/TW tại các địa phương trong những 15 năm qua, đồng thời đề xuất nhiều nhiệm vụ, giải pháp gắn với yêu cầu thực tiễn của công tác dân tộc. Nhiều ý kiến nhất trí cho rằng, thời gian tới, chính sách dân tộc cần tiếp tục được hoàn thiện về chủ trương, bảo đảm các dân tộc bình đẳng; tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi dựa trên tiềm năng, lợi thế so sánh của vùng; đảm bảo an ninh, quốc phòng vững chắc và an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo khẳng định, qua 15 năm thực hiện, các quan điểm của Nghị quyết số 24-NQ/TW vẫn còn giá trị rất to lớn. Những quan điểm này cần tiếp tục được làm sâu sắc trong quá trình thực hiện chính sách. Từ Nghị quyết số 24-NQ/TW  đến nay, quan điểm của Đảng về công tác dân tộc là nhất quán. Công tác thể chế các quan điểm này có nhiều tiến bộ, thể hiện mối quan tâm đối với công tác dân tộc, qua nhiều năm đã ban hành hệ thống chính sách về công tác dân tộc khá đồ sộ với 118 chính sách bao gồm 54 chính sách trực tiếp, 64 chính sách gián tiếp.

Đồng chí Trương Thị Mai lưu ý, thời gian tới cần tiếp tục nhận diện những vấn đề đặt ra trong tình hình mới đối với công tác dân tộc, cần có giải pháp khả thi hơn và cách tiếp cận phù hợp hơn. Các chính sách về công tác dân tộc sắp tới cần đủ, mạnh, quyết tâm và hiệu quả. Cuộc sống của đồng bào DTTS sẽ là mối quan tâm hàng đầu của Đảng và cả hệ thống chính trị, trong đó cần giải quyết được các vấn đề về đói nghèo, cải thiện nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm khoảng cách giàu nghèo, hướng tới phát triển bền vững; hệ thống các chính sách liên quan đến cuộc sống đồng bào DTTS phải được sắp xếp lại, được lồng ghép, nâng cao hiệu quả và được thực hiện trong một cơ chế điều hành hợp lý hơn; phải có chính sách đặc thù để giải quyết nhanh hơn các mục tiêu mong muốn; các chính sách phải gắn với điều kiện sinh sống, với văn hóa, tập quán tốt đẹp và phát huy được tiềm năng, yếu tố tích cực của cộng đồng và gắn các vấn đề trong phát triển. Ngoài ra, các vấn đề như: cơ sở hạ tầng, tình trạng du canh du cư, công tác cán bộ là người DTTS, xây dựng người có uy tín, quản lý nhà nước về công tác dân tộc… cũng cần phải được quan tâm.

Trưởng Ban Chỉ đạo khẳng định: Công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị; mang tính chiến lược cơ bản, cần thực hiện thường xuyên, lâu dài vì sự ổn định, phát triển bền vững của đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh./.

PV