Cải thiện năng suất lao động - Nhiệm vụ cốt lõi, cấp thiết

07/08/2019 10:23 AM


Sáng nay (7/8) tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị “Cải thiện năng suất lao động quốc gia”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự và chủ trì Hội nghị.

Hội nghị nhằm tìm ra các giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng năng suất lao động của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cạnh tranh gay gắt. Cải thiện và thúc đẩy tăng năng suất lao động là yếu tố quyết định tới năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của từng doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị.

Theo Tổng cục Thống kê, với mức tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt 7,08%, năng suất lao động toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2018 ước tính đạt 102,2 triệu đồng/lao động (tương đương 4.521 USD/lao động); tính theo giá so sánh, tăng 6% so với năm 2017. Bình quân giai đoạn 2016-2018, năng suất lao động tăng 5,77%/năm, cao hơn so với mức tăng bình quân 4,35%/năm của giai đoạn 2011-2015. Tính chung giai đoạn 2011-2018, năng suất lao động tăng bình quân 4,88%/năm.

Tuy nhiên, mức năng suất lao động của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực, đáng chú ý là khoảng cách chênh lệch tuyệt đối vẫn tiếp tục gia tăng. Điều này cho thấy nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức rất lớn trong thời gian tới để có thể bắt kịp mức năng suất lao động của các nước.

Giải pháp mang tính “chìa khóa”

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trải qua chặng đường 30 năm đổi mới với nhiều thành tựu quan trọng, đất nước đã phát triển mạnh mẽ lên một tầm cao mới, sánh ngang với nhiều quốc gia tiến bộ trên thế giới.

Tuy nhiên, trên chặng đường phát triển đó, Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, vừa phải tập trung giải quyết những tồn tại, điểm nghẽn cố hữu của nền kinh tế, vừa phải ứng phó với những vấn đề phát sinh của thời đại.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, hiện nay, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Tiểu ban Kinh tế - Xã hội phục vụ Đại hội Đảng lần thứ XIII đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt trong việc xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025, trong đó, đặc biệt nhấn mạnh các cấp, các ngành, các cơ quan tập trung nghiên cứu những vấn đề lớn, định hướng lớn, giải pháp trọng yếu để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững, trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có mức thu nhập trung bình cao. Trong rất nhiều các giải pháp đề ra, tăng năng suất lao động là một giải pháp mang tính “chìa khóa” để thực hiện thành công mục tiêu chiến lược trong 10 năm tới và tầm nhìn đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, tính đến năm 2018, chỉ số năng suất lao động xã hội của nước ta đạt 102,2 triệu đồng/1 lao động, tương đương 4.521 USD/1 lao động (theo giá hiện hành), cao hơn gần gấp đôi so với năm 2011, tăng bình quân 4,88%/năm giai đoạn 2011-2018, riêng giai đoạn 2016-2018 tăng bình quân 5,77%/năm, giúp Việt Nam trở thành quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN (Singapore là 1,4%/năm; Malaysia là 2%/năm; Thái Lan là 3,2%/năm; Indonesia là 3,6%/năm; Phillipines là 4,4%/năm).

Tuy nhiên, xét ở khía cạnh giá trị so sánh với các nước trong khu vực, năng suất lao động của nước ta vẫn ở mức thấp. Nếu tính theo giá trị sức mua tương đương (PPP) năm 2018, năng suất lao động nước ta đạt 11.142 USD thì chỉ bằng 7,3% năng suất lao động của Singapore; 19% của Malaysia; 37% của Thái Lan; 44,8% của Indonesia; 55,9% của Phillipines.

Điều này cho thấy nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức rất lớn trong thời gian tới để có thể bắt kịp mức năng suất lao động của các nước. Việc cải thiện năng suất lao động của nước ta là nhiệm vụ cốt lõi, cấp thiết và có ý nghĩa hết sức quan trọng, ý nghĩa sống còn nhằm thúc đẩy tăng trưởng, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, tránh tụt hậu, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước trên thế giới.

Theo kinh nghiệm của các quốc gia đi trước, phát triển khoa học và công nghệ có tác động quan trọng tới nâng cao năng suất lao động. Sự phát triển thành công của các nước Đông Á đều dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, điển hình như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc... đều là các quốc gia có đầu tư rất lớn vào vấn đề năng suất quốc gia, thông qua việc xây dựng và thực hiện các kế hoạch tổng thể năng suất quốc gia, phù hợp với xu hướng quốc tế và bối cảnh của mỗi nước.

Quang cảnh hội nghị.

Mỗi một người lao động cần phải trở thành hạt nhân của đổi mới sáng tạo

Nêu một số đề xuất thảo luận về mặt giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, cần có sự vào cuộc và nỗ lực vượt bậc của toàn hệ thống chính trị, huy động tổng lực các cơ quan trung ương thuộc các ngành, lĩnh vực, các ủy đảng, chính quyền, đoàn thể trong việc xây dựng và thực thi quyết liệt các giải pháp tăng năng suất lao động, coi đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu trong việc thực hiện Chiến lược và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Việc sớm thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia là rất cần thiết, trong đó, hình thành bộ máy, cơ quan chuyên sâu về năng suất lao động thực hiện nhiệm vụ điều phối, phối hợp các động lực tăng năng suất quốc gia của Việt Nam.

Về phía doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh sự chủ động trong các giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp hướng tới mục tiêu nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy các sáng kiến kinh doanh, ứng dụng các mô hình quản trị doanh nghiệp tốt, hiện đại. Doanh nghiệp cần xác định chiến lược kinh doanh phù hợp, phát triển những sản phẩm mới có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao; tập trung đầu tư nâng cao năng lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất, quản trị doanh nghiệp để nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Đối với người lao động, cần tăng cường trau dồi kiến thức, tay nghề, kỹ năng nghề nghiệp, mỗi một người lao động cần phải trở thành hạt nhân của đổi mới sáng tạo, phát huy sáng kiến, cần cù, chịu khó trong công việc, vừa khẳng định được năng lực cá nhân, tăng năng suất, tăng thu nhập vừa khẳng định được giá trị văn hóa và con người Việt Nam trong thời đại mới.

Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung như: Năng suất lao động và các giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng năng suất lao động của Việt Nam; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo với năng suất lao động; mô hình kinh tế mới và tác động đến năng suất lao động; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đóng góp cho việc nâng cao năng suất lao động quốc gia; năng suất lao động dưới góc độ của lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp…/.

PV