Bộ Tư pháp: Năm 2019 theo dõi trọng tâm thi hành pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT

05/01/2019 01:25 PM


Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long vừa ký Quyết định số 3072/QĐ-BTP ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm năm 2019. Theo đó, tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người lao động được xác định là lĩnh vực theo dõi trọng tâm, liên ngành.

Năm 2019, tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người lao động được xác định là lĩnh vực theo dõi trọng tâm, liên ngành. Ảnh cminh họa.

Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ, BHXH Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các Bộ, ngành, địa phương khác có liên quan tổ chức theo dõi dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người lao động.

Kế hoạch xác định 6 nội dung chính cần thực hiện gồm: Ban hành kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người lao động; ban hành danh mục các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người lao động; tổ chức thu thập, xử lý thông tin theo dõi tình hình thi hành pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người lao động; kiểm tra liên ngành tình hình thi hành pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người lao động; điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người lao động; tổ chức hội nghị xử lý kết quả kiểm tra, điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành.

Theo Kế hoạch, trong phạm vi quản lý nhà nước được giao, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm: Bám sát Kế hoạch để kịp thời ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người lao động phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, ngành mình; bố trí cán bộ, kinh phí và các điều kiện bảo đảm cho hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật hiệu quả, đúng pháp luật; công bố công khai kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật, trừ các nội dung thuộc bí mật công tác, bí mật nhà nước; tổng hợp kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người lao động trong Báo cáo chung về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2019 của Bộ, ngành, cơ quan mình; gửi về Bộ Tư pháp trước ngày 15/10/2019 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kịp thời ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người lao động trên địa bàn quản lý; chỉ đạo các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp phối hợp chặt chẽ với Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, cán bộ Tư pháp - Hộ tịch tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp triển khai đồng bộ, hiệu quả Kế hoạch sau khi được ban hành; bố trí cán bộ, kinh phí và các điều kiện bảo đảm cho hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật; công bố công khai kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật, trừ các nội dung thuộc bí mật công tác, bí mật nhà nước; tổng hợp kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người lao động trong Báo cáo chung về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2019 của địa phương mình; gửi về Bộ Tư pháp trước ngày 15/10/2019 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2019 được ban hành sớm đã thể hiện quyết tâm của Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp trong việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác theo dõi thi hành pháp luật trên phạm vi cả nước; từng bước khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay và tạo tiền đề cho sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động tổ chức theo dõi thi hành pháp luật.

PV