Nâng cao nhận thức và sự chủ động của sinh viên trong việc tham gia BHXH, BHYT

14/12/2018 02:25 PM


Ngày 13/12/2018, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp với BHXH Việt Nam tổ chức tọa đàm “Nâng cao nhận thức và sự chủ động của sinh viên trong việc tham gia BHXH, BHYT và BH thất nghiệp cho 500 sinh viên của trường.

ThS. Nguyễn Đức Toàn - PGĐ Trung tâm Truyền thông, BHXH Việt Nam.

Đến dự toạ đàm có ThS. Nguyễn Đức Toàn (PGĐ Trung tâm Truyền thông, BHXH Việt Nam), bà Tống Thị Song Hương (Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ BHYT - Bộ Y tế), PGS.TS Trần Thị Hạnh - Giảng viên khoa Triết học ( ĐHKHXH&NV). Đây là lần thứ 2, Trường ĐHKHXH&NV và BHXH Việt Nam phối hợp tổ chức tọa đàm chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trong sinh viên để giúp sinh viên hiểu và áp dụng hiệu quả các quy định của chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

Các chuyên gia chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn về chính sách BHXH, BHYT.

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm thực tiễn về các chính sách, pháp luật liên quan và một số giảng viên, sinh viên trong trường đã được thụ hưởng quyền lợi về BHYT, BHXH sẽ đối thoại trực tiếp để tìm hiểu nội dung, giải đáp các vấn đề, tình huống khúc mắc về các loại bảo hiểm nói trên.

Về BHXH, sinh viên tham dự sẽ được cung cấp những kiến thức, những nội dung cơ bản của chính sách BHXH về quyền lợi, trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động, mức đóng, mức hưởng và các chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất … Về BH thất nghiệp, sinh viên sẽ được trang bị những kiến thức cần thiết để đảm bảo quyền lợi của mình trong trường hợp không may mất việc làm.

Về BHYT, với mục tiêu đưa tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia BHYT đạt mức 100% trong năm học 2019 và duy trì tỷ lệ tham gia bền vững, tọa đàm sẽ góp phần giải thích và minh họa cụ thể bằng các tình huống về nghĩa vụ và quyền lợi của sinh viên. Theo đó, sinh viên không chỉ cần tuân thủ pháp luật về việc tham gia BHYT để bảo vệ lợi ích cá nhân, mà còn thấu hiểu ý nghĩa nhân văn cao cả của chính sách BHYT, đặc biệt về phương diện truyền thông cho cộng đồng.  

Sinh viên trường ĐHKHXH&NV tham gia buổi tọa đàm trên tinh thần học hỏi, sôi nổi.

Đặc biệt, tại tọa đàm, các chuyên gia, nhà quản lý đã chia sẻ nhiều thông tin hữu ích liên quan đến trách nhiệm và quyền lợi tham gia BHXH, BHYT của sinh viên. Theo đó, mức đóng BHYT của học sinh, sinh viên bằng 4,5% mức lương cơ sở. Ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng, sinh viên đóng 70% còn lại. Số tiền mà một sinh viên đóng BHYT hiện tại là 43.785 đồng/tháng, phần ngân sách nhà nước hỗ trợ là 18.765 đồng/tháng. Sinh viên có thể lựa chọn phương thức đóng 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng cho cơ sở giáo dục, nhà trường sinh viên đang theo học. Về mức chi trả, nếu đi khám chữa bệnh đúng tuyến, sinh viên được chi trả các mức 80% - 95% - 100%, tùy từng mã thẻ. Nếu khám trái tuyến, mức chi trả là 40% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến trung ương, 100% chi phí điều trị nội, ngoại trú tại các bệnh viện tuyến huyện; được chi trả 60% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh đến ngày 31/12/2020.

Từ năm 2021, sinh viên được chi trả 100% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi cả nước. Trường hợp đi khám chữa bệnh không xuất trình đầy đủ thủ tục, được quỹ BHYT thanh toán trực tiếp tại cơ quan BHXH trong phạm vi và mức hưởng theo quy định. Trường hợp tham gia 5 năm liên tục trở lên sẽ được hưởng quyền lợi BHYT cao hơn.

Theo lãnh đạo Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội, tỷ lệ sinh viên của trường tham gia BHYT trong năm học 2018-2019 đạt 98%, trong đó sinh viên năm thứ nhất đạt 98,4%, sinh viên năm thứ hai và ba đạt 98%, sinh viên năm cuối đạt 97,4%. Việc tuyên truyền giáo dục về chính sách pháp luật BHXH, BHYT, BH thất nghiệp luôn được nhà trường quan tâm sát sao.

Việc sinh viên tham gia BHYT là một trong các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và việc chấp hành pháp luật của sinh viên cũng như giúp sinh viên hiểu và áp dụng hiệu quả các quy định của chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp./.

Quyết Thắng