"Những điểm mới trong chính sách BHYT từ tháng 12-2018"

30/11/2018 07:21 PM


Chiều 30-11, Báo Nhân Dân phối hợp BHXH Việt Nam tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến “Những điểm mới trong chính sách BHYT từ tháng 12-2018”.

Tham dự giao lưu trực tuyến có ông Lê Văn Khảm, TS.BS, Vụ trưởng, Vụ BHYT, Bộ Y tế; ông Nguyễn Tá Tỉnh, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam; PGS.TS.BS Vũ Xuân Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương.

Về phía Báo Nhân Dân có Nhà báo Phạm Song Hà, Ủy viên Ban Biên tập, Trưởng Ban Chính trị - Xã hội; Nhà báo Nguyễn Ngọc Thanh, Trưởng Ban Nhân Dân điện tử.

Ban Tổ chức tặng hoa các khách mời tham gia giao lưu.

Phát biểu tại Giao lưu, nhà báo Phạm Song Hà, Ủy viên Ban Biên tập, Trưởng Ban Chính trị - Xã hội, Báo Nhân Dân cho biết, Nghị định 146/2018/NĐ-CP (Nghị định 146) có hiệu lực từ ngày 1-12-2018, thay thế Nghị định 105/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT. Quyết định số 823/QĐ-TTg lấy ngày 1-7 là ngày BHYT Việt Nam, Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn thi hành… đã thể hiện ý chí và quyết tâm thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân, tạo điều kiện để mọi người dân được chăm sóc sức khỏe; đánh dấu một bước phát triển mới trong lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Qua việc thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân, đã khơi dậy và nhân lên tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ, chia sẻ gánh nặng tài chính với những người chẳng may bị ốm đau, bệnh tật, giúp họ vượt qua khó khăn, hoạn nạn, rủi ro, đau yếu, góp phần tăng cường và giữ vững an sinh xã hội.

Từ trước đến nay, Báo Nhân Dân thường xuyên dành thời lượng lớn trên tất cả các ấn phẩm của mình để tuyên truyền về công tác BHYT, góp phần thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân vì sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội, vì an sinh đất nước.

Nhà báo Phạm Song Hà phát biểu tại Giao lưu trực tuyến.

Theo nhà báo Nguyễn Ngọc Thanh, BHXH và BHYT giữ vai trò trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội. Thời gian qua, công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT đã đạt được những kết quả tích cực. Ngành BHXH cũng phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế thực hiện tốt chính sách BHYT, kịp thời triển khai các văn bản, quy định hướng dẫn thực hiện Luật BHYT như: Quy định thông tuyến KCB BHYT; điều chỉnh, thống nhất giá dịch vụ KCB BHYT giữa các bệnh viện đồng hạng trên toàn quốc... Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 146 có hiệu lực từ ngày 1-12-2018, thay thế Nghị định 105/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT. Nghị định 146 có những quy định mới đã thu hút được sự quan tâm của những người tham gia BHYT và đông đảo nhân dân cả nước.

Chương trình giao lưu trực tuyến được tổ chức với mong muốn mang những điểm mới trong chính sách BHYT, đặc biệt là điểm mới trong thực hiện BHYT cho y tế cơ sở, về việc gia tăng đối tượng thụ hưởng BHYT, gia tăng lợi ích thụ hưởng dịch vụ cho người có thẻ BHYT khi đi KCB… tới với độc giả. Đồng thời, cũng chỉ ra những bất cập cần phải giải quyết nhằm khuyến khích người dân tự nguyện tham gia BHYT, tăng tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân, vì sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội, vì an sinh đất nước.

Ông Lê Văn Khảm giao lưu với độc giả trong Chương trình.

Chủ động, kịp thời

Trả lời câu hỏi của độc giả Hoàng Anh Vũ (Hà Nội) về những điểm mới căn bản của chính sách BHYT từ ngày 01/12/2018,Vụ trưởng Vụ BHYT Lê Văn Khảm cho biết, Nghị định 146 có khá nhiều điểm mới nhằm bảo đảm tính công bằng trong chính sách BHYT, không bỏ sót đối tượng nào, góp phần tăng nhanh tỷ lệ tiến tới BHYT toàn dân.

Nghị định có bổ sung và điều chỉnh một số trường hợp, như: Trường hợp người bệnh được cơ sở KCB tuyến trên chẩn đoán và phương thức điều trị được chuyển về theo dõi quản lý, cấp phát thuốc được BHYT chi trả. Trường hợp thứ hai, có lợi cho cả bệnh nhân và cơ sở KCB, đó là trong trường hợp cơ sở KCB chỉ cần chuyển mẫu bệnh phẩm, hoặc chuyển người bệnh lên tuyến trên đến cơ sở KCB khác xét nghiệm hoặc chụp X quang hay phục hồi chức năng thì cũng được bảo hiểm chi trả thay vì trước đây, mỗi lần chuyển cơ sở KCB, vì trường hợp bất khả kháng, người bệnh phải làm lại các xét nghiệm gây tốn kém không cần thiết cho người bệnh, giờ đây chỉ cần chuyển mẫu bệnh phẩm đi và vẫn được bảo hiểm chi trả.

Một điểm nữa liên quan đến quyền lợi của người thuộc diện BHYT đó là, người đang tham gia BHYT mà thẻ hết hạn sử dụng thì vẫn được hưởng BHYT trong KCB tại các cơ sở đó, trong tối đa là 15 ngày từ khi hạn BHYT hết hạn. Điều quan trọng, trong 15 ngày đó, cơ quan BHXH sẽ có trách nhiệm thực hiện cấp, gia hạn thẻ BHYT cho người bệnh trong thời gian bệnh nhân điều trị nội trú.

Nghị định cũng điều chỉnh nhiều nội dung liên quan đến mối quan hệ và công tác giữa cơ quan BHXH với cơ sở KCB, cũng như cơ sở KCB BHYT làm tăng thêm hiệu quả của BHYT. Nghị định quy định chi tiết về nội dung hoạt động trong thực tế, trong đó có quy định rõ trách nhiệm xử lý các trường hợp khi có vướng mắc phát sinh.

Nghị định quy định quyền lợi của người đi nước ngoài lao động, trước khi đi đã tham gia BHYT, sau khi về nước, nếu tham gia BHYT trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhập cảnh cũng được tính tham gia BHYT liên tục. Hay đối tượng trong lực lượng vũ trang, cơ yếu khi nghỉ hưu hoặc chuyển ngành nếu có thời gian công tác trong quân đội, công an nhân dân hoặc tổ chức cơ yếu chưa tham gia BHYT thì cũng được tính tham gia BHYT liên tục khi chuyển ngành; và có những đối tượng được cơ quan nhà nước cử đi công tác, học tập ở nước ngoài có thân nhân (phu nhân, phu quân, con đẻ) đi theo cũng được tính tham gia BHYT liên tục.

Ông Nguyễn Tá Tỉnh giao lưu với độc giả trong Chương trình.

Từ góc nhìn của cơ quan quản lý Quỹ BHYT, ông Nguyễn Tá Tỉnh, Trưởng ban thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam cho biết, trong quá trình tham gia xây dựng Nghị định 146, BHXH Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các bộ, ngành có liên quan. BHXH Việt Nam cũng luôn luôn cập nhật, có hướng dẫn kịp thời để khi Nghị định triển khai thì hệ thống BHXH trên cả nước sẽ được thực hiện đồng bộ bảo đảm quyền lợi cho người bệnh.

Hiện nay, BHXH Việt Nam đã ban hành công văn hướng dẫn cụ thể hóa các nội dung trong Nghị định 146, đặc biệt những điểm mới cơ bản nhất mà nhiều độc giả quan tâm đến BHXH các địa phương để ngày mai hệ thống BHXH cả nước sẽ triển khai đồng bộ. Ngành BHXH sẽ chủ động giao bổ sung dự toán chi phí khám, chữa bệnh cho các tỉnh, thành phố để các tỉnh, thành phố tiếp tục giao bổ sung cho các cơ sở KCB.

“Trong quá trình tổ chức thực hiện, có thể sẽ có những vấn đề phát sinh không lường hết được, chúng tôi tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để giải quyết kịp thời” - ông Nguyễn Tá Tỉnh nói.

PGS.TS.BS Vũ Xuân Phú giao lưu với độc giả trong Chương trình.

Đảm bảo và nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh

Còn từ góc độ cơ sở cung cấp dịch vụ y tế, PGS.TS.BS Vũ Xuân Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, tình trạng khám bệnh, kê đơn, cấp thuốc tại nhiều trạm y tế xã còn bất cập. Đây có thể thấy là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến người dân không lựa chọn Trạm y tế xã làm nơi KCB. Đồng thời, với quy định thông tuyến và điều kiện giao thông thuận tiện như hiện nay, người bệnh BHYT thường lựa chọn KCB tại các bệnh viện tuyến huyện thay vì đến các TYT xã. Thống kê cho thấy số lượng người đến KCB tại các trạm y tế đã giảm trong thời gian qua. Báo cáo của BHXH Việt Nam cho biết, năm 2018, tổng số trạm y tế xã thực hiện KCB BHYT là 9.821, với số thẻ BHYT đăng ký ban đầu là 21,5 triệu. Theo đó, giai đoạn 2010-2014, số lượt KCB tại tuyến xã tăng qua các năm với tỷ lệ gia tăng bình quân là 4%; tuy nhiên, quy định của Luật BHYT, từ năm 2015 người có thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu tại các trạm y tế xã có thể KCB thông tuyến tại các phòng khám đa khoa khu vực và các bệnh viện tuyến huyện, số lượt KCB BHYT tại tuyến xã có xu hướng giảm.

Ngoài ra, còn có một số chính sách làm ảnh hưởng đến KCB tại tuyến xã như việc tự chủ tài chính bệnh viện thúc đẩy các bệnh viện tăng thu dung người bệnh, không phụ thuộc bệnh đó có thể điều trị tại tuyến nào. Cùng với việc không có quy định nhằm hạn chế KCB thông thường tại các bệnh viện tuyến trên. Quản lý bệnh mãn tính tại cộng đồng đang gặp nhiều khó khăn do năng lực chuyên môn của nhân viên y tế chưa tạo được sự tin tưởng của người dân.

Đối với các bệnh chuyên khoa, đặc biệt các bệnh trong các chương trình mục tiêu quốc gia như bệnh lao, bệnh HIV thì chủ trương thông tuyến là hoàn toàn đúng đắn. Thông tuyến ở đây sẽ có một hiệu ứng tạo điều kiện cho người bệnh tiếp cận dịch vụ bất kể khi nào, ở đâu. “Từ góc độ cơ sở KCB, chúng tôi phải bảo đảm và nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, nhưng không vượt tổng mức thanh toán được giao; giúp tăng quyền chủ động cho cơ sở y tế trong sử dụng quỹ, nhưng đồng thời cơ sở y tế phải chịu trách nhiệm và thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để cân đối quỹ khám, chữa bệnh BHYT được giao” - PGS.TS.BS Vũ Xuân Phú nhấn mạnh.

PGS.TS.BS Vũ Xuân Phú cũng cho biết, việc thay thế thẻ BHYT từ chất liệu giấy sang thẻ điện tử sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia khi thực hiện giao dịch đăng ký đóng, hưởng chế độ BHYT, đồng thời giúp cơ quan BHXH dễ dàng quản lý công tác KCB BHYT. Tuy nhiên, với cơ sở y tế, sẽ phải chuẩn bị hạ tầng CNTT để sẵn sàng, bảo đảm kết nối, liên thông, tích hợp an toàn và chia sẻ dữ liệu với các đơn vị liên quan.

Giao lưu trực tuyến "Những điểm mới trong chính sách BHYT từ tháng 12-2018".

Tháo gỡ “rào cản” cho trạm y tế xã

Trao đổi về việc tháo gỡ “rào cản” cho các trạm y tế xã, ông Nguyễn Tá Tỉnh, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam cho biết nguồn kinh phí BHYT xã được sử dụng cũng nằm trong tổng mức KCB được xác định. Trên cơ sở chi phí của các năm trước, bệnh viện hoặc cơ sở y tế huyện hoặc đơn vị được giao quản lý hướng dẫn tuyến xã sẽ có những cân nhắc để bảo đảm có đủ kinh phí cho trạm y tế tuyến xã hoạt động nhưng cũng bảo đảm quyền lợi của chúng ta được thực hiện tốt nhất và hiệu quả nhất cũng như là đáp ứng nhu cầu điều trị các bệnh thông thường.

Ông Lê Văn Khảm, Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế cho biết, trước đây có tình trạng khống chế tỷ lệ quỹ được dùng ở trạm y tế xã, tuy nhiên hiện nay đã không còn quy định đó nữa. Vì vậy, người có thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu tại trạm y tế xã khi có nhu cầu KCB sẽ được các bác sĩ tại đây khám, chẩn đoán, kê đơn điều trị theo đúng phạm vi chuyên môn, tình trạng bệnh tật. Danh mục thuốc BHYT bảo đảm điều trị các bệnh thông thường và một số bệnh mãn tính không lây tại trạm y tế xã. Nhiều dịch vụ sẽ được dùng tại trạm y tế xã vì đã có điều kiện về mặt tài chính để thực hiện, vì thế các bệnh nhân sẽ không phải chuyển tuyến nữa nếu việc điều trị bệnh hoàn toàn nằm trong phạm vi chuyên môn và năng lực của trạm y tế xã.

“Bên cạnh đó, về trường hợp phải chuyển đổi mẫu bệnh phẩm như mẫu máu để làm xét nghiệm thì hiện chúng tôi chỉ cần chuyển gửi mẫu bệnh phẩm đó đi và sau đó tuyến trên sẽ trả kết quả về để bác sĩ có thể sử dụng kết quả đó để điều trị cho bệnh nhân, thay vì đôi khi chỉ làm một xét nghiệm rất đơn giản nhưng lại phải chuyển cả người bệnh lên tuyến trên. Ngoài ra, theo quy định của Luật BHYT, người đăng ký KCB ban đầu tại trạm y tế xã, phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện sẽ được KCB tại một trong ba nơi này. Như vậy, điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế ở tuyến phía cơ sở đã thuận lợi hơn rất nhiều so với trước đây. Còn việc chuyển tuyến thực sự sẽ không có trở ngại gì bởi Bộ Y tế đã có quy định về các trường hợp chuyển tuyến khi vượt quá khả năng chuyên môn của đơn vị thì bắt buộc phải chuyển người bệnh đi, vì đó là yêu cầu về chuyên môn trong khám, chữa bệnh” - Ông Lê Văn Khảm nói.

Ông Lê Văn Khảm cũng cho biết, Bộ Y tế đã ban hành danh mục thuốc, danh mục kỹ thuật được tại trạm y tế xã trong gói quyền lợi cơ bản. Hiện nay, đang có nhiều hoạt động chuyển giao kỹ thuật trong địa bàn y tế xã, vì vậy với việc không khống chế quỹ BHYT xã, năng lực chuyên môn của tuyến xã sẽ tốt hơn./.

PV