“Đổi mới hoạt động tuyến y tế cơ sở theo nguyên lý y học gia đình”
20/11/2018 08:12 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 19/11, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức Chương trình Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Đổi mới hoạt động và nâng cao chất lượng trạm y tế xã, phường theo nguyên lý y học gia đình” với sự tham gia của 02 khách mời: Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; bà Phan Lê Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế.
Hiện nay, Bộ Y tế đang triển khai thí điểm mô hình trạm y tế xã, phường hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, tức là ứng dụng công nghệ thông tin cập nhật thông tin sức khỏe, bệnh tật của người dân, tập hợp cơ sở dữ liệu thống nhất, khám định kỳ, lập hồ sơ sức khoẻ của từng người dân, chăm sóc, theo dõi, cấp thuốc điều trị các bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã, phường…
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, mô hình trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình là cần thiết, vì có đến 70-80% dân số sống ở nông thôn. Trạm y tế sẽ là nơi gần nhất, tốt nhất để người dân tiếp cận.
Đây là một trong những giải pháp mà ngành y tế đang triển khai nhằm đổi mới hoạt động và nâng cao chất lượng tuyến y tế cơ sở. Nghị quyết 20-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6, khóa XII cũng đã đặt ra mục tiêu ngành y tế là phải bảo đảm "y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng”.
Tại Tọa đàm, bà Phan Lê Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế cho biết: Nguyên lý y học gia đình là chăm sóc toàn diện liên tục, phối hợp và lấy bệnh nhân làm trung tâm, hướng tới dự phòng cho cộng đồng, gồm 6 nguyên lý cơ bản: Toàn diện - Phối hợp - Lồng ghép - Cộng đồng - Dự phòng - Gia đình.
Việc cung ứng chăm sóc sức khỏe (CSSK) theo nguyên lý y học gia đình mang lại rất nhiều lợi ích với cộng đồng dân cư được CSSK với chi phí hợp lý, tiện lợi, không chỉ quan tâm tới bệnh lý mà còn quan tâm tới yếu tố môi trường xã hội, không chỉ quan tâm tới cá nhân người bệnh mà còn quan tâm tới các mối tương quan giữa cộng đồng và gia đình.
Trước đây theo mô hình cung ứng dịch vụ truyền thống, bác sĩ chủ yếu tập trung phát hiện bệnh lý và điều trị nhưng theo mô hình mới bác sĩ quan tâm tới cả các vấn đề về tâm lý và môi trường xã hội, các yếu tố ảnh hưởng không chỉ cá nhân người bệnh mà cả gia đình người bệnh và cộng đồng xung quanh người bệnh.
Chính vì vậy ngoài việc chăm sóc toàn diện thì còn trở nên gần gũi và thân thiện, người bệnh được chăm sóc rất hiệu quả mà chi phí lại không tốn kém bởi dịch vụ chăm sóc ban đầu kỹ thuật đơn giản và không tốn tiền. Với nội tại hệ thống y tế là mang lại sự hồi sinh cho hệ thống y tế cơ sở bên cạnh đó sàng lọc bệnh nhân và giảm lượng bệnh nhân lên tuyến trên. Đây là chiến lược rất quan trọng để đối phó với thách thức về tỷ lệ già hóa, sự tăng nhanh chóng của bệnh tật do tàn phế…. Với BHYT cần giảm chi phí cao, đảm bảo bền vững về tài chính, đảm bảo bình ổn quỹ.
Tại Tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh, việc đổi mới y tế cơ sở theo nguyên lý y học gia đình thể hiện quan điểm rất quan trọng của Đảng và Nhà nước Việt Nam là lấy phòng bệnh hơn chữa bệnh.
“Chúng ta đang bị tác động mạnh do biến đổi khí hậu nên nguyên lý y tế gia đình giúp cho chúng ta ngăn chặn bệnh tật và phòng ngừa các dịch bệnh ngay từ cơ sở, làm sao phòng được những bệnh không lây nhiễm, lây nhiễm. Và quá trình đó chúng ta phải có một hệ thống bác sĩ gia đình để được tư vấn, giúp đỡ... Đây chính là giải quyết gốc rễ của vấn đề chăm sóc sức khỏe cho nhân dân” – ông Bùi Sỹ Lợi khẳng định.
Trao đổi về khó khăn khi triển khai mô hình điểm tại 26 trạm y tế xã, phường trên toàn quốc và giải pháp khắc phục, bà Phan Lê Thu Hằng cho biết: Để thực hiện thành công Quyết định 2348/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới, trong giai đoạn này ngành y tế sẽ phối hợp với Sở Y tế 8 tỉnh bước đầu để đưa vào vận hành trong tương lai. Sau khi lãnh đạo Bộ làm trưởng các đoàn đi khảo sát y tế tại 8 tỉnh, kết quả cho thấy cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng, nhân lực y tế còn nhiều khó khăn, bất cập, phương thức cung ứng dịch vụ y tế còn chưa đáp ứng được, tài chính y tế còn rất nhiều nút thắt.
Do đó, Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch để sửa chữa nhà trạm, bố trí các phòng công năng cho hợp lý. Mua trang thiết bị, có những thiết bị y tế lần đầu tiên có mặt tại Trạm y tế xã như máy thử tiểu đường; xây dựng kế hoạch đào tạo cho tất cả các chức danh của trạm y tế và đào tạo nâng cao năng lực quản lý quản trị cho đội ngũ trưởng trạm y tế; tiếp tục cập nhật bổ sung hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật liên quan đến cung ứng dịch y tế theo nguyên lý y học gia đình như hướng dẫn về quản lý bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng trạm y tế xã.
Bên cạnh đó Bộ Y tế và ngành y tế 8 tỉnh cùng phối hợp với BHXH để thanh toán tốt nhất đối với các hoạt động tại trạm y tế mà được BHXH hỗ trợ thanh toán.
Ngoài ra còn một khó khăn rất lớn là triển khai mô hình mới trên nền hệ thống y tế xã rất thấp nên cần thời gian kiên trì và nỗ lực bền bỉ.
Khẳng định, việc đảm bảo chăm sóc sức khỏe của người dân ở tuyến y tế cơ sở có hiệu quả không phải là việc riêng của ngành y tế mà phải có sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi cho rằng Bộ Y tế đang đi đúng hướng và đánh giá cao chủ trương này của Bộ.
“Lâu nay chúng ta vẫn nghĩ việc chăm sóc sức khỏe nhân dân, xây dựng phát triển y tế cơ sở là trách nhiệm của Bộ Y tế là không đúng nguyên lý, mà đây là trách nhiệm của tất cả hệ thống chính trị của chúng ta, vai trò của các tổ chức Đảng, vai trò của chính quyền, vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, của các ngành, các cấp. Y tế cơ sở liên quan đến rất nhiều vấn đề, theo Nghị quyết 18-NQ/TW của Quốc hội là phải dành ra 30% chi phí cho y tế dự phòng, có nghĩa chúng ta phòng bệnh hơn chữa bệnh thì chức năng của ngành y tế là chủ đạo, là đầu mối” - ông Bùi Sỹ Lợi nói.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, không chỉ khám chữa bệnh mà còn các vấn đề an toàn thực phẩm, môi trường, phòng chống dịch bệnh cũng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.
Một trong những khó khăn như Bà Phan Lê Thu Hằng đề cập khi triển khai cung ứng dịch vụ ở tuyến y tế cơ sở theo nguyên lý y học gia đình là nguồn nhân lực y tế còn hạn chế. Về giải pháp để khắc phục khó khăn này, bà Phan Lê Thu Hằng cho biết: Ngành y tế có rất nhiều nỗ lực trong vấn đề phát triển nhân lực y tế đặc biệt là nhân lực y tế tuyến cơ sở, nguồn nhân lực y tế đảm bảo cho hơn 11 nghìn trạm y tế trên toàn quốc, đây là nỗ lực rất lớn của ngành. Bên cạnh số lượng được nâng cao thì chất lượng cũng nâng cao lên, gần 73% trạm y tế có bác sĩ, 100% trạm y tế có nữ hộ sinh, có y sĩ sản nhi, đặc biệt có các chức danh mà từ trước tới nay chưa được đào tạo như dược sỹ trung học.
Tuy nhiên để tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế cơ sở, theo bà Phan Lê Thu Hằng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau: Cải cách toàn diện lĩnh vực đào tạo y tế tuyến cơ sở cụ thể đào tạo chuyên biệt y học gia đình. Tăng cường các hoạt động hỗ trợ về kỹ thuật trên thực địa và trực tuyến. Thực hiện các chính sách phi đào tạo, hoàn thiện các chính sách sử dụng cán bộ y tế, khuyến khích, nâng cao vị thế vai trò, nâng cao vị thế cán bộ làm sao giữ chân cán bộ y tế tuyến cơ sở yên tâm công tác.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi đề cập, năm 2017- 2018, Chính phủ, Bộ Y tế đã tập trung cao độ cho vấn đề phát triển y tế cơ sở, ngành y tế đã tham mưu đúng cho Chính phủ. 70% số người ở cơ sở đi khám, chữa bệnh BHYT tức là tuyến huyện, tuyến xã, các trạm y tế và các bệnh viện tuyến huyện, tuy nhiên, mức chi BHYT chỉ chiếm 30% kinh phí; 20% bệnh nhân khám, chữa bệnh ở tuyến xã nhưng kinh phí chỉ từ 2,6 – 2,8%. Khẳng định đây là vấn đề nghịch lý và để giải bài toán này thì theo ông Bùi Sỹ Lợi cần phải giải hai nút thắt: Thứ nhất, chất lượng nguồn nhân lực y tế cơ sở - cần đào tạo cấp bách; Thứ hai, cơ sở vật chất trang thiết bị ở cơ sở tuyến xã phải được nâng lên.
“Cơ cấu lại y tế cơ sở thì phải cơ cấu lại tài chính y tế cho cơ sở, trong nhiều năm theo dõi, tôi thấy việc đầu tư y tế cơ sở so với tuyến tỉnh, tuyến trung ương là có phần bị nhẹ hơn. Y tế dự phòng tuyến cơ sở không có tỉnh nào đạt được 30% tổng kinh phí đầu tư cho y tế. Đây là một bài toán mà chúng ta cần phải xử lý ngay”- ông Bùi Sỹ Lợi nói.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, cần phải phân tích, đánh giá, phân loại tất cả các hệ thống cơ sở đặc biệt là 11.100 trạm y tế tuyến xã, phường, xem nơi nào thì phát triển, nơi nào thì giữ lại, nơi nào có thể không cần tồn tại... Cần nghiên cứu tập trung để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc và nâng cao chất lượng, năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế. Nhân lực cho ngành y tế hiện đang còn thiếu và trước mắt, để giải quyết vấn đề này không phải chỉ đào tạo tại chỗ cho đội ngũ y tế cơ sở mà phải tăng cường đội ngũ bác sĩ giỏi từ tuyến tỉnh về tuyến huyện, tuyến xã. Việc này chính là ngăn chặn việc quá tải ở tuyến tỉnh và tuyến trung ương.
Bộ Y tế cần tham mưu cho Chính phủ cơ cấu lại tài chính y tế, phải tập trung đầu tư cho y tế cơ sở và lấy y tế của các xã đồng bào dân tộc miền núi vùng cao, vùng sâu, vùng xa để chúng ta ngăn chặn dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
PV
Chi tiết >>
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị Giao ban trực ...
Bắc Giang sớm hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về BHXH, ...
Diễn tập ứng cứu khẩn cấp sự cố an toàn thông tin khu vực ...
Người dùng đã có thể đăng nhập Cổng Dịch vụ công BHXH Việt ...
Bản tin Audio số 39 - Tuần 4 tháng 11/2024
BHXH tỉnh Phú Thọ: Tăng cường các giải pháp thực hiện công ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?