Toàn văn phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về Chính phủ điện tử, báo chí và mạng xã hội, an toàn, an ninh thông tin

09/11/2018 03:54 PM


Thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự phát triển bùng nổ của các công nghệ mang tính đột phá đã và đang làm không gian mạng thay đổi sâu sắc cả về chất và lượng, được dự báo sẽ mang lại những lợi ích chưa từng có cho xã hội loài người. Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích to lớn, những thành tựu công nghệ thông tin mới cũng như dịch vụ, ứng dụng thông minh trên không gian mạng cũng làm xuất hiện nhiều nguy cơ tiềm ẩn vô cùng lớn. Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 17/11/2017 kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu.

Kính thưa Quốc hội,

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã cố gắng trả lời vào các câu hỏi, nhưng đây là lĩnh vực quản lý nhà nước rất rộng, trong thời gian hạn hẹp thì khó nói đầy đủ. Tôi xin phép đi vào 3 vấn đề mà các đại biểu quan tâm và cử chi cũng quan tâm.

Thứ nhất, về xây dựng chính phủ điện tử. Chúng ta phải nhìn thẳng vào thực tế là chúng ta rất tích cực, cố gắng, nhưng chỉ đâu đó đứng ở vị trí từ 80, có năm tụt xuống 113 trên thế giới. Năm 2016 vừa rồi, cứ 2 năm thế giới đánh giá một lần, cố gắng lắm tăng được 10 bậc, hiện nay vẫn đứng ở thứ 89. Người ta đánh giá làm 3 nhóm tiêu chí: Một là hạ tầng; Hai là nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực không chỉ là công nghệ thông tin mà còn là nhân lực chung của cả đất nước; Ba là xung quanh cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Báo cáo Quốc hội và cử tri, cả 3 mặt của chúng ta còn nhiều hạn chế và cần làm tốt hơn.

Về dịch vụ công trực tuyến, hiện nay tính đến tháng 7/2017 chúng ta có 109.644 dịch vụ công, trong đó có khoảng 95% nằm ở cấp tỉnh trở xuống, cấp bộ là 5%. Mặc dù đã giao kế hoạch cụ thể nhưng đến tháng 7 vừa rồi trung bình mới có 1% số dịch vụ công được cung cấp ở mức 4 là mức cao nhất tức là kèm theo thanh toán, 5% ở cấp độ 3, tức là người dân lấy mẫu ở trên mạng, khai xong, nộp đi, nhận kết quả và thanh toán vẫn phải trực tiếp. Ở các bộ thì số ít hơn, tùy vào các bộ, tùy tính chất công việc tỷ lệ khác nhau. Ví dụ Bộ Tài chính có 943 dịch vụ thì có tới 26% dịch vụ được là ở cấp 4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có 330 dịch vụ thì có 2%. Cũng có bộ rất nhỏ, thậm chí là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ có 0,4% làm ở cấp 4. Chúng ta phải nhìn vào thực tế như vậy.

Chính phủ và Thủ tướng rất quyết liệt, giao nhiệm vụ cho từng bộ phải ra số liệu cụ thể của từng dịch vụ công một sẽ phải cung cấp ở cấp độ 4 là bao nhiêu. Cấp độ 4 này không chỉ căn cứ vào công nghệ thông tin mà liên quan đến thanh toán điện tử, hóa đơn điện tử và sẽ là thước đo tổng thể.

Hiện nay chúng ta phải nói lại rằng công nghệ thông tin chỉ là công cụ để phục vụ cải cách hành chính và xây dựng một Chính phủ điện tử thôi. Vì thế, điều đầu tiên cần là xác định quyết tâm nhiệm vụ chính trị và cụ thể là phải ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng Chính phủ điện tử. Không chỉ là biên chế, tiết kiệm thời gian, chi phí của người dân, của doanh nghiệp mà quan trọng hơn hết đó là công khai minh bạch chống tiêu cực, chống tham nhũng. Cái này thế giới đánh giá rất cao.

Vừa qua, chúng ta rất mừng là môi trường cạnh tranh của Việt Nam tăng được 14 bậc, mức tăng lớn nhất trong nhiều năm qua, trong đó có 2 chỉ số có tính quyết định, đó là thuế và bảo hiểm, trong đó thực ra là bảo hiểm tăng vọt, tăng tới 81 bậc, từ thứ 187 xuống còn thứ 86, bởi vì bảo hiểm xã hội 3 năm vừa qua đã làm được một hệ thống công nghệ thông tin quản lý.

Thứ hai là chỉ số tiếp cận điện năng chúng ta tăng được 32 bậc, bởi vì điện lực vừa qua, trong mấy năm qua vừa hoàn thành một hệ thống gọi là scadar điều hành hệ thống lưới điện, để thấy là ứng dụng công nghệ thông tin quan trọng như thế nào. Tiền chúng ta có thiếu không? Đúng là ở một góc độ nào đó bao giờ cũng nói là chưa đủ, nhưng với số tiền ấy nếu sử dụng tốt hơn thì cũng đã có thể làm tốt hơn. Điều quan trọng hàng đầu là nhận thức của tất cả mọi người, thường phải vượt qua tâm lý thứ nhất là tâm lý ngại, dùng công nghệ hiện đại vào thì mình không giỏi về công nghệ đấy thì mình mất quyền kiểm soát bộ máy của mình, công việc của mình.

Chúng ta cũng phải thẳng thắn, là còn một số bộ phận ngại công khai, minh bạch. Nếu ứng dụng công nghệ thông tin vào điều hành, coi như tự nhiên mình bị giám sát. Ở bên dưới bộ phận kỹ thuật thì hai hội chứng rất cụ thể mà phải khắc phục. Thứ nhất là rất cục bộ, như nhiều đại biểu nói, dữ liệu có nhiều nhưng nằm ở mỗi nơi một tí, không ai chịu liên thông, không ai chịu chia sẻ với nhau. Và tâm lý thứ hai là muốn tự mình làm hết, muốn mua máy tính, muốn mua phần mềm thì không ra dịch vụ thì máy tính và phần mềm đó là lãng phí. Cho nên Chính phủ từ 2 năm nay đã rất quyết liệt chỉ đạo là bây giờ đầu tiên là khuyến khích và tới đây là phải bắt buộc là phải thuê dịch vụ. Chúng ta cứ căn cứ và dịch vụ công trực tuyến, từng dịch vụ ra mà thuê thì những người chuyên nghiệp sẽ làm và từ đó sẽ có cơ sở dữ liệu. Ví dụ, đâu cần phải có cơ sở dữ liệu lại một lần, bây giờ về đối tượng những người khuyết tật mà chúng ta phải tài trợ thì chỉ cần chúng ta thuê ngân hàng hoặc thuê bưu điện đi tài trợ tiền đó thì lập tức bưu điện hoặc ngân hàng sẽ đứng ra làm cơ sở dữ liệu từng người đấy và chỉ có làm như vậy thì chúng ta mới quyết liệt được và làm tốt được. Xin báo cáo Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc rất quyết liệt và yêu cầu tinh thần là phải cụ thể, đo được, đếm được ở từng bộ và hàng cuối năm đều phải có báo cáo công khai từng bộ, từng tỉnh đã làm được bao nhiêu dịch vụ công. Tôi xin nói cái này chúng ta phải quyết liệt hơn nữa.

Thứ hai là về báo chí và mạng xã hội thì tinh thần chung của Chính phủ là theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng là chúng ta tạo điều kiện để phát triển mạnh nhưng đi đôi với quản lý thật tốt. Cái gì tốt thì ưu tiên phát huy, cái gì không tốt phải ngăn chặn đúng pháp luật, đúng xu thế trên thế giới, không vi phạm các cam kết với WTO của Việt Nam và các hiệp định song phương và đa phương chúng ta đã cam kết nhưng phải với một thái độ cương quyết hơn.

Tôi xin nói cụ thể thêm về mạng xã hội, báo cáo Quốc hội  và nhân dân, hiện nay trên thế giới có 7,5 tỷ người, trong đó 52% đã dùng mạng internet và 42% số người đã dùng mạng xã hội. Ở Việt Nam chúng ta theo số liệu mới đây nhất là hiện nay có 67% số người Việt Nam dùng internet và khoảng 60% số người dùng mạng xã hội. Hiện nay ở Việt Nam phần lớn khi nói về lĩnh vực này gần như thị trường là của các công ty nước ngoài, mạng xã hội theo đánh giá 95% thị phần là của nước ngoài. Thứ hai là công cụ tìm kiếm thì tới 98% là nước ngoài, là google. Thứ ba về thư điện tử cũng 98% là yahoo và gmail. Tiếp đến về thương mại điện tử cũng 80% thị phần của nước ngoài. Tỷ lệ tốt nhất là trò chơi điện tử được 60%. Như vậy, suy ra là thị trường quảng cáo trực tuyến các công ty nước ngoài, điển hình là Facebook và Youtube chiếm 80%, riêng số tiền của 2 công ty này năm vừa rồi là 350 triệu đôla, vì thế chúng ta phải có thái độ kiên quyết hơn, ở các nước đều làm cả. Trung Quốc rất đặc biệt họ làm hoàn toàn mạng trong nước, nhưng như đồng chí Bộ trưởng có nói một số nước người ta quản lý tốt. Ví dụ như Nga thì facebook chỉ đứng thứ 5, Nhật Bản facebook đứng thứ 6 và Hàn Quốc facebook đứng thứ 7, đương nhiên là có công cụ pháp luật. Một số nước cố gắng tạo ra các nhà cung cấp khác, tránh độc quyền hoặc người ta dùng các biện pháp kỹ thuật để chặn, lọc làm chậm lại khi cần thiết.

Điều quan trọng cuối cùng đó là tuyên truyền, giáo dục, điển hình ở Đức, như một đại biểu đã nêu, một mặt người ta dùng pháp luật, nhằm vào các công ty nước ngoài hay lấy thông tin cá nhân của từng người dân, hay có các thông tin để phân biệt đối xử gây thù địch thì người ta ra điều luật. Liên minh Châu Âu đã bắt tất cả các hãng lớn phải ký với cam kết với Liên minh Châu Âu phải thực hiện những điều đó. Ở Đức người ta giáo dục chỉ có 37% số người dân Đức dùng mạng xã hội vì người ta ý thức được lên mạng xã hội là mất thông tin cá nhân. Ở Thái Lan 83% số người Thái Lan dùng Internet so với 67% của mình, tức là họ còn nhiều hơn. Nhưng trước những đe dọa ảnh hưởng đến chính trị và kinh tế trong nước Chính phủ Thái Lan cũng có những biện pháp rất cương quyết.

Đồng chí Thủ tướng có nói với tôi và ngay giờ giải lao sáng nay đồng chí Thủ tướng cũng nói với tôi rằng cần phải báo cáo với Quốc hội để khẳng định Chính phủ yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ ngành cần phải có một thái độ rõ ràng, dứt khoát và kiên quyết hơn, hoàn toàn phù hợp với luật pháp Việt Nam, luật pháp quốc tế và các cam kết của Việt Nam nhưng phải đảm bảo. Chúng tôi tạo điều kiện phát triển nhưng phát triển kinh tế đồng thời phải đảm bảo ổn định chính trị, trật tự xã hội, phải đảm bảo phát triển văn hóa và con người Việt Nam, phải đảm bảo tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam, không được xuyên tạc, bôi xấu, chia rẽ và gieo rắc những thông tin đi ngược lại chủ trương của Đảng, Nhà nước và văn hóa của Việt Nam.

Vấn đề thứ ba là vấn đề an toàn an ninh thông tin, đây là một vấn đề rất lớn. Tôi cũng xin phép nhân dịp này cũng được nói rõ một số thông tin về an toàn an ninh thông tin. Chúng ta không thể không ứng dụng công nghệ thông tin như nhiều đại biểu và chúng ta đã thống nhất. Nhưng nếu chúng ta không đảm bảo an toàn và an ninh thông tin thì nguy hại vô cùng. Hiện nay, đứng về ứng dụng công nghệ thông tin như tôi báo cáo đứng khoảng thứ hơn 80 tức là trung bình. Nhưng an toàn thông tin thì chúng ta đứng thứ trên 100 là trung bình yếu. Trong đó, đặc biệt phải lưu ý là có những chỉ số liên quan đến ý thức và hành vi của người dân thì chúng ta thuộc loại yếu nhất trên thế giới. Hiện nay, trên thế giới cứ 1 giây thì có 176 sự cố liên quan đến an toàn an ninh thông tin, có 3 cuộc tấn công mạng có chủ đích, có 4 mã độc được tán phát ra. Có nghĩa là tôi vừa nói xong câu này thì đã có 1000 cuộc tấn công, trong đó có mấy chục cuộc tấn công có chủ đích và mấy chục mã độc mới được sản sinh ra. Việt Nam chúng ta nhìn chung thì chúng ta đứng thứ trên 100, nhưng có một vài chỉ số đứng cuối cùng của thế giới, đó là:

Thứ nhất, chỉ số phát tán thư rác từ Việt Nam. Cứ 1 giờ có 200 tỷ thư trên thế giới được phát đi, 53% trong số đó là thư rác, trong đó có rất nhiều thư chứa mã độc. Cứ 100 thư trên thế giới thì Việt Nam chiếm 11,17%, Trung Quốc chiếm 12,4%, Mỹ chiếm 8,5%. Tính ra theo số người thì chúng ta đứng số 1, gấp 13,4 lần Trung Quốc, xấp xỉ 8 lần Mỹ.

Thứ hai, lây nhiễm tại chỗ. Ngày xưa khi nói về an toàn an ninh thông tin chỉ nói đến những người chuyên làm công nghệ thông tin, chỉ nói đến máy tính. Bây giờ vạn vật kết nối, từ điện thoai di động đến tủ lạnh đến ti vi, tất cả đều kết nối nên tỷ lệ lây nhiễm từ các thiết bị cá nhân ở Việt Nam cao nhất thế giới. Cuối năm 2016 đánh giá mình có 71,38% thiết bị bị lây nhiễm. Khi phỏng vấn người dân Việt Nam, các hãng nước ngoài vào phỏng vấn, ở các nước 60% số người được phỏng vấn nhận ra nguy cơ từ các thiết bị và chính bản thân cá nhân mình gây ra, ở Việt Nam chỉ có 11% nhận ra nguy cơ đó. Về máy tính cá nhân của từng người dân chúng ta cũng nhiễm cao nhất. Chúng ta có 61% máy tính nhiễm mã độc so với 19% trung bình trên thế giới.

Như tôi báo cáo ở trên, vấn chung về an toàn an ninh thông tin của mình đứng khoảng thứ 100 nhưng về cá nhân từng người sử dụng thì gần như đứng cuối cùng, có những số liệu đầy đủ chứng minh như vậy. Lý do tại sao an toàn an ninh thông tin của Việt Nam chỉ đứng khoảng thứ 100 tức là trung bình yếu, Bộ trưởng Tuấn đã trả lời và nhiều đại biểu đã biết là có mấy vấn đề sau:

Thứ nhất, chúng ta chưa nhận thức rõ nguy cơ của mất an toàn, an ninh thông tin. Vấn đề này chung từ tổ chức đến cá nhân, thể hiện ở 2 chỉ số rất cụ thể. Ở các nước người ta khảo sát cả tổ chức gồm có Chính phủ, doanh nghiệp và cá nhân, cứ đầu tư cho công nghệ thông tin 100 đồng thì họ đầu tư từ 15 - 21 đồng cho an toàn, an ninh thông tin. Ở Việt Nam theo khảo sát của bộ, của Hiệp hội an toàn an ninh thông tin Việt Nam thì chúng ta khoảng 5%.

Như Bộ trưởng nói là lực lượng chuyên được đào tạo kiến thức về an toàn an ninh thông tin sâu thì lại ít. Hiện nay, chúng ta có khoảng 500 cán bộ chuyên trách chính thức về an toàn, an ninh thông tin trong các cơ quan nhà nước, trong khi con số này ở Trung Quốc là 40 ngàn. Theo các số liệu ở Mỹ và ở Đức là các số liệu khác nhau nhưng đều từ 15-20 ngàn. Với người dân thì chúng ta có thể nói một câu là người dân Việt Nam về cơ bản là dùng từ, tôi có hỏi các chuyên gia quốc tế là dùng từ nào khi đánh giá về người dân Việt Nam thì họ nói với tôi là dùng từ tốt nhất, chuẩn nhất là dễ dãi, tức là chúng ta không nhận thức được nguy cơ là điện thoại của chúng ta, khi có bất kỳ cái gì đến, một tin nhắn hay cái gì đó đến thì chúng ta đều bấm vào ngay, không cần đọc kỹ thông điệp bằng chữ nhỏ li ti trên máy tính, trên điện thoại mà cứ bấm vào ok ngay.

Khi làm ứng dụng chúng ta không biết là tất cả mọi thông tin cá nhân của mình đều đã được các công ty thu thập về và những thông tin đấy thì về lý thuyết là phục vụ mục đích kinh doanh của công ty đó, nhưng hoàn toàn có thể bị lợi dụng để sau này lừa đảo, tống tiền và làm nhiều việc có hại cho bản thân mình. Gần như các tổ chức quốc tế và các công ty đi khảo sát, phỏng vấn những người sử dụng Việt Nam, ngay khi vào mạng máy tính thì tất cả cứ thế là vào, thư điện tử nào thấy một cái khuyến mại nghe được bao nhiêu tiền là bấm vào, không bao giờ đọc kỹ, hay đi đâu về có usb cắm luôn vào máy tính, cứ như vậy thì nó lây nhiễm hết tất cả. Đây là điều đáng báo động nhất cho an toàn, an ninh thông tin của Việt Nam.

Về an toàn, an ninh thông tin, Chủ tịch cho nói thêm mấy phút, tôi xin báo cáo, thứ nhất chúng ta phải khẳng định là phải có chủ quyền quốc gia về an toàn, an ninh thông tin. Hiện nay, trên thế giới, người ta nói khái niệm và không gian thứ 5, đội quân thứ 5. Thứ nhất là lục địa, lục quân là đất, biên giới đất. Thứ hai là nước, biển. Thứ ba là vùng trời. Thứ tư là quỹ đạo vũ trụ, vùng vũ trụ. Thứ năm là không gian mạng. Có những ý kiến các nhà khoa học nói rằng không nên định nghĩa có chủ quyền không gian mạng, nhưng quan điểm của Chính phủ là có chủ quyền không gian mạng. Trong không gian mạng đấy của chúng ta, chúng ta phải giữ chủ quyền, chỉ có điều chủ quyền không gian mạng thì không phụ thuộc vào tọa độ địa lý như các chủ quyền khác và thế giới người ta thống kê có những biểu hiện cơ bản về an toàn, an ninh của một chủ quyền không gian quốc gia qua mấy việc sau:

Thứ nhất là bôi nhọ, nói xấu, việc này chúng ta biết rất rõ.

Thứ hai là lộ bí mật, lấy mất thông tin chúng ta cũng biết rất rõ.

Thứ ba là phá hoại thông tin, phá hoại hệ thống, vấn đề này chúng ta ít biết. Có khi bị phá hoại điện thoại, tự nhiên chậm lại, tự nhiên mất dữ liệu, đó là mình bị phá hoại. Nặng hơn như Bộ trưởng nói là người ta có thể đánh sập cả hệ thống điều hành đèn đường, điều hành điện, điều hành nước, thậm chí là các nhà máy điện nguyên tử.

Thứ tư là người ta chiếm quyền kiểm soát toàn bộ hệ thống của mình. Không chỉ là chiếm quyền kiểm soát thì làm ở tất cả mọi việc mà nguy hiểm hơn là người ta còn biến của mình thành đồng phạm của người ta mà mình không biết. Tức là người ta lợi dụng hệ thống của mình để đi tấn công một người thứ ba, tấn công một nước thứ ba mà mình không biết. Trên cả 4 vấn đề đó thì hình thức nguy hiểm nhất hiện nay ở Việt Nam chúng ta nằm ở các máy cá nhân và đứng số 1 thế giới tạm gọi là "ém quân chờ thời" trong tất cả các máy của chúng ta, có những con mã độc nằm ở đấy, bây giờ người ta chưa làm gì, nó như một đội quân ngầm nằm ở đó. Đến một thời điểm nhất định thì họ có thể điều khiển tập hợp đội quân đấy lại mà làm những hành vi hoàn toàn theo ý của họ. Như tôi báo cáo tỷ lệ máy nhiễm ở Việt Nam hiện nay thuộc loại cao nhất thế giới và đây là điểm nhiều năm thì mới gỡ hết, nếu chúng ta không ý thức từ bây giờ thì vô cùng nguy hiểm. Để làm được điều này thì chúng ta:

Thứ nhất là phải nhận thức những rủi ro đấy.

Thứ hai là chúng ta phải có các công cụ, phải chuẩn bị lực lượng để làm việc đó.

Thứ ba là bây giờ chúng ta phải xây dựng hệ thống tạm gọi là cảnh giới, không phải 24/24 giờ mà an toàn thông tin mạng là tính bằng giây, thậm chí 1/1000 của giây.

Thứ tư là khi có sự cố xảy ra thì chúng ta phải có khả năng ứng phó, phải đánh lại con virus hay phần mềm thâm nhập vào mình, thậm chí có trường hợp phải tổ chức đánh lại nguồn tấn công mình.

Thứ năm là phải khôi phục lại được trạng thái ban đầu.

Ở đây, tôi xin nói là nhận thức là quan trọng nhưng có một điểm vô cùng quan trọng là năng lực ứng phó, vì ứng phó việc này là tính bằng giây nên các cơ cấu, quy định phải rất rõ ràng, cụ thể. Vì sao sau khi Luật An toàn thông tin ra đời năm 2015 thì Chính phủ đã ký 2 nghị định và Thủ tướng đã ký 4 quyết định rất chi tiết. Bởi vì, vấn đề này không thể lúc đấy mới họp ban chỉ đạo, thậm chí gọi điện thoại xin ý kiến cũng không kịp. Vụ chúng ta bị tấn công vào Việt Nam Airline gây chú ý rất nhiều vì họ vào đấy họ nói xấu, giống như tên trộm vào nhà viết bậy, nói bậy thì mình chú ý nhiều. Nhưng thực ra vụ đó từ 12 giờ trưa ngày hôm đó anh em chuyên môn chúng tôi đã biết có khả năng 4h sẽ tấn công, có rất nhiều lệnh ban hành từ những người chuyên môn, không phải đợi đến khi có báo chí hôm sau. Cho nên cơ chế điều hành, phối hợp phải cụ thể, chi tiết và quy trách nhiệm.

Vấn đề thứ hai chúng ta lưu ý về an toàn, an ninh thông tin. Khi nói về an toàn, an ninh thông tin cả thế giới đều nói về những yêu cầu, những nguyên tắc, đó là toàn vẹn, là bí mật, đặc biệt có một yêu cầu là phải truy được trách nhiệm, truy được dấu vết. Vì tội phạm trên mạng vô cùng tinh vi, không như tiêu cực của một con đường, một ngôi nhà hay một công trình thì ai cũng thấy. Tội phạm trên mạng những sự cố chúng tôi xử lý một sự việc nhiều cơ quan điều tra khác nhau, anh em chuyên viên các nhóm khác nhau ra các nghi phạm khác nhau thì phải có nhiều người phân công cùng làm để cùng kiểm chứng, đây là điều vô cùng quan trọng. Nó khác với câu chuyện mình phân công trong hành chính mỗi việc chỉ một người làm, đây một việc phải nhiều người làm, có khi phải nhiều bước làm và làm lặp đi lặp lại. Những đặc thù của an toàn, an ninh thông tin đó chúng tôi đã báo cáo, Chính phủ đã thảo luận và đồng chí Thủ tướng, như tôi đã báo cáo ở trên bây giờ phải đặt quyết tâm đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, mà xây dựng Chính phủ điện tử đi liền với nó là phải đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Bởi vì sau này khi chúng ta làm lên dịch vụ cấp 4, tức là có thanh toán qua mạng, nếu mất an toàn, an ninh thì điều đầu tiên người dân mất là mất tiền, chưa nói đến mất những thứ khác to lớn hơn về chính trị, về an toàn xã hội.

Tôi xin báo cáo thêm những thông tin như vậy. Rất mong ở đây có nhiều đồng chí lãnh đạo các tỉnh, các bộ, ngành thì việc ứng dụng công nghệ thông tin tất cả phải cùng làm và phải làm trên tinh thần mới là phải cụ thể, căn cứ vào dịch vụ công, đi thuê về làm, không nên tự làm, tự mua, không nên lập cơ sở dữ liệu riêng biệt, những cơ sở dữ liệu nằm nguyên đó rất lãng phí. Chúng ta trước đây cứ 10 năm đi tổng điều tra dân số một lần, giữa kỳ lại một lần nữa, tốn rất nhiều thời gian và kinh phí cũng đến mấy trăm tỷ. Nếu làm tốt việc này thì lần điều tra dân số năm 2019 tới đây, chúng tôi đã chỉ đạo chuẩn bị gần như là lần điều tra cuối cùng, vì sau đó sẽ cập nhật hàng tháng, chúng ta sẽ có một cơ sở dữ liệu sống chứ không phải cơ sở dữ liệu nằm tĩnh như bây giờ. Một ví dụ như vậy để chúng ta cùng làm.

Xin cảm ơn Quốc hội.

Cổng TTĐT BHXH Việt Nam