Tìm kiếm giải pháp giải quyết triệt để bài toán “Phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện”

29/10/2018 11:57 PM


Trong 02 ngày 29-30/10, tại Thái Nguyên, BHXH Việt Nam tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm khai thác và đề xuất giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.

Tham dự Hội nghị có Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu; Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam Nguyễn Minh Đức; Phó vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Hải Nam; đại diện lãnh đạo một số vụ, ban trực thuộc BHXH Việt Nam; đại diện lãnh đạo, cán bộ chuyên trách của BHXH, Bưu điện các tỉnh, thành phố, huyện, thị xã khu vực phía Bắc.

Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện còn thấp so vời tiềm năng

Theo Báo cáo của Ban Thu, tính đến 30/9/2018, số đối tượng tham gia BHXH tự nguyện là 189.502 người, đạt 57,2% so với kế hoạch giao. Trong đó, một số địa phương thực hiện tốt công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện như: Điện Biên, Quảng Bình, Cao Bằng, Hải Dương, Thừa Thiên- Huế, Ninh Bình. Trong đó, tỉnh Hải Dương đang đứng đầu với 10.870 người tăng mới.… Tuy nhiên, đến nay có tới 48 địa phương giảm đối tượng so với năm 2017, nguyên nhân chủ yếu một số đối tượng tham gia nghỉ hưởng chế độ BHXH hoặc chuyển đối tượng theo quy định; người tham gia chưa hiểu đầy đủ về chính sách; có thu nhập thấp, không ổn định; chưa có thói quen tham gia BHXH khi còn trẻ để hưởng lương hưu khi về già; chưa giao chỉ tiêu cụ thể cho từng đại lý thu. Như vậy, từ này đến hết năm 2018, số người còn phải phát triển là 141.730 người được xem là nhiệm vụ khá khó khăn đối với địa phương.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Định Liệu phát biểu tại Hội nghị.

Nhìn lại chặng đường hơn 10 năm triển khai thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết, mặc dù đã đầu tư nhiều công sức, tuy nhiên, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện còn thấp so với tiềm năng. Những kết quả đã đạt được trong thời gian vừa qua, bên cạnh sự quyết tâm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành BHXH, là sự vào cuộc mạnh mẽ của hệ thống chình trị và sự phối hợp có hiệu quả của các bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan thông tấn báo chí từ Trung ương đến địa phương trong đó có hệ thống Bưu điện…

Với kinh nghiệm của BHXH, Bưu điện các tỉnh, thành phố nhất là BHXH, Bưu điện các quận, huyện, thị xã, Phó Tổng Giám đốc tin tưởng rằng, công tác mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện sẽ phát triển xứng đáng với tiềm năng. Đặc biệt, trong thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ có những thay đổi để nâng cao hơn nữa công tác phát triển đối tượng như: Thay đổi cơ chế tài chính ưu tiên cho phát triển, mở rộng đối tượng, lấy khách hàng là trung tâm; công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật cũng gắn với kết quả hoạt động trong phát triển đối tượng; đưa ra nhiều gói tỷ lệ hoa hồng cho người phát triển đối tượng, ưu tiên cho phát triển bền vững, tham gia lâu dài; tăng cường tập huấn, đào tạo đội ngũ cán bộ đại lý…

Phó Tổng Giám đốc yêu cầu các đại biểu tham dự Hội nghị chia sẻ những kinh nghiệm của cá nhân, tập thể trong việc khai thác và đề xuất giải pháp, từ đó, giải quyết triệt để bài toàn về “Phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện”.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh, việc phối hợp với ngành BHXH phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện luôn là nhiệm vụ quan trọng của ngành Bưu điện. Là một kênh đại lý lớn của ngành BHXH trong việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, thời gian qua, ngành Bưu điện đã tổ chức các Hội nghị tuyên truyền theo hình thức thương mại ở 20 tỉnh, thành phố.

Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam Nguyễn Minh Đức bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ từ phía ngành BHXH.

Tính đến 26/10/2018, ngành Bưu điện đã tổ chức được 336 Hội nghị tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện, qua đó vận động gần 8.000 người tham gia. Ông Nguyễn Minh Đức nhận định, đây là hình thức tuyên truyền, vận động mới đem lại hiệu quả khả quan. Do đó, trong những tháng còn lại của năm 2018, ngành Bưu điện phấn đấu tổ chức thêm 730 Hội nghị và phát triển hơn 18.000 người tham gia BHXH tự nguyện.

Sang năm 2019, ngành Bưu điện cũng đặt mục tiêu tổ chức hơn 8.780 hội nghị tuyên truyền, vận động, thêm mới 219.600 người tham gia BHXH tự nguyện. Lãnh đạo ngành Bưu điện bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ từ phía ngành BHXH để ngành Bưu điện hoàn thành chỉ tiêu về phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện theo tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW vào năm 2021.

Đồng thời, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Minh Đức cũng yêu cầu Bưu điện các tỉnh, thành phố bám sát kế hoạch mà Tổng Công ty đã giao, đề nghị phối hợp chặt chẽ với BHXH các tỉnh, thành phố trong việc tuyên truyền, vận động và kịp thời báo cáo những khó khăn vướng mắc để cùng tháo gỡ trong quá trình tổ chức, thực hiện.

Phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện: Ưu tiên hàng đầu

Tại Hội nghị, đa số các ý kiến tham luận đều đồng quan điểm rằng, việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện là nhiệm vụ quan trọng, được ưu tiên hàng đầu. Những địa phương thực hiện tốt công tác phát triển BHXH tự nguyện đều nhận được sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, cũng như sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể liên quan. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ đại lý thu, cộng tác viên ở cơ sở đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc tuyên truyền, thuyết phục và vận động nhân dân tham gia vào chính sách an sinh xã hội bền vững.

Đại diện Bưu điện tỉnh Ninh Bình cho biết, để phát triển BHXH tự nguyện hiệu quả, Bưu điện tỉnh chọn giải pháp chủ yếu là tổ chức các hội nghị tuyên truyền, vận động ở các thôn, xóm, xã, phường. Đối tượng hướng đến là những người trong độ tuổi lao động, có thu nhập ổn định. Để mời được những đối tượng này đến tham dự hội nghị, Bưu điện tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương phát giấy mời, nhằm tạo niềm tin cho nhân dân. Sau đó, nhân viên Bưu điện ở các đại lý xã, thôn sẽ cùng các hội, đoàn thể đến từng nhà người dân để tư vấn trước cho họ về sự ưu việt của chính sách... Bưu điện tỉnh cũng luôn yêu cầu nhân viên đại lý không được trích dẫn các văn bản, nghị định, thông tư mà phải nói với người dân bằng sự chân thành và nhấn mạnh tính ưu việt và nhân văn sâu sắc của chính sách BHXH tự nguyện “với việc tham gia BHXH tự nguyện thì nhà nước mong muốn bà con luôn sống thọ để được hưởng chế độ an sinh bền vững, độc lập về tài chính khi về già, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội”.

Đại diện BHXH tỉnh Nghệ An chia sẻ kinh nghiệm về phát triển BHXH tự nguyện.

Chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, theo đại diện BHXH tỉnh Nghệ An, nhân viên đại lý thu và cơ quan bảo hiểm phải “bám làng, bám dân”, gặp gỡ, tiếp xúc với các nhóm đối tượng tiềm năng để tư vấn cho người dân hiểu được những lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện.

Là đơn vị có thành tích tốt nhất về phát triển BHXH tự nguyện ở khu vực phía Bắc, đại diện BHXH tỉnh Hải Dương cho biết, điều quan trọng là phải thực hiện hiệu quả 3 giải pháp, đó là: Mở rộng đại lý thu để phát huy sức mạnh của từng hệ thống (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, ngành Y tế, Mặt trận Tổ quốc, Bưu điện, UBND xã…); triển khai giao chỉ tiêu cụ thể cho BHXH huyện để BHXH huyện giao chỉ tiêu đến các đại lý thu, trong đó yêu cầu mỗi tháng mỗi đại lý phải vận động được tối thiếu 1 đối tượng tham gia mới; cần đa dạng các hình thức tuyên truyền, hướng tới từng đối tượng tiềm năng.

Với phương châm “Mỗi cán bộ BHXH là một tuyên truyền viên tích cực trong công tác tuyên truyền BHXH, BHYT đến toàn xã hội”, Phó Giám đốc BHXH huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng Đàm Thị Phương Thảo – đại diện tiêu biểu trong việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện chia sẻ, cá nhân bà Thảo đã trực tiếp rà soát các đối tượng có tiềm năng như: Những người đến cơ quan bảo hiểm, người có nhu cầu thanh toán BHXH 1 lần, người đang hưởng BH thất nghiệp, những viên chức có người thân làm kinh doanh nhỏ lẻ, từ đó, trực tiếp gặp và tư vấn bằng thái độ giao tiếp lịch sự, ngắn gọn, dễ nghe, dễ hiểu, đặc biệt nhấn mạnh những quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện gồm: Hưởng lương hưu hàng tháng, hưởng chế độ tử tuất, thẻ BHYT, trợ cấp 1 lần khi nghỉ hưu, được Nhà nước hỗ trợ mức đóng, tính đến nay, cá nhân bà Thảo đã phát triển tăng mới được 52 đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.

Như vậy, có thể thấy, trong phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, mỗi địa phương có những giải pháp, kinh nghiệm khác nhau, nhưng đều có điểm chung là nhấn mạnh đến mạng lưới cán bộ, cộng tác viên tại cơ sở; đồng thời trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi, tư vấn thuyết phục người dân...

Rà soát, xác định đối tượng tham gia BHXH bắt buộc

Bên cạnh việc chia sẻ kinh nghiệm phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, tại Hội nghị, đại diện Ban Thu và một số BHXH các tỉnh, thành phố đã báo cáo kinh nghiệm rà soát, xác định đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo dữ liệu của cơ quan Thuế để phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, đồng thời phát hiện những đơn vị có dấu hiệu vị phạm như: Nợ đọng BHXH, không tham gia BHXH hoặc tham gia không đầy đủ số người lao động và mức đóng BHXH không đúng theo quy định để kịp thời xử lý.

Theo đó, Phó Trưởng Ban Thu (BHXH Việt Nam) Vũ Mạnh Chữ đã chia sẻ cách thức tổ chức thực hiện, bao gồm 06 bước: Thành lập Ban chỉ đạo rà soát, đối chiếu giữa giữ liệu cơ quan Thuế với dữ liệu cơ quan BHXH trên địa bàn; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, trong đó giao chỉ tiêu, thời gian cụ thể cho cán bộ được phân công; lập quy trình thực hiện; mời các đại diện lên làm việc hoặc trực tiếp xuống đơn vị; sau 02 lần đôn đốc, đơn vị vẫn không đóng hoặc đóng không đầy đủ số người tham gia thì thực hiện thanh tra đột xuất, đồng thời kiên quyết xử lý vi phạm; thông báo hoặc trực tiếp đối chiếu với cơ quan thuế đối với những đơn vị không có tên trên địa chỉ đăng ký kinh doanh, không tham gia BHXH, tham gia đầy đủ số người nhưng vấn quyết toán thuế để xử lý theo quy định của pháp luật; kiến nghị cơ quan công an điều tra, khởi tố các đơn vị cố tình trốn đóng theo quy định của Bộ luật Hình sự hoặc hướng dẫn người lao động tố giác  với cơ quan công an để xử lý vi phạm.

Từ thực trạng triển khai tại các địa phương, BHXH Việt Nam đề nghị BHXH các tỉnh, thành phố cần tăng cường mở rộng, kiểm tra, giám sát hoạt động của các hệ thống đại lý thu; tập trung đào tạo đội ngũ cộng tác viên ngoài Ngành (là thành viên của các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến xã như: Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên…); lựa chon, xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng; niêm yết công khai tên, địa điểm, số điện thoại đại lý thu, nâng cao chất lượng phục vụ đối tượng tham gia; giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia cho từng đại lý thu; đánh giá và khen thưởng kịp thời./.

TT