Tấm gương sáng về ý chí, nghị lực vượt khó

26/10/2018 03:51 PM


Ai đã từng gặp chị Thái Thị Ngọc Thơ cũng đều có chung ấn tượng về một người phụ nữ bình dị trong chiếc áo sơ mi tối màu, đôi dép đã cũ, chỉ khi được sống, làm việc với chị mới nhận ra rằng ẩn sâu trong tâm hồn người phụ nữ ấy là một nghị lực phi thường ít ai có được.

Một ngày làm việc tại cơ quan BHXH của chị Thái Thị Ngọc Thơ. 

Chị Thơ là một người phụ nữ có cuộc sống hôn nhân không trọn vẹn. Năm 1996 chị xây dựng gia đình. Tuy nhiên những tháng ngày hạnh phúc của chị nhanh chóng trôi qua. Năm 2010 vợ chồng chị chia tay. Kể từ đó đến nay chị vừa là cha, vừa là mẹ chăm sóc dạy dỗ hai con khôn lớn. Cuộc sống của ba mẹ con cứ thế thiếu trước hụt sau vì chỉ biết dựa vào đồng lương viên chức ít ỏi của chị.

Ngày vào cơ quan chị mới chỉ có bằng Trung học chuyên nghiệp, nhận thấy mình cần học tập để nâng cao về trình độ chuyên môn, chị đã mạnh dạn đăng ký tham gia lớp đào tạo Đại học được tổ chức trên địa bàn. Lớp học vào các ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật hàng tuần nên chị đã cố gắng sắp xếp thời gian vừa đi làm, vừa đi học, vừa chăm sóc con cái. Thời gian này cũng là lúc con gái thứ hai của chị vừa tròn ba tuổi. Một nách hai đứa con thơ, cuộc sống của chị thiếu thốn trăm bề cả về vật chất lẫn tinh thần. Có thể nói việc tranh thủ thời gian ngoài giờ để đi học đối với một người phụ nữ bình thường đã khó thì đối với một người ở trong hoàn cảnh như chị lại càng khó hơn gấp nhiều lần. Điều này không phải người phụ nữ nào cũng làm được. Sau bốn năm khóa học kết thúc, ngày cầm tấm bằng Đại học trên tay, hai khóe mắt chị rưng rưng bởi chị không dám tin đó là sự thật. Những giọt nước mắt của niềm hạnh phúc cứ thế lăn dài trên hai gò má.

Ai đã từng một lần đặt chân đến nhà chị mới cảm nhận hết cái khó khăn mà chị đang phải trải qua. Căn nhà cấp bốn tạm bợ nơi ba mẹ con chị đang sống nằm sâu hút dưới con đường, xung quanh là những ngôi nhà cao tầng trang trang, những ngôi nhà xây kiên cố, vững chắc. Ngôi nhà thiếu bàn tay của người đàn ông nó trở nên như tuềnh toàng, sơ sài hơn. Dưới mái ngói đã mục nát là những tấm vải bạt căng vội. Những ngày mưa phải dùng hết các xô, chậu để hứng. Đêm ngủ mẹ con phải co ro một góc giường. Mỗi lần bão đến mẹ con chị cứ thấp thỏm trong nỗi lo nhà sập. Trong nhà không có một vật dụng gì đáng giá ngoài chiếc xe máy số chị mua đã được mấy năm nay. Với nhiều người phụ nữ khác phương tiện đi lại của họ giờ đây đã là những chiếc xe hơi sang trọng, đắt tiền thì với chị chiếc xe máy là tất cả tài sản quý giá nhất. Chị chia sẻ “Để mua được chiếc xe máy đó chị đã phải rất tằn tiện và vay mượn thêm của nhiều bạn bè, đồng nghiệp”. Chị thấy mình thật may mắn khi được sống trong một tập thể đơn vị đoàn kết, giàu tình yêu thương nhất là các chị em trong cơ quan đã luôn giúp đỡ, chia sẻ khó khăn với chị

Thế nhưng định mệnh tiếp tục thử thách sức chịu đựng của chị khi tháng 5/2017 chị phát hiện mình mắc căn bệnh ung thư vú. Ngày biết tin bị bệnh, trời đất như sụp xuống dưới chân chị, trước mắt chị là một màu đen bởi chị không biết rồi đây cuộc sống của ba mẹ con sẽ ra sao. Gạt hai hàng nước mắt, chị nhanh chóng trấn an tinh thần và tự nhủ với lòng mình không được phép gục ngã. Ngày mổ chị phải ở lại bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội hơn một tháng trời và đến nay chị đã trải qua tám lần chuyền hóa chất. Rồi cứ hai mươi ngày, một tháng chị phải ra bệnh viện thăm khám và lấy thuốc một lần, một quý phải nhập viện một lần. Kể từ đó đến nay chị cũng không còn nhớ mình đã trải qua bao nhiêu cuộc hành trình trên các tuyến xe khách từ Hà Tĩnh đi Hà Nội. Các hãng xe khách đã quá quen thuộc với hình ảnh một người phụ nữ đơn độc trên các chuyến hành trình. Cũng có nhiều lúc tủi thân nhưng chị đều cố gắng vượt qua. Có hôm chị tâm sự “Chuyền hóa chất về mệt lắm em ạ, chị không ăn, không uống được, miệng lưỡi rộp đắng. Bác sỹ khuyên chị trước mỗi đợt chuyền đều phải bổ sung nhiều dinh dưỡng như tôm, cua…nhưng chị không dám ăn. Lấy đâu ra tiền mà ăn hả em”.

Rồi nỗi lo về kinh phí đi lại, ăn ở, tiền gửi cho con gái lớn đi học xa, con gái nhỏ vào chuẩn bị vào lớp 10 lúc nào cũng thường trực trong chị. Chị bảo “Cũng may kinh phí khám chữa bệnh phần lớn đã được quỹ BHYT chi trả nên bớt được phần nào khó khăn”. Để giúp chị vững vàng vượt qua tám lần chuyền hóa chất, người thân, bạn bè, đặc biệt là đồng nghiệp trong cơ quan BHXH Hà Tĩnh từ cấp tỉnh đến cấp huyện đã nhiều lần tổ chức thăm hỏi, động viên, trong đó có nhiều người tự nguyện giúp đỡ chị với số tiền không hề nhỏ. Công đoàn cơ quan cũng đã phát động quyên góp, ủng hộ để động viên chị vượt qua khó khăn.

Bao nhiêu vất vả là thế nhưng dường như chưa lúc nào chị nản lòng. Ở chị luôn có một sức mạnh của niềm lạc quan, chị luôn tin tưởng đến một ngày mình sẽ chiến thắng bệnh tật. Một điều khiến mọi người rất ngạc nhiên là cứ sau một đợt điều trị về chị đều cố gắng đến cơ quan làm việc. Có hôm vừa kết thúc một đợt chuyền hóa chất, suốt đêm thứ sáu còn ở trên xe khách thì chiều thứ bảy khi Chi bộ tổ chức Đại hội đã thấy chị có mặt từ rất sớm. Và sau đó cứ mỗi đợt thăm khám trở về, năm giờ sáng vừa xuống xe thì bảy giờ chị đã có mặt ở cơ quan để làm việc. Nhiều hôm nhìn chị lê từng bước chân nặng nhọc mà mọi người không khỏi xót xa và ai cũng khâm phục nghị lực của chị.  Chị bảo “Cơ quan đã rất tạo điều kiện nên chị càng phải cố gắng để không phụ tấm lòng của mọi người”. Phải chăng hoàn cảnh đã tôi luyện nên ở một người phụ nữ vốn chân yếu tay mềm có một nghị lực đến như thế

Chị Thơ là một trong những người gắn bó với Ngành BHXH tỉnh Hà Tĩnh từ những ngày đầu thành lập. Hiện nay chị là viên chức của phòng Tiếp nhận và Trả kết quả thủ tục hành chính, trực tiếp làm việc ở bộ phận lưu trữ hồ sơ. Một công việc tưởng chừng như đơn giản nhưng đòi hỏi rất cao về sự cẩn thận, tỷ mỉ, chịu khó. Hơn hai mươi năm làm việc trong Ngành lúc nào chị cũng tự ý thức phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, làm việc hết mình vì thế các loại hồ sơ luôn được lưu trữ rất gọn gàng, khoa học đảm bảo cho công tác khai thác được thuận lợi, dễ dàng. Nhất là giai đoạn hiện nay sau khi hoàn thành việc rà soát sổ BHXH cho người lao động bộ phận hồ sơ phải đưa sổ, tờ rời, phiếu đối chiếu quá trình công tác vào lưu trữ. Chị phải nhận và kiểm đếm từng người với số lượng lớn nên mất rất nhiều thời gian và tốn nhiều công sức. Đặc biệt với những đơn vị BHXH cấp huyện đã đến hạn đưa hồ sơ vào lưu trữ lịch sử đều được chị đôn đốc, nhắc nhở, hướng dẫn tận tình, chu đáo. Với đặc thù ở BHXH cấp huyện viên chức làm công tác lưu trữ hồ sơ phải kiêm nhiệm cả văn thư, thủ quỹ nên chị luôn trăn trở phương pháp hướng dẫn cụ thể, dễ hiểu nhất để các đơn vị thực hiện được thuận lợi. Nhìn chị miệt mài với công việc không ai nghĩ chị đang mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo bởi chưa lúc nào thấy chị phàn nàn về số phận mà với ai chị cũng rất vui vẻ, nhiệt tình. Nhiều hôm thay đổi thời tiết vết mổ lại đau nhức, chị nén nỗi đau trong lòng, thỉnh thoảng chỉ khe khẽ thít lên từng tý một.

Giờ đây niềm an ủi, động viên lớn nhất giúp chị gắng gượng vượt qua bệnh tật chính là hai cô con gái. Do hiểu được hoàn cảnh của gia đình nên hai con của chị đều rất ngoan và hiếu thảo. Con gái lớn của chị là cháu Phan Hải Yến hiện nay là sinh viên năm thứ ba trường Cao đẳng du lịch Vũng Tàu. Con gái thứ hai là cháu Phan Thái Thảo hiện là học sinh lớp 10A5 trường THPT Phan Đình Phùng, thành phố Hà Tĩnh. Chín năm liền cháu đều là học sinh giỏi cấp thành phố. Dường như ông trời lấy đi của chị rất nhiều thứ nhưng bù lại cho chị một điều thật quý giá mà nhiều người chỉ có trong mơ ước, khát khao. Hai con gái là niềm vui sống và tự hào của chị. Với chị hạnh phúc là được nhìn thấy các con khôn lớn mỗi ngày

Chị Thái Thị Ngọc Thơ một người phụ nữ có nhiều bất hạnh nhưng lại là một tấm gương sáng về ý chí, nghị lực vượt khó để tất cả chúng ta học tập, ngưỡng mộ. Nối tiếp truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam cùng với vòng tay nhân ái yêu thương của gia đình, bạn bè và ngôi nhà chung BHXH, tin rằng chị sẽ vượt lên số phận để bước tiếp con đường  - niềm tin - hy vọng./.

Nguyễn Thị Liên