Đối thoại chính sách BHXH, BHYT với nông dân tại Gia Lai
23/10/2018 07:47 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 23/10, tại tỉnh Gia Lai, BHXH Việt Nam phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam tổ chức 02 Hội nghị đối thoại chính sách BHXH, BHYT với nông dân huyện Đak Pơ và huyện Đak Đoa.
Tham dự hội nghị có ông Trần Mạnh Hoài, Phó trưởng Ban Xã hội - Dân số, Gia đình, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; ông Phạm Nhuần - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nông dân tỉnh; ông Đinh Hà Nam - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh; Lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Đak Pơ và Đak Đoa; đại diện BHXH tỉnh, Trung tâm Truyền thông, BHXH Việt Nam cùng hơn 400 cán bộ, hội viên nông dân huyện Đak Pơ và huyện Đak Đoa.
Quang cảnh hội nghị đối thoại tại huyện Đak Pơ.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Mạnh Hoài, Phó trưởng Ban Xã hội - Dân số, Gia đình, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của chính sách BHXH, BHYT trong hệ thống an sinh của đất nước và cho biết, hiện nay, tỷ lệ người tham gia BHYT của cả nước là hơn 81 triệu người, đạt 88% dân số. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 12% dân số chưa tham gia BHYT, trong đó chiếm phần lớn là nông dân; đặc biệt, số người tham gia BHXH tự nguyện mới chỉ đạt 241.000 người.
Theo ông Trần Mạnh Hoài, có nhiều nguyên nhân dẫn đến các hạn chế nêu trên. Tuy nhiên, có thể kể đến một số nguyên nhân cơ bản như: Người nông dân chưa hiểu biết hết về tính ưu việt của chính sách BHXH, BHYT; đa số người dân chưa có thói quen dự phòng rủi ro nên ít quan tâm để tham gia BHXH, BHYT;…
Giải đáp nhiều ý kiến vướng mắc của hội viên Hội Nông dân huyện Đak Pơ.
Ông Trần Mạnh Hoài cũng nhấn mạnh, hiện nay, giá viện phí được điều chỉnh với nhiều dịch vụ kỹ thuật tăng giá. Nếu người dân không tham gia BHYT, khi ốm đau đi KCB sẽ phải trả viện phí cao hơn, thậm chí, nhiều gia đình nông dân sẽ không có cơ hội KCB vì không có tiền chi trả viện phí. Trong thời gian qua, việc triển khai chính sách BHYT theo hộ gia đình đã thể hiện rõ tính ưu việt của chính sách an sinh xã hội bởi mỗi người không chỉ có trách nhiệm với chính bản thân mình mà còn với gia đình và cộng đồng xã hội khi tham gia BHXH, BHYT. Về chính sách BHXH tự nguyện, Nhà nước ta đã ban hành các chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích người dân tham gia như: Hỗ trợ mức đóng, quy định linh hoạt hơn về thời gian đóng,…. Nếu làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nông dân tham gia BHXH tự nguyện sẽ giúp nông dân khi hết tuổi lao động có lương hưu và được cấp thẻ BHYT miễn phí.
Phó Chủ tịch thường trực Hội Nông dân tỉnh Phạm Nhuần phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Nhuần - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nông dân tỉnh cho biết, thực hiện chương trình phối hợp giữa BHXH tỉnh và Hội Nông dân tỉnh, hai Ngành đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT. Hội Nông dân tỉnh đã phát hành 9.600 cuốn bản tin “Hội Nông dân Gia Lai” có chuyên trang về BHXH, BHYT và được coi là tài liệu thông tin chuyên đề để các cơ sở Hội, chi tổ Hội sinh hoạt. Tổ chức tuyên truyền hội viên nông dân tham gia BHXH, BHYT thông qua các cuộc đối thoại trực tiếp và các buổi sinh hoạt chi, tổ hội viên. Năm 2016, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với BHXH tỉnh và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức Hội thi Tuyên truyền viên BHXH, BHYT cấp tỉnh với 17 đội thi thuộc các huyện, thị xã, thành phố. Một số cấp Hội phối hợp với BHXH huyện tiến hành lập và khảo sát hội viên nông dân tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn. Đặc biệt, năm 2017, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh tổ chức kiểm tra chuyên đề về công tác tuyên truyền, vận động hội viên Hội Nông dân tham gia BHXH, BHYT tại 03 huyện là Phú Thiện, Ia Pa và Kbang; các huyện còn lại, Hội Nông dân tỉnh kiểm tra lồng ghép trong kiểm tra công tác hội và phong trào nông dân.
Phó Chủ tịch thường trực Hội Nông dân tỉnh Phạm Nhuần nhấn mạnh: Công tác tuyên truyền, vận động góp phần giúp hội viên nông dân nâng cao nhận thức về chính sách BHXH, BHYT; nắm bắt kịp thời quyền lợi cũng như trách nhiệm của mình khi tham BHXH, BHYT. Phó Chủ tịch thường trực Hội Nông dân tỉnh đề nghị, trong thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục phối hợp với ngành BHXH triển khai công tác tuyên truyền vận động hội viên thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về BHXH, BHYT như tổ chức hội nghị đối thoại, hội thi và lồng ghép trong các buổi sinh hoạt chi, tổ hội và tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong đó, tổ chức tuyên truyền một cách trọng tâm, trọng điểm mà trước hết là vận động cán bộ, hội viên là hộ sản xuất kinh doanh giỏi tham gia BHXH, BHYT. Bên cạnh đó, thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra cấp Hội các cấp về công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia BHXH, BHYT.
Hội viên nông dân huyện Đak Pơ tích cực trao đổi tại hội nghị.
Theo báo cáo của BHXH huyện Đak Pơ, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn vẫn còn thấp so với kết quả chung của tỉnh và toàn quốc. Đến 30/9/2018, tỷ lệ tham gia BHXH chiếm 5,44% so với lực lượng lao động, BHYT là 74,6% dân số. Để đạt được các chỉ tiêu của Nghị quyết 21-NQ/TW và Nghị quyết số 28-NQ/TW, trong thời gian tới, BHXH và Hội Nông dân huyện cần tích cực triển khai một số nội dung phối hợp như: Thường xuyên phối hợp, tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT cho hội viên và nhân dân trên địa bàn huyện bằng nhiều hình thức phù hợp; phát triển hệ thống đại lý thu BHXH, BHYT là hội viên Hội Nông dân để phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT trong tầng lớp nhân daanh đạt được chỉ tiêu tham gia BHYT trong xây dựng nông thôn mới của các xã; đăng tải thông tin về công tác phối hợp tuyên truyền cũng như quyền lợi, nghĩa vụ khi tham gia BHXH, BHYT trên trang thông tin điện tử của Hội Nông dân tỉnh cũng như BHXH tỉnh…
Quang cảnh hội nghị đối thoại tại Đak Đoa.
Theo báo cáo của BHXH huyện Đak Đoa, công tác BHXH, BHYT đã được sự quan tâm sâu sát của Huyện ủy, UBND cũng như các cấp ngành trên địa bàn nên đã đạt được nhiều kết quả tích cực. BHXH huyện đã thường xuyên tham mưu Tỉnh ủy, UBND trong công tác thực hiện chính sách BHXH, BHYT. BHXH huyện đã xây dựng kế hoạch phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chính sách pháp luật về BHXH, BHYT. BHXH huyện đã ký hợp đồng với 16 đại lý thu với 56 người. BHXH huyện cũng tích cực đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, tăng cường giao dịch điện tử và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính, theo dõi chặt chẽ công tác xử lý hồ sơ để tránh bị tồn đọng, giải quyết chậm,…
Giải đáp nhiều ý kiến vướng mắc của hội viên Hội Nông dân huyện Đak Đoa.
Kết quả, 9 tháng đầu năm 2018, BHXH huyện đã tổ chức được 14 buổi tuyên truyền, phổ biến chính sách BHXH, BHYT cho hội viên Hội Nông dân, hội viên Hội phụ nữ, công nhân nông trường,…; cấp phát trên 10.000 tờ rơi, tài liệu tuyên truyền,… Số người tham gia BHXH bắt buộc trên địa bàn huyện là 2.775 người, đạt 85,86% kế hoạch; 97.282 người đạt 101,6% kế hoạch năm 2018.
Thời gian tới, BHXH huyện Đak Đoa tiếp tục tăng cường công tác tham mưu cho Huyện ủy, UBND, triển khai kịp thời việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn huyện, trong đó có giao chỉ tiêu phát triển BHXH; tập trung công tác đôn đốc thu, đẩy mạnh công tác phát triển đối tượng; làm tốt công tác giám định hồ sơ KCB BHYT, tránh lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT; tiếp tục phát triển đại lý thu; tăng cường công tác tuyên truyền chính sách pháp luật về BHXH, BHYT với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, sâu rộng đến tận người dân ở địa bàn các xã, thị trấn;…
Tại các hội nghị, ông Nguyễn Bá Đông - Trưởng phòng Khai thác, thu nợ (BHXH tỉnh) đã phổ biến cho đồng bào về chính sách BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình. Chính sách BHXH tự nguyện từ 01/01/2018 được Nhà nước hỗ trợ mức đóng – đây là chính sách hết sức nhân văn của Đảng và Nhà nước ta, đảm bảo người dân khi về già có lương hưu để đảm bảo cuộc sống.
Hội viên nông dân huyện Đak Đoa tích cực trao đổi tại hội nghị.
Tại phần đối thoại, đại diện lãnh đạo Hội Nông dân Việt Nam; Hội Nông dân tỉnh, BHXH tỉnh và Sở Y tế tỉnh đã giải đáp đầy đủ, thỏa đáng các ý kiến, các câu hỏi của đại biểu tham gia về các nội dung: Quyền lợi khi tham gia BHYT; KCB BHYT trong trường hợp cấp cứu; đặc thù của các bệnh viện trên địa bàn; chuyển tuyến KCB BHYT; cấp, đổi thẻ BHYT; việc giảm trừ đối với hộ gia đình tham gia BHXH khi có nhiều thành viên tham gia;…
Hội nghị đối thoại nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân về chủ trương, chính sách BHYT, BHXH trên địa bàn huyện Đak Pơ và Đak Đoa nói riêng và trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói chung. Qua đó, hội viên nông dân sẽ tự giác tham gia BHXH, BHYT để được chăm sóc sức khỏe và hưởng các dịch vụ an sinh xã hội. Đây cũng là dịp để các cấp ngành tăng cường sự phối hợp, cùng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và giải đáp kịp thời những kiến nghị, vướng mắc của người dân./.
PV
Chi tiết >>
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị Giao ban trực ...
BHXH Việt Nam thành lập Tổ tính toán cân đối quỹ BHXH, ...
BHXH Việt Nam tiếp nhận và xử lý cảnh báo chiến dịch tấn ...
Bắc Giang sớm hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về BHXH, ...
Diễn tập ứng cứu khẩn cấp sự cố an toàn thông tin khu vực ...
Người dùng đã có thể đăng nhập Cổng Dịch vụ công BHXH Việt ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?