Diễn đàn ASXH khu vực Châu Á - Thái Bình Dương: Nâng cao chất lượng ASXH cho tương lai

08/10/2018 03:50 PM


Trong các ngày, từ 2-4/10, tại Kuala Lumpur (Malaysia), Hiệp hội An sinh xã hội quốc tế (ISSA) phối hợp với Cơ quan An sinh Xã hội Malaysia (SOCSO) tổ chức Diễn đàn An sinh xã hội (ASXH) khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Diễn đàn có sự tham gia của hơn 400 đại biểu của 75 tổ chức đến từ 35 quốc gia là thành viên của ISSA; các tổ chức quốc tế như: Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Văn phòng Lao động quốc tế (ILO), Ủy ban Kinh tế và Xã hội Liên Hiệp Quốc khu vực Châu Á và Thái Bình Dương (UNESCAP). Đoàn BHXH Việt Nam do Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh làm Trưởng đoàn tham dự Diễn đàn.

Bà YAB Dato’s Seri Dr.Wan Azizah Dr.Wan Ismail - Phó Thủ tướng Malaysia phát biểu tại Diễn đàn.

ASXH- mục tiêu chiến lược toàn cầu

ASXH toàn cầu là mục tiêu và chiến lược quan trọng của thế giới. Tuy nhiên, các cơ quan ASXH trong khu vực Châu Á và Thái Bình Dương đang phải đối mặt với những thay đổi nhanh về kinh tế, xã hội và thị trường lao động. Những thách thức và cơ hội đồng thời cũng tạo ra những phương thức tiếp cận sáng tạo để duy trì lợi ích, mở rộng hơn nữa phạm vi bảo hiểm và nâng cao chất lượng dịch vụ ASXH.

Dự và phát biểu tại phiên khai mạc, bà YAB Dato’s Seri Dr.Wan Azizah Dr.Wan Ismail - Phó Thủ tướng Malaysia nhấn mạnh, Diễn đàn ISSA khu vực Châu Á và Thái Bình Dương 2018 được tổ chức với mục tiêu phát triển toàn diện ASXH, gìn giữ tương lai. Diễn đàn năm nay quy tụ những người làm chính sách, những người quản lý hệ thống ASXH và những chuyên gia quốc tế, nhằm tìm ra những giải pháp mới trong bối cảnh khó khăn hiện nay; đồng thời góp phần hình thành nên chiến lược đột phá cho tương lai ASXH khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Chia sẻ tại Diễn đàn, ông YB Tuan M.Kulasegaran - Bộ trưởng Bộ Nhân lực Malaysia cũng cho rằng, trong những năm qua, tầm quan trọng của hệ thống ASXH đối với người dân và sự phát triển kinh tế ngày càng trở nên rõ nét. Chăm lo cho ASXH là đầu tư vào nguồn lực con người, để hướng tới năng suất lao động hiệu quả hơn. Đây cũng là giải pháp để nâng cao chất lượng cuộc sống và sự bình đẳng trong cộng đồng, từ đó góp phần giữ vững sự ổn định kinh tế- xã hội của mỗi quốc gia.

Thực tế, diện bao phủ của hệ thống ASXH hiện nay trên thế giới còn hạn chế, đặc biệt ở khu vực Châu Á - nơi có hơn một tỉ NLĐ vẫn nằm trong nhóm dễ bị tổn thương, họ là những nông dân, ngư dân, những người lao động tự do hay tham gia các công việc bán thời gian vẫn chưa nhận được sự “bảo vệ” của hệ thống ASXH.

Diễn đàn năm nay với chủ đề: “Sự phát triển toàn diện ASXH: Vì sự an toàn của xã hội tương lai”, đã thể hiện tầm nhìn và bám sát với bối cảnh quốc tế, khi mà nhiều chính phủ trên khắp năm châu đang tìm cách nhân rộng tầm bao phủ của hệ thống ASXH trước những biến đổi kinh tế và nhân khẩu học toàn cầu.

Đây còn là cơ hội quan trọng để những thành viên của ISSA cũng như đại diện chính phủ đến từ các nước Châu Á cùng hợp tác, học hỏi kinh nghiệm trong xây dựng hệ thống ASXH hiệu quả.

Vượt qua thách thức, hướng tới tương lai

Diễn đàn năm nay có 4 phiên tổng thể và 8 phiên song song, thảo luận về những vấn đề, như: Những thách thức chính đối với ASXH ở Châu Á và Thái Bình Dương; thành tựu trong quản trị ASXH; đổi mới để mở rộng và duy trì ASXH; tạo dựng ASXH qua những đổi mới.

Theo ông Hans- Horst Konkolewsky - Tổng Thư ký ISSA, ASXH ở Châu Á và Thái Bình Dương đã có những phát triển quan trọng. Mở rộng và phát triển mức độ bao phủ BHYT đòi hỏi các tổ chức ASXH phải đổi mới và xác định các chiến lược để vượt qua thách thức.

Qua khảo sát và dựa trên Báo cáo toàn cầu, được công bố trên Diễn đàn ASXH lần trước, ISSA nêu lên 10 thách thức đối với ASXH ở Châu Á và Thái Bình Dương, đó là: Thu hẹp khoảng cách chi trả; chăm sóc sức khỏe lâu dài; sự chuyển đổi về công nghệ; kỳ vọng ngày càng cao từ phía người dân; già hóa dân số; thị trường lao động và nền kinh tế số; việc làm cho NLĐ trẻ; bất bình đẳng trong cuộc sống; những rủi ro mới và những diễn biến bất ngờ trong tương lai; bảo vệ NLĐ nhập cư.

Thảo luận về chủ đề “Chăm sóc sức khỏe và chăm sóc sức khỏe dài hạn”, Tổng Thư ký ISSA đã đề cập đến tình hình chung của các nước khu vực Châu Á và Thái Bình Dương. Trong đó, bao phủ BHYT hiện nay vượt trội so với mức độ bao phủ của các quyền lợi ASXH khác trong nhiều nước Châu Á. Trong bối cảnh già hóa dân số diễn ra nhanh chóng và tỉ lệ mắc các bệnh mãn tính gia tăng, hệ thống BHYT phải giải quyết những thách thức quan trọng liên quan đến tính bền vững, việc tổ chức chăm sóc sức khỏe và cần thiết dịch chuyển sang các biện pháp phòng ngừa.

Chủ đề này được hai diễn giả đến từ Hàn Quốc và Việt Nam trao đổi chia sẻ kinh nghiệm.

Phó Viện trưởng Viện Khoa học BHXH Nguyễn Thị Hồng Vân thông tin về thành tựu của hệ thống BHXH Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Hồng Vân - Phó Viện trưởng Viện Khoa học BHXH (BHXH Việt Nam) cho biết, thành tựu của hệ thống BHXH Việt Nam bao gồm việc mở rộng, phát triển đối tượng tham gia BHYT đạt tỉ lệ bao phủ cao trong những năm gần đây; về ban hành danh mục thuốc, VTYT thông minh với quy định tỉ lệ, điều kiện thanh toán; thành tựu trong kiểm soát giá thuốc, chi phí thuốc nhờ những cải cách lớn trong đấu thầu thuốc, việc công khai giá thuốc, giá VTYT trên Trang TTĐT của BHXH Việt Nam, việc tổ chức đấu thuốc quốc gia do Bộ Y tế, BHXH Việt Nam thực hiện; những thay đổi lớn về giá viện phí nhằm thay đổi cơ chế tài chính y tế theo hướng dịch chuyển trợ cấp tài chính cho hệ thống chăm sóc y tế trực tiếp từ NSNN sang việc các cơ sở KCB có nguồn thu từ cung cấp DVYT, để tăng cường chất lượng DVYT, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh; việc áp dụng hệ thống CNTTT trong quản lý của BHXH Việt Nam.

Diễn giả đến từ BHXH Việt Nam cũng chia sẻ những thách thức gặp phải liên quan đến việc mở rộng bao phủ BHYT, áp lực đối với hệ thống BHXH phục vụ số người tham gia; thách thức giữa gói quyền lợi cao và mức đóng thấp, thách thức trong việc kiểm soát chi phí BHYT, thách thức liên quan đến tình hình già hóa dân số ở Việt Nam như nhiều nước Châu Á và Thái Bình Dương, thách thức liên quan đến phát triển hệ thống...

Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và TTĐT khu vực phía Bắc Dương Tuấn Đức trình bày về chủ đề “Đảm bảo sự tuân thủ và xử lý sai phạm” tại hội thảo.

Trong phiên hội thảo song song về cách tiếp cận thực tế để hoàn thiện quản lý ASXH, với hai chủ đề: “Các giải pháp quản lý để nhân rộng diện bao phủ của hệ thống ASXH” và “Đảm bảo sự tuân thủ và xử lý sai phạm” cũng nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu, trong đó chủ đề “Đảm bảo sự tuân thủ và xử lý sai phạm” có sự tham gia của diễn giả đến từ BHXH Việt Nam, ông Dương Tuấn Đức - Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và TTĐT khu vực phía Bắc.

Trình bày tại Hội thảo, ông Dương Tuấn Đức cho biết, BHYT là một trong hai trụ cột chính của hệ thống ASXH tại Việt Nam, là cơ chế tài chính chủ yếu để thực hiện KCB cho nhân dân. Người tham gia BHYT được chi trả hầu hết các DVYT với trên 40.000 loại thuốc và VTYT, gần 18.000 DVKT; từ năm 2015 người bệnh được lựa chọn KCB tại tất cả các cơ sở y tế tuyến huyện. Bên cạnh đó, phương thức thanh toán chi phí KCB chủ yếu theo phí dịch vụ cộng với cơ chế tự chủ BV là những thách thức rất lớn cho công tác giám định, thanh toán chi phí KCB BHYT.

Để giải quyết những vấn đề trên, trong hai năm 2015-2016, BHXH Việt Nam đã tập trung xây dựng Hệ thống thông tin giám định BHYT, thiết lập hệ thống kết nối liên thông dữ liệu với gần 14.000 cơ sở y tế trên phạm vi toàn quốc, xây dựng danh mục dùng chung. Bên cạnh đó, chuẩn dữ liệu đầu ra để thu thập được thông tin từ các phần mềm khác nhau của các cơ sở y tế; xây dựng bộ quy tắc giám định và các chức năng phân tích, đánh giá, dự báo chi KCB.

Từ năm 2017, BHXH Việt Nam chính thức khai thác Hệ thống thông tin giám định BHYT. Hệ thống giúp liên thông dữ liệu trực tuyến, chia sẻ thông tin, kết quả điều trị, diễn biến bệnh tật của người bệnh cho các cơ sở y tế; đồng thời cung cấp các chức năng giúp cơ sở y tế quản lý công tác KCB, kiểm tra thông tin thẻ BHYT, theo dõi thông tuyến, chuyển tuyến, tiếp nhận và phản hồi các kết quả giám định. Theo đó, 100% hồ sơ đề nghị thanh toán được kiểm tra qua các quy tắc giám định; tự động từ chối các yêu cầu thanh toán sai quy định, ngoài phạm vi hưởng BHYT, thanh toán trùng lặp; hoặc cảnh báo các hồ sơ cần giám định chủ động. Cơ sở dữ liệu KCB BHYT được quản lý tập trung, được tự động xử lý, đưa ra các phân tích, so sánh, đánh giá về tình hình sử dụng kinh phí, mô hình bệnh tật, tình hình cung cấp DVYT chung toàn quốc, từng tỉnh và chi tiết đến từng cơ sở y tế, xác định các mức độ ưu tiên để cơ quan BHXH chủ động kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và ngăn ngừa lạm dụng, trục lợi BHYT.

Vinh danh thành tựu của BHXH Việt Nam

Trong khuôn khổ Diễn đàn, ISSA đã tổ chức trao Giải thưởng ASXH khu vực và vinh danh những quốc gia có thành tựu nổi bật. Theo đó, Cơ quan Hưu trí quốc gia Hàn Quốc giành giải thưởng ASXH khu vực và 8 quốc gia khác được vinh danh, trong đó có BHXH Việt Nam.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh nhận giải thưởng thành tựu từ đại diện ISSA.

Đây là sự ghi nhận thành tựu trong ứng dụng CNTT vào việc quản lý chi phí KCB BHYT. Theo ISSA, tính đến hết tháng 7/2018, với hơn 81,69 triệu người tham gia BHYT- đạt tỉ lệ bao phủ 87,2% dân số, BHXH Việt Nam phải đối mặt với những thách thức trong việc kiểm soát chi trả BHYT như quản lý lượng dữ liệu ngày càng lớn của người tham gia BHYT (với hàng trăm triệu yêu cầu chi trả BHYT mỗi năm). Trong bối cảnh đó, BHXH Việt Nam đã xây dựng Hệ thống giám định BHYT để kết nối liên thông dữ liệu với gần 14.000 cơ sở KCB trên cả nước. Hệ thống này đã trở thành một mắt xích quan trọng trong việc kiểm soát và giám sát những DVYT của cả BV và người tham gia BHYT, qua đó góp phần hoàn thiện hệ thống ASXH quốc gia.

ISSA ghi nhận thành tích trên của BHXH Việt Nam và cho rằng, đây là bước tiến lớn và hiệu quả trong việc ứng dụng CNTT một cách đúng đắn và bài bản. Qua đó, từng bước hoàn thiện quá trình đưa dịch vụ công vào đời sống dựa trên nền tảng CNTT./.