Thủ tướng Chính phủ đối thoại với đại biểu Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII

24/09/2018 05:19 PM


Chiều nay (24/9), trong khuôn khổ Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi gặp gỡ, đối thoại với đại biểu dự Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII xoay quanh chủ đề “Công đoàn Việt Nam đồng hành cùng Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước”.

Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn. (Nguồn ảnh: Báo Lao động)

Cùng dự Diễn đàn lần này còn có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; các Phó Thủ tướng Chính phủ: Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam và lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương.

Phát biểu khai mạc Diễn dàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ xúc động được Đại hội dành trọn phiên làm việc chiều 24/9 trong chương trình làm việc của Đại hội để Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng gặp gỡ, trò chuyện với các đại biểu, và cùng Đại hội thảo luận về một chủ đề rất lớn, rất quan trọng của đất nước, đang được Chính phủ hết sức quan tâm, đó là: “Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước”.

Thủ tướng chia sẻ, đồng hành tức là chúng ta cùng đi, cùng bước, như người ta thường nói “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì phải cùng đi”. Việc “cùng đi” này rất quan trọng và trong thời gian qua, sự phối hợp công tác giữa Công đoàn với Chính phủ ngày càng chặt chẽ, nề nếp, qua đó đã mang lại lợi ích thiết thực cho công nhân lao động.

Khái quát về các nội dung sẽ triển khai tại Diễn đàn, Thủ tướng nhấn mạnh: Năng lực cạnh tranh quốc gia đề cập đến tổng hợp thể chế, chính sách và các nhân tố quyết định mức độ hiệu quả, tính năng suất của một quốc gia. Một nền kinh tế có năng suất, hiệu quả là nền kinh tế có năng lực sử dụng, khai thác tốt các nguồn lực có hạn. Nói cách khác, bản chất của năng lực cạnh tranh quốc gia là năng lực vận hành nền kinh tế có hiệu quả, với chi phí hợp lý nhất, mang lại kết quả thịnh vượng và bền vững tối đa nhất, với sự tham gia của mọi người, mọi ngành.

Trong khi đó, phát triển bền vững là phát triển đáp ứng được nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu đó của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gợi mở một số câu hỏi đối với các đại biểu tham gia Diễn đàn. (Nguồn ảnh: Báo Lao động)

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra một số câu hỏi và vấn đề để các đại biểu cùng suy nghĩ, trao đổi, thảo luận như: Nhìn nhận của các đại biểu về thời cơ và thách thức đối với nước ta trong 5 đến 10 năm tới? Nhận xét của đại biểu về sự lãnh đạo, điều hành của Chính phủ trong thời gian qua và có đề xuất gì để công tác điều hành, lãnh đạo của Chính phủ được tốt hơn trong thời gian tới? Nhìn nhận của các đại biểu về năng suất lao động ở nước ta hiện nay và các giải pháp nâng cao năng suất lao động xét từ giác độ NLĐ? Việc ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất và công tác hiện nay như thế nào? Cần có đột phá gì? Vấn đề đổi mới và nâng cao năng lực quản trị của DN ở nước ta hiện nay như thế nào? Công đoàn đã tham gia tuyên truyền, vận động NLĐ nâng cao năng suất lao động và hiệu quả công tác như thế nào? Công đoàn đã phát động và tổ chức các phong trào thi đua yêu nước như thế nào trong thời gian qua? Công đoàn đã tham gia cùng DN nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ra sao?

Thủ tướng mong muốn các đại biểu tại Diễn đàn lần này cần phát huy tinh thần dân chủ, thẳng thắn, đi thẳng vào chủ đề, nêu rõ các giải pháp, gợi mở cho Chính phủ những ý tưởng, sáng kiến, cách làm để cả nước cùng nỗ lực, chung tay nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước.

 “Với tinh thần rất cầu thị của Chính phủ và sự trân trọng tình cảm, trí tuệ, nhiệt huyết của đại biểu ưu tú thuộc tổ chức Công đoàn Việt Nam, những người đến từ mọi miền của Tổ quốc, công tác, làm việc tại tất cả các ngành, lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, với mong muốn lắng nghe những kinh nghiệm, đề xuất, hiến kế của các đồng chí, tôi cùng 2 Phó Thủ tướng và nhiều đồng chí bộ trưởng, thứ trưởng có mặt tại đây sẵn sàng trả lời các câu hỏi mà các đại biểu nêu ra”, Thủ tướng nhấn mạnh.

“Mục tiêu của Diễn đàn lần này nhằm giúp chúng ta thống nhất nhận thức, khẳng định quyết tâm, sớm biến thành hành động cụ thể, tạo bước chuyển mới và mạnh mẽ trong nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước”- Thủ tướng chia sẻ.

Đại biểu Nguyễn Khoa Hoài Hương (LĐLĐ Thừa Thiên Huế) trả lời những câu hỏi của Thủ tướng về vấn đề năng suất lao động. (Nguồn ảnh: Báo Lao động)

Trả lời câu hỏi của Thủ tướng về nhận định năng suất lao động ở nước ta hiện nay và các giải pháp nâng cao năng suất lao động xét từ giác độ NLĐ, Chủ tịch LĐLĐ Thừa Thiên Huế Nguyễn Khoa Hoài Hương cho biết: Về đánh giá năng suất lao động, chúng tôi nghĩ năng suất lao động Việt Nam nói chung đang ở vị trí rất thấp so với khu vực và thế giới. Nguyên nhân năng suất lao động của Việt Nam thấp có những lý do sau:

Thứ nhất, ở khía cạnh nguồn nhân lực, có một số lao động đại học, cao đẳng, trung cấp - sau khi ra trường không có việc làm. Vì không có việc làm nên họ phải vào các nhà máy, xí nghiệp làm công nhân. Những người này đa số không có tay nghề cho nên không tăng được năng suất lao động.

Thứ hai, còn một bộ phận NLĐ Việt Nam có ý thức kỷ luật chưa cao. Đơn cử, một công nhân đang làm việc trong một dây chuyền sản xuất, tuy nhiên, khi có việc gia đình, những công nhân này sẵn sàng nghỉ không báo trước, không có tính kỷ luật, không có sự chuyên nghiệp.

Thứ ba, ở góc độ NLĐ, việc chia sẻ lợi ích giữa NLĐ và người sử dụng lao động chưa hài hòa, dẫn đến những xung đột không đáng có. Đó cũng là lý do làm giảm năng suất lao động.

Cuối cùng, còn chính do thù lao người sử dụng lao động trả cho NLĐ tại các nhà máy, xí nghiệp thấp hơn bình quân lương cơ sở, kể cả những phúc lợi xã hội của DN với NLĐ chưa được tốt.

Từ những phân tích nêu trên, bà Nguyễn Khoa Hoài Hương kiến nghị: Hàng năm, Đảng, Nhà nước, Chính phủ cần thống kê số liệu định hướng cho NLĐ về việc ngành - nghề nào đang cần lực lượng lao động theo các thứ tự ưu tiên, để NLĐ biết và có định hướng trong việc lựa chọn nghề, chuẩn bị kỹ năng, tay nghề nhằm khẳng định khả năng làm việc của bản thân tại nơi làm việc.

Bên cạnh đó, các DN và người sử dụng lao động cần có biện pháp nâng cao ý thức, sự chuyên nghiệp của NLĐ, tạo tác phong công nghiệp cho NLĐ khi làm việc. Điều này muốn làm được cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, NLĐ cũng cần tự mình học hỏi, trang bị cho mình những kiến thức vững vàng nhất.

Ngoài ra, cần phải đưa quy định hài hòa về lợi ích vật chất giữa NLĐ và người sử dụng lao động vào thỏa ước lao động, để NLĐ tin tưởng và cống hiến cho DN.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sĩ Lợi trả lời một số câu hỏi gợi mở của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. (Nguồn ảnh: Báo Lao động)

Trả lời câu hỏi mà Thủ tướng Chính phủ gợi mở: Đại biểu có nhận xét gì về sự lãnh đạo, điều hành của Chính phủ trong thời gian qua; đồng thời có hiến kế gì để công tác điều hành, lãnh đạo của Chính phủ được tốt hơn trong thời gian tới? Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đánh giá, tình hình kinh tế vĩ mô của đất nước ta trong những năm vừa qua đã có chuyển biến rất lớn so với đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.

“Bắt đầu từ Quý II/2017, nền kinh tế của chúng ta bắt đầu có sự đổi chiều và tăng trường với tốc độ cao hơn. Có nhiều nguyên nhân cơ bản. Thứ nhất, Chính phủ đã tích cực đổi mới thể chế - đây là khâu có tính chất đột phá. Thứ hai, quá trình hội nhập kinh tế đem lại cơ hội phát triển cho đất nước. Nguyên nhân thứ ba là thành tựu của khoa học công nghệ. Tuy nhiên, chúng ta còn nhiều thách thức, trong đó có chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động…” - ông Bùi Sỹ Lợi chia sẻ.

Tiếp đó, ông Bùi Sỹ Lợi cũng đặt câu hỏi với Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH về một số nội dung sau: “Thời gian qua, khi thực hiện khảo sát về vấn đề nhà ở, chúng tôi đánh giá rất cao vấn đề giải quyết nhu cầu về nhà ở theo Hiến pháp và Luật Nhà ở. Đến nay cơ bản đã giải quyết xong vấn đề nhà ở cho người nghèo… Nhà ở cho người có công cho đến năm 2018, tư tưởng chỉ đạo của Chính phủ là quyết tâm hoàn thành.”

“Tuy nhiên, quay trở lại vấn đề nhà ở cho công nhân, chúng tôi thấy rằng trong đề án của Chính phủ về phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở của công nhân, chúng ta phấn đấu đến năm 2020 xây dựng được 50.000 ngôi nhà cho công nhân lao động, nhưng đến nay chúng ta mới đạt hơn 10%… Vậy, xin Thủ tướng Chính phủ tiếp tục đề nghị Quốc hội có gói hỗ trợ 30.000 tỷ giống như trước đây, để có thể đáp ứng nhu cầu nhà ở cho giai cấp công nhân…”, ông Bùi Sỹ Lợi đề nghị.

Chia sẻ ý kiến về vấn đề năng suất lao động tới Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, ông Bùi Sỹ Lợi nhận định, năng suất lao động của chúng ta thấp nguyên nhân do chất lượng nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực của chúng ta hiện nay đạt 27% qua đào tạo, nhưng chỉ có 21% qua đào tạo nghề từ 03 tháng trở lên và có cấp chứng chỉ. Trong khi đó, chúng ta phải tập trung phát triển giáo dục nghề nghiệp và sử dụng nguồn quỹ của quỹ BH thất nghiệp (khoảng 67.000 tỷ đồng). Chúng ta không chỉ đào tạo mới mà phải đào tạo lại, để tạo ra nguồn lao động vừa có chất lượng đầu vào cao, vẫn có thể chuyển đổi được cơ cấu để đáp ứng được quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, và cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0./.

PV (t/h)