Tích hợp chính sách, bảo đảm thống nhất, căn cơ

28/12/2017 04:40 PM


Phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển; phân định xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao là tiêu chí quan trọng để hoạch định các chính sách về dân tộc. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những bất cập trong Bộ tiêu chí phân định dẫn đến việc tổ chức thực hiện vừa thiếu, vừa chồng chéo, khó quản lý. Cùng với đề nghị sửa đổi Bộ tiêu chí này, một số đại biểu cho rằng, nên xem xét ban hành Luật về dân tộc để tích hợp chính sách, bảo đảm tính thống nhất; không để tình trạng chính sách lổn nhổn, thiếu căn cơ.

Thời gian biến động, tiêu chí không động

Phân định xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao là việc làm cần thiết, là cơ sở quan trọng phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước, xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật tổ chức thực hiện chính sách trên địa bàn xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao. Kết quả phân định vùng dân tộc thiểu số, miền núi theo trình độ phát triển đã tạo được những chuyển biến quan trọng về cơ sở hạ tầng thiết yếu, ổn định đời sống, xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào, từng bước thu hẹp khoảng cách, chênh lệch về trình độ phát triển giữa vùng dân tộc thiểu số miền núi với các vùng miền khác.

Tuy nhiên qua kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển; phân định xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao, Hội đồng Dân tộc nhận thấy, các tiêu chí chính để xác định miền núi, vùng cao mới chỉ căn cứ yếu tố độ cao so với mặt nước biển và tiêu chí số đơn vị hành chính để xác định là tỉnh, huyện, xã là vùng cao. Một số tiêu chí, yếu tố đặc thù về địa hình, địa chất, thổ nhưỡng, khí hậu có tác động thường xuyên tới sản xuất và đời sống của cư dân chưa được thể hiện.

Bà con người Mông ở bản Chiềng Ly, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La giúp nhau dựng nhà mới (Nguồn ảnh: Internet)

Việc phân định miền núi, vùng cao trên thực tế vừa qua chưa phản ánh đúng tính chất, tương quan giữa các địa phương, các vùng, tạo nên sự chênh lệch đáng kể trong kết quả xếp loại. Nhiều nơi, địa bàn trung du, đồi thấp cũng được xếp loại vùng miền núi hay vùng núi một số tỉnh đồng bằng có tính khác biệt với miền núi, vùng cao. Điều này dẫn đến áp dụng các chính sách thiếu sự đồng bộ, thiếu sự tập trung ưu tiên và phân tán nguồn lực.

Đáng lưu ý, 21 năm từ ngày thực hiện phân định vùng dân tộc thiểu số miền núi theo trình độ phát triển cũng bộc lộ những bất cập (từ năm 1996), kết quả phân định các xã đặc biệt khó khăn hầu như không thay đổi. Điều này cho thấy hạn chế về hiệu quả đầu tư và kết quả thực hiện các mục tiêu của hệ thống chính sách trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.

Thời gian biến động, tiêu chí phân định không động và chưa chính xác ở một số địa phương dẫn đến sự chênh lệch đáng kể trong xếp loại giữa các vùng, thiếu trọng tâm, trọng điểm, dẫn đến việc hoạch định, tổ chức thực hiện chính sách trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số đạt hiệu quả chưa cao, vừa thiếu, vừa chồng chéo, khó quản lý, khó thực hiện. Đôi khi, dẫn đến sự thiếu bình đẳng về đầu tư, chính sách an sinh xã hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành nhấn mạnh.

Sát thực tiễn

Từ thực tế trên, nhiều đại biểu nhất trí sửa đổi Bộ tiêu chí phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển; phân định xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao là cần thiết. Quan điểm của Hội đồng Dân tộc cho rằng, nên thực hiện Đề tài cấp Nhà nước về Bộ tiêu chí, để hoạch định chính sách, pháp luật cho đồng bào dân tộc miền núi, vùng khó khăn một cách thống nhất, bảo đảm khách quan, công bằng. ĐBQH Nguyễn Vân Chi (Nghệ An) lưu ý, nếu thực hiện Đề tài cấp Nhà nước thì góc nhìn Đề tài phải gắn với toàn bộ chính sách kinh tế, tài chính; có cái nhìn dài hạn về sự phát triển KT - XH ở miền núi, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Đánh giá được đặc thù của từng khu vực, tính hiệu quả của chính sách, chính sách đầu tư có lãng phí không? Đề tài này cũng cần có sự tham gia của các bộ, ngành và Hội đồng Dân tộc.

Theo ĐBQH Đinh Duy Vượt (Gia Lai), xác định tiêu chí phân định là vấn đề khó, cần có tổng kết, đánh giá kết quả phân định, tiêu chí nào phù hợp, tiêu chí nào chưa phù hợp. Trong đó, tiêu chí nghèo đa chiều phải đặt lên hàng đầu, ĐB Đinh Duy Vượt nhấn mạnh. Tuy nhiên, một số tiêu chí trong nghèo đa chiều cũng phải xem xét tính phù hợp với thực tế vùng, miền. Đơn cử, yêu cầu phải có trung tâm văn hóa, thể thao là không hợp lý. Có trường hợp, cả năm không sử dụng đến trung tâm văn hóa, thể thao, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa. Tiêu chí trường chuẩn quốc gia cũng khó đạt, ở các thị trấn, thị xã việc đạt chuẩn trường quốc gia còn khó, huống chi là ở các xã vùng sâu, vùng xa?

Cùng quan điểm, ĐBQH Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) cho biết thêm, nếu chỉ lấy tiêu chí cao hơn so với mặt nước biển để xác định vùng cao dễ dẫn đến thực tế, có xã rất thuận lợi trong phát triển, thuận tiện giao thông vẫn là xã vùng cao, vẫn được ưu tiên về phân bổ ngân sách. Như vậy là chưa hợp lý. Quan trọng hơn, tùy từng địa phương mà có chính sách đặc thù, như ở một xã tại Nghệ An, xã vùng trũng, nếu năm nào gặp lũ lụt, xã sẽ “nghèo toàn bộ”. Nhưng nếu thoát lũ, ổn định sản xuất, xã này không nằm trong diện xã đặc biệt khó khăn nữa. Từ thực tế này, ĐB Phương Thị Thanh đề nghị, các bộ, ngành phải cùng rà soát lại bộ tiêu chí, tiêu chí phải sát thực tiễn, có tính đến yếu tố kinh tế, địa lý và phong tục tập quán.

Ở một góc độ khác, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, Ủy ban Dân tộc nên xem xét, kiến nghị xây dựng luật về chính sách đặc thù đối với đồng bào dân tộc thiểu số và những vùng đặc biệt khó khăn. Bởi lẽ, dù tích hợp chính sách hay thực hiện chính sách dựa theo kết quả phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển; phân định xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao thì các chính sách vẫn lổn nhổn và không căn cơ. Nguyên nhân là bởi, mỗi bộ, ngành có một cách nhìn khác nhau, tính thống nhất không cao, sẽ khó bảo đảm quyền lợi cho đồng bào.

Ghi nhận các ý kiến đóng góp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho biết, sau Hội nghị, Hội đồng Dân tộc sẽ tiến hành rà soát lại chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Các bộ, ngành cần tiếp tục thực hiện các chính sách ưu tiên đối với vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện nghiên cứu xây dựng lại bộ tiêu chí phân loại địa bàn, vùng, dân tộc thiểu số, là cơ sở hoạch định chính sách phù hợp với đặc điểm, đặc thù vùng miền. Xem xét việc ban hành Luật về lĩnh vực dân tộc, tạo sự thống nhất trong triển khai thực hiện./.

Theo DBND