Y học gia đình: Tăng cường năng lực y tế cơ sở, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân

20/12/2017 04:15 PM


Ngày 19/12/2017, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Hội Bác sỹ gia đình Việt Nam tổ chức Hội nghị nâng cao năng lực và chất lượng cung ứng dịch vụ y tế tuyến xã dựa vào y học gia đình, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết hiện nay mô hình bệnh tật ở Việt Nam đã thay đổi với gánh nặng kép, vừa phải phòng chống bệnh truyền nhiễm, vừa phải đối phó với bệnh không lây nhiễm và tình trạng già hóa dân số gia tăng. Điều đó đòi hỏi những thay đổi từ hệ thống y tế. Trong đó tăng cường năng lực cho y tế cơ sở là giải pháp quan trọng để chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân. Đây cũng được coi là phương án tiết kiệm chi phí và bền vững nhất. Y tế tuyến huyện, tuyến xã là “người gác cổng của hệ thống y tế” và là nơi 70% số bệnh nhân mắc bệnh mạn tính cần được quản lý, điều trị.

Định hướng của y tế Việt Nam trong thời gian tới là phát triển hệ thống y tế bền vững theo hướng công bằng - hiệu quả - phát triển - chất lượng, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Bên cạnh phát triển y tế chuyên sâu, kỹ thuật cao, hiện đại thì cần phát triển y tế cơ sở để mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản, có chất lượng ngay tại nơi sinh sống. Để góp phần đạt được mục tiêu đó, cần đầu tư phát triển ngành y tế theo hướng tăng chi tiêu công cho y tế, giảm tỷ lệ chi trực tiếp từ hộ gia đình cho y tế; phát triển BHYT toàn dân, mở rộng dịch vụ y tế tuyến cơ sở.

Theo Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn, thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân là mục tiêu của hầu hết các nước, là thước đo để đánh giá tính công bằng, hiệu quả của tài chính y tế và hệ thống y tế. Việt Nam đang nỗ lực theo đuổi mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân - đây chính là sự bảo đảm để mọi người dân đều có thể sử dụng các dịch vụ để nâng cao sức khỏe, dự phòng, điều trị, phục hồi chức năng và chăm sóc giảm nhẹ có chất lượng và hiệu quả; đồng thời bảo đảm việc sử dụng các dịch vụ này không gặp phải khó khăn tài chính.

Mục tiêu của bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân là công bằng trong tiếp cận DVYT, đảm bảo các DVYT cơ bản, toàn diện và bảo vệ người sử dụng trước rủi ro tài chính, và điều này chỉ thực hiện được nếu có BHYT toàn dân...

Theo Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn, hiện nay, Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, thách thức trong việc thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân như: Mô hình bệnh tật thay đổi với gánh nặng bệnh tật kép, đòi hỏi những thay đổi từ hệ thống y tế; một số chỉ định thuốc, DVYT quá mức cần thiết; sự chênh lệch về tiếp cận và sử dụng DVYT giữa các nhóm dân cư, giữa các vùng miền có xu hướng tăng lên; năng lực cung ứng DVYT còn yếu, nhất là tại tuyến y tế cơ sở, làm hạn chế mức độ thụ hưởng quyền lợi của người có BHYT, gia tăng chi phí cho bệnh nhân.

Với ngành y tế, hai vấn đề y tế cần giải quyết hiện nay chính là: Tình trạng quá tải trầm trọng tại một số cơ sở y tế; nhân lực ngành y tế quá thiếu khi chỉ có gần 7,5 bác sĩ/vạn dân, trong khi nhiều nước trong khu vực là 15- 20 và các nước phát triển có đến 30 bác sĩ/vạn dân. Nhiều chuyên gia y tế đều đồng nhất quan điểm cho rằng, khẩn trương vận hành hệ thống y học gia đình theo định hướng thị trường, sẽ giúp tháo gỡ được hai vấn đề nan giải trên của ngành y tế.

Ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý KCB (Bộ Y tế) cho biết, trong giai đoạn 2013-2017, Bộ Y tế đã triển khai Đề án xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình, trong đó thực hiện thí điểm tại 8 tỉnh, thành phố là: Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Thừa thiên Huế, Khánh Hòa, TP.HCM, Cần Thơ và Tiền Giang. Sau một thời gian thực hiện, 8 tỉnh, thành phố đã thành lập được 350 cơ sở KCB bằng bằng y học gia đình. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều khó khăn khi thực hiện mô hình này như: Tại các phòng khám hầu hết chỉ có trang thiết bị phục vụ KCB thông thường (ống nghe, nhiệt kế, đèn pin, búa phản xạ...); số thuốc còn hạn chế, đặc biệt tại trạm y tế thiếu số lượng và chủng loại thuốc theo danh mục, thậm chí không đủ để KCB thông thường.

Ngoài ra, cũng theo ông Lương Ngọc Khuê, hiện nguồn nhân lực có chuyên môn y học gia đình còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu. Đồng thời, chưa xây dựng được quy chế phối hợp, chuyển tuyến và trao đổi thông tin phù hợp giữa các phòng khám bác sĩ gia đình với hệ thống KCB trong quá trình quản lý bệnh nhân...

Để phát triển mô hình bác sĩ gia đình, hướng tới mục tiêu đến năm 2020 có khoảng 80% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai mô hình này trên phạm vi toàn tỉnh, đại diện các Sở Y tế đã kiến nghị Bộ Y tế cần sớm ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 15/NĐ-CP của Chính phủ về y tế; đồng thời cần đồng bộ chính sách thông tuyến KCB BHYT. Bên cạnh đó, Bộ Y tế nên quy định rõ ai, cơ quan nào chi trả cho hoạt động y tế dự phòng, việc chi trả KCB BHYT như thế nào?...

Hiện có khoảng 84% dân số nước ta đã tham gia BHYT. Trong số hơn 17.000 dịch vụ y tế được BHYT chi trả, có gần 200 kỹ thuật cao, chi phí lớn như: Ghép tạng, can thiệp tim mạch... Danh mục thuốc cũng được mở rộng với hơn 1.000 thuốc tân dược và 19 loại thuốc điều trị ung thư. Tuy nhiên, khả năng cung ứng dịch vụ của các cơ sở khám chữa bệnh, nhất là tuyến y tế cơ sở còn hạn chế. Việc phát hiện, sàng lọc, quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm (bệnh mạn tính) chưa tốt và chưa được bao phủ rộng khắp. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến 2,4% số gia đình phải chi phí y tế ở mức thảm hoạt và tỷ lệ chi tiền túi của hộ gia đình cho khám chữa bệnh vẫn ở mức cao, hơn 40%, cao hơn mức 30% mà Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo.

PV