Gia Lai: Nhiều kết quả sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW

18/12/2017 04:43 PM


Sáng ngày 14/12/2017, tại tỉnh Gia Lai, UBND tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020” trên địa bàn và triển khai nhiệm vụ năm 2018. Bà Huỳnh Nữ Thu Hà - Ủy viên BTVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện BHXH, BHYT tỉnh chủ trì Hội nghị.

Bà Huỳnh Nữ Thu Hà - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện BHXH, BHYT tỉnh phát biểu tại Hội nghị.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhận thức của các cấp, các ngành về trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT được nâng lên; đa số người sử dụng lao động đã hiểu đầy đủ hơn về trách nhiệm trong việc tuân thủ pháp luật về BHXH, BHYT; nhận thức của nhân dân, người lao động, học sinh, sinh viên về quyền và trách nhiệm tham gia BHXH, BHYT đã thay đổi căn bản; số thu BHXH, BHYT năm sau cao hơn năm trước, các cơ sở khám, chữa bệnh từng bước nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng yêu cầu bệnh nhân.

Xác định việc triển khai Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020 có ý nghĩa rất quan trọng, gắn trách nhiệm và sự thống nhất của các cấp ủy đảng trong lãnh đạo thực hiện công tác BHXH, BHYT, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn, BHXH tỉnh Gia Lai đã tham mưu với Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 55-CTr/TU ngày 07/6/2013 thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị. UBND tỉnh ban hành Quyết định số 412/QĐ-UBND về việc thành lập Ban chỉ đạo thực hiện BHXH, BHYT, BHTN tỉnh Gia Lai do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực văn hóa xã hội làm Trưởng ban; Quyết định ban hành Kế hoạch số 448/KH-UBND ngày 09/8/2013 về việc thực hiện Chương trình 55-CTr/TU của Tỉnh ủy xây dựng mục tiêu cụ thể đến năm 2020 phát triển 15% LLLĐ tham gia BHXH; 11% LLLĐ tham gia BHTN, 90% dân số tham gia BHYT.  UBND tỉnh ban hành Quyết định số 565/QĐ-UBND ngày 26/8/2016 triển khai Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016 - 2020; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1134/KH-UBND ngày 24/3/2017 triển khai trên cơ sở Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 26/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH. Đối với nguồn kinh phí KCB kết dư hàng năm, BHXH tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan báo cáo UBND tỉnh trình HĐND thông qua mức hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT hàng năm cho các đối tượng yếu thế xã hội được ngân sách hỗ trợ mức đóng hàng năm.

Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW, công tác BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả khả quan về số người tham gia, số thu và số lượng người được thụ hưởng: Số người tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện tiếp tục tăng đáng kể (BHXH tăng 102,57%; BHYT tăng 132,60%; BH thất nghiệp tăng 106,29% so với năm 2012). Đến nay, số người tham gia BHXH là: 79.900 người;  chiếm 9,12% lực lượng lao động; số người tham gia BH thất nghiệp là: 66.000 người; chiếm 7,53% LLLĐ. Số người tham gia BHYT là: 1.266.972 người, độ bao phủ BHYT chiếm 88% dân số tham gia. số thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp qua các năm luôn đạt và vượt kế hoạch BHXH Việt Nam giao, số thu năm sau cao hơn năm trước. Tổng số tiền thu qua 5 năm đạt trên 9.846 tỷ đồng.

Cùng với việc mở rộng đối tượng, tăng nhanh số người tham gia, BHXH tỉnh còn phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ quan thông tin đại chúng trong và ngoài tỉnh tổ chức tốt công tác tuyên truyền các chính BHXH, BHYT; chuyển đổi tư duy phục vụ tốt người tham gia và thụ hưởng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, tích cực chủ động trong mọi công việc; nâng cao chất lượng dịch vụ thông qua đổi mới phương thức hoạt động của cả hệ thống; thực hiện việc công khai, minh bạch trong các hoạt động và đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hành chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư hiện đại, tăng cường thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT; kết nối liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh BHYT…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong chặng đường 5 năm thực hiện Nghị quyết 21, vẫn còn có một số khó khăn, hạn chế cần khắc phục, đó là: Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa quan tâm chỉ đạo việc phổ biến sâu rộng các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT, có nơi mang tính hình thức, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị liên quan trong triển khai thực hiện; Tỷ lệ người tham gia BHYT chưa ổn định, bền vững còn phụ thuộc vào nguồn hỗ trợ ngân sách. Kết quả phát triển đối tượng tham gia BHXH còn thấp, chưa đạt chỉ tiêu. Tình trạng không đóng, chậm đóng, nợ đọng BHXH, BHYT vẫn còn xảy ra, thời gian nợ đọng kéo dài làm ảnh hưởng đến chế độ và quyền lợi của người lao động; chất lượng khám, chữa bệnh BHYT tuy đã được tăng lên đáng kể song chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân nhất là tuyến cơ sở; Công tác tuyên truyền vận động người DTTS sinh sống vùng 1 tham gia BHYT còn hạn chế.

Bà Huỳnh Nữ Thu Hà - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện BHXH, BHYT tỉnh

tặng Bằng khen của UBND tỉnh cho 29 tập thể và 18 cá nhân.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Bà Huỳnh Nữ Thu Hà - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện BHXH, BHYT tỉnh nhấn mạnh: Để hoàn thành mục tiêu mà Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 55 của Tỉnh ủy Gia Lai cũng như Kế hoạch của UBND tỉnh đề ra cần phải có những giải pháp cụ thể và có những bước đi thích hợp, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các ban ngành, mặt trận, đoàn thể các cấp cùng với sự huy động các doanh nghiệp, của cộng đồng trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT. Các cấp, các ngành phải xem việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong thực hiện chính sách an sinh xã hội trên địa bàn. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chính sách pháp luật về BHXH, BHYT; cần đổi mới phương pháp hình thức tuyên truyền, vận động một cách thiết thực, hiệu quả hơn để người dân hiểu được những lợi ích và tin tưởng khi tham gia BHXH, BHYT, coi đây là giải pháp quan trọng và cơ bản nhất để đưa chính sách BHXH, BHYT đến với người dân. Các sở ngành là thành viên Ban chỉ đạo tỉnh phụ trách các địa bàn tiếp tục phối hợp, hướng dẫn các địa phương tập trung thực hiện chỉ tiêu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp có kế hoạch, giải pháp, biện pháp khai thác, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, đảm bảo đạt và vượt chỉ tiêu của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã đề ra. Hàng năm phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu về phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN  và giảm tỷ lệ nợ dưới mức quy định. Các cơ quan chuyên môn: Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Y tế, Tài chính, Ban Dân tộc, BHXH tỉnh cần phối hợp chặt chẽ để tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong việc chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn. Nhất là các giải pháp huy động kinh phí hỗ trợ phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT từ nay đến năm 2020 theo chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao. Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở KCB tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ KCB BHYT, đảm bảo chất lượng dịch vụ KCB BHYT ngay tại tuyến y tế cơ sở, coi đây là giải pháp quan trọng để phát triển BHYT. Đẩy mạnh cải cách TTHC, tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, ngăn ngừa hiện tượng lạm dụng hoặc trục lợi từ quỹ BHXH, BHYT; đẩy mạnh và phát triển công nghệ thông tin, ứng dụng sâu rộng trong quản lý thu và chi trả chi phí KCB BHYT.

Tại Hội nghị đã có 29 tập thể và 18 cá nhân đã được tặng Bằng khen của UBND tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh Gia Lai từ năm 2012-2017./.

Văn Hùng