Bắc Kạn nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp

27/10/2017 02:53 PM


Năm 2017, BHXH tỉnh Bắc Kạn được giao kế hoạch thu 544.460 triệu đồng tiền đóng BHXH, BHYT và BH thất nghiệp. Đến hết quý III, số thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đạt trên 419 tỷ đồng, bằng 77% kế hoạch BHXH Việt Nam giao, tăng hơn 50 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, các doanh nghiệp có số nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp từ 50 triệu đồng trở lên vẫn còn nhiều (44 đơn vị với tổng số nợ trên 11 tỷ đồng). Cá biệt có đơn vị thời gian nợ kéo dài trên 70 tháng.

Tăng cường đối thoại chính sách BHXH, BHYT với doanh nghiệp và người lao động

Điển hình một số doanh nghiệp có số nợ lớn, thời gian kéo dài như: Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Mê Linh (hơn 203 triệu đồng, thời gian nợ kéo dài 70 tháng); Doanh nghiệp tư nhân Bình Minh (gần 227 triệu đồng, thời gian nợ kéo dài 55 tháng); Doanh nghiệp tư nhân Tiến Trần (thời gian nợ kéo dài 46 tháng với số tiền trên 150 triệu đồng); Doanh Nghiệp tư nhân Minh Sơn (thời gian nợ kéo dài 45 tháng với số tiền nợ trên 128 triệu đồng); Công ty Cổ phần sản xuất vật liệu xây dựng Bắc Kạn (trên 245 triệu đồng, thời gian nợ kéo dài 40 tháng); Công ty Cổ phần SAHABAK (nợ kéo dài 22 tháng với số tiền gần 2,2 tỷ đồng); Công ty Cổ phần sản xuất và chế tạo ô tô TRACIMEXCO (trên 585 triệu đồng, thời gian nợ kéo dài 21 tháng);…

Theo ông Nguyễn Quốc Doanh - Phó Giám đốc BHXH tỉnh: Trong 9 tháng đầu năm 2017, BHXH tỉnh Bắc Kạn đã bám sát các chỉ tiêu kế hoạch BHXH Việt Nam giao để tập trung chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, BHXH các huyện, thành phố căn cứ Luật BHXH, Luật BHYT hiện hành và các văn bản của Chính phủ, các Bộ ngành, hướng dẫn của BHXH Việt Nam để xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện kịp thời, sát với tình hình thực tế tại các địa phương. Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ngành, các cấp về thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Chủ động đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị thực hiện tốt công tác thu; tích cực khai thác phát triển mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT; chủ động phối hợp với các Sở, ban, ngành tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tại các doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đối thoại với chủ doanh nghiệp và người lao động về chính sách BHXH, BHYT… Tuy nhiên, đến nay tình trạng các doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp còn nhiều và kéo dài, tỷ lệ nợ còn ở mức cao (4,81%).

Để sớm hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao, từ nay đến hết ngày 31/12/2017, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc cần bám sát chương trình kế hoạch năm 2017 của ngành. Thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, trong đó xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BH thất nghiệp để người lao động và chủ doanh nghiệp hiểu rõ hơn về quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của mình. Đồng thời, tăng cường hoạt động của Tổ công tác liên ngành thu nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của tỉnh và tổ thu nợ thuộc BHXH các huyện, thành phố. Chủ động thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng BHXH tại các doanh nghiệp theo kế hoạch, phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh) triển khai kế hoạch thanh tra liên ngành, đôn đốc thu nợ tại các doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp kéo dài; phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu trong việc khởi kiện ra tòa án đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Phấn đấu giảm tỷ lệ nợ đọng xuống dưới mức BHXH Việt Nam giao (1,99%) năm 2017./.

Song Toàn