Sẽ tổng kết đánh giá công tác lãnh đạo của Đảng với dạy nghề cho lao động nông thôn

27/10/2017 10:41 AM


Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 5/11/2012 về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) của Ban Bí thư (khóa XI) và 8 năm thực hiện Đề án đào tạo nghề cho LĐNT cần đánh giá lại những việc làm được, chưa làm được, những vấn đề mới phát sinh trong thực tế để có phương hướng điều chính trong thời gian tới cho phù hợp.

Đào tạo nghề cho LĐNT là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao chất lượng nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn.

Đó là nội dung chính sẽ được triển khai sau cuộc họp giữa Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân với Ban Tuyên giáo Trung ương và một số bộ ngành liên quan vừa được tổ chức tại Hà Nội. 

Được biết, đào tạo nghề cho LĐNT là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao chất lượng nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Nghị quyết số 24/NQ-CP ngày 28/10/2008 Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26 và được cụ thể hóa bằng Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020”.

Theo báo cáo, mục đích của Đề án sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị 19 là đánh giá toàn diện thực trạng việc chỉ đạo thực hiện và đề xuất phương hướng trong thời gian tới để đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo đào tạo nghề cho lao động, đây là trách nhiệm của Ban Cán sự Đảng Bộ LĐ-TB&XH trong việc chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện Chỉ thị trong 5 năm nhưng đồng thời cũng là cơ hội đề Ban Cán sự Đảng đánh giá, báo cáo và đề xuất với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bí thư về những chủ trương, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp để đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp nói chung và đào tạo nghề cho LĐNT nói riêng.

Đạo đào tạo nghề cho LĐNT là một nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện thành công đột phá chiến lược về phát triển nhanh nguồn nhân lực.

Việc đánh giá 5 năm thực hiện phải toát lên được 03 nội dung cơ bản gồm: Huy động sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc chỉ đạo, tổ chức đào tạo nghề cho LĐNT; Đào tạo nghề cho LĐNT phải gắn với việc sử dụng, việc hỗ trợ NLĐ sau đào tạo (giải quyết việc làm, tuyển dụng vào DN, hỗ trợ về vốn, phương tiện sản xuât, bao tiêu sản phẩm. . .); Rà soát về cơ chế chính sách nhằm đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất.

Đồng thời, làm rõ được việc lãnh đạo, chỉ đạo đào tạo nghề cho LĐNT là một nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện thành công đột phá chiến lược về phát triển nhanh nguồn nhân lực của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020.

Cụ thể, thể hiện ở việc: Đào tạo nghề cho LĐNT chiếm khoảng 70% lực lượng lao động qua đào tạo đến năm 2020 và được thực hiện ở cả 03 cấp của giáo dục nghề nghiệp (cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng).

Đối tượng là lao động ở cấp xã và lao động trực tiếp làm nông nghiệp, lao động chuyển đổi nghề nghiệp từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ. Việc đào tạo, chuyển đổi cơ cấu lao động trong nông nghiệp là chủ trương của Đảng từ Nghị quyết 26 của Trung ương Đảng và Nghị quyết 24 của Chính phủ. Trên cơ sở đó đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong thời gian tới.

Được biết, dự kiến Kế hoạch khảo sát 5 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW và 8 năm thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho LĐNT sẽ được triển khai tại một số tỉnh, thành được Ban Chỉ đạo Trung ương lựa chọn (Tây Ninh, Bình Dương, Quảng Trị, Quảng Bình, Bắc Ninh, Lạng Sơn). Thời gian tiến hành khảo sát từ 15/10/2017 đến 15/11/2017. 

Theo dansinh.vn