Cơ hội tốt để thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng

26/10/2017 01:59 PM


QH cần ghi nhận nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân. Trong điều kiện có nhiều khó khăn, 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng không bằng so với cùng kỳ năm trước nhưng kết quả 9 tháng lại cho thấy khả năng đạt 13/13 chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, trong đó, mức tăng trưởng quý III đạt tới 7,46% - đó là điều rất đáng mừng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp tổ về tình hình KT – XH (Ảnh: Quang Sáng).

Một kết quả rất đáng ghi nhận khác, đó là trong bối cảnh khó khăn như vậy, thu ngân sách nhà nước năm nay ước thực hiện vượt dự toán khoảng 27,3 nghìn tỷ đồng (2,3%), bội chi ước khoảng 3,5% GDP. Đây là năm đầu tiên trong 10 năm trở lại đây bội chi giữ được ở mức 3,5%. Bên cạnh đó, những kết quả đã đạt được trong lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng cho thấy sự tiến bộ, mặc dù ngân sách khó khăn nhưng chúng ta luôn dành nguồn lực hợp lý để bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, chế độ, chính sách đối với người có công, người nghèo, nhất là khi thiên tai, bão, lũ, lụt xảy ra. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí cũng đã đạt được những kết quả tích cực.

Tăng trưởng quý III tăng ấn tượng như vậy phải có một số yếu tố đột biến. Số liệu thống kê cho thấy yếu tố đột biến đó đến từ khu vực doanh nghiệp FDI. Chúng ta không phân biệt doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước, các thành phần kinh tế đều quan trọng đối với nền kinh tế. Nhưng cần phải phân tích, đánh giá kỹ để biết nội tại nền kinh tế đang khỏe chỗ nào, chỗ nào chưa khỏe và chỗ nào thật sự yếu. Có nhiều điểm trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã phân tích khá rõ, nhưng cũng còn những điểm cần phải nhấn mạnh, phân tích và làm rõ hơn để tạo sự đồng thuận và tin tưởng của xã hội vào những kết quả đã đạt được.

Năm nay, phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công quá chậm, chắc chắn tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế. Đây là những vấn đề mà tại các kỳ họp trong những năm gần đây, ĐBQH đã nêu lên nhưng vẫn chưa khắc phục được. Luật Đầu tư công là bước chuyển quan trọng, hoàn thiện cơ bản các quy định về đầu tư công, hạn chế được tình trạng đầu tư dàn trải, chấm dứt tình trạng các dự án được triển khai nhưng không rõ nguồn vốn ở đâu. Tuy nhiên, do lúng túng trong thực hiện và khâu hướng dẫn thi hành luật chưa tốt nên ảnh hưởng đến tiến độ phân bổ và giải ngân vốn. Vừa qua, QH đã phối hợp với Chính phủ để tìm nguyên nhân nào do quy định pháp luật, nguyên nhân nào do hướng dẫn thi hành hoặc thực hiện để có giải pháp phù hợp.

Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng, nhưng chủ yếu ở khu vực FDI, trong khi doanh nghiệp trong nước còn yếu. Đáng chú ý là, trong nhóm ngành nghề chế biến, chế tạo thì ngoài ngành điện tử, ngành sản xuất kim loại có cải thiện rõ rệt thì các ngành khác đều tăng thấp hoặc giảm cho thấy tăng trưởng ấn tượng của ngành chế biến, chế tạo chủ yếu cũng nhờ vào một số sản phẩm nhất định, không phải tổng thể của nền kinh tế.

Sản lượng khai thác dầu thô có giảm so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tôi cho đây là yếu tố tích cực, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước ta, nhất là trong bối cảnh giá dầu không cao như hiện nay. Chúng ta không nhất định phải tăng khai thác tài nguyên, khoáng sản trong khi giá thấp để cân đối ngân sách và hỗ trợ tăng trưởng, mà phải tính đến hiệu quả kinh tế bền vững của việc khai thác dầu thô. Đây cũng là cơ hội rất tốt để chúng ta quyết tâm thúc đẩy quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, giảm dần sự phụ thuộc vào ngành công nghiệp khai khoáng.

Dịch vụ tăng khá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng khoảng 10% so với năm 2016 và cao hơn kế hoạch đề ra. Nổi bật là hoạt động du lịch cho thấy sự tăng trưởng rất tốt, 9 tháng đầu năm đạt gần 9,5 triệu khách, ước cả năm đạt 13 triệu lượt khách tăng khoảng 30% so với năm 2016. Chắc chắn, phần tăng ấn tượng từ khu vực dịch vụ có tác động hết sức tích cực đến tăng trưởng kinh tế 9 tháng. Tuy nhiên, tốc độ tăng của ngành bán buôn, bán lẻ cần phân tích rõ hơn để có sức thuyết phục. Chúng ta thấy tăng trưởng tiêu thụ và phân phối điện 9 tháng đầu năm chỉ tăng 8,9%, tức là thấp hơn so với mức tăng 12,1% của cùng kỳ năm trước. Tín dụng 9 tháng đầu năm tăng 11,02%, không cao hơn nhiều so với năm trước. Thêm vào đó, ước thực hiện thu ngân sách cả năm từ khu vực doanh nghiệp gồm cả doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp ngoài quốc doanh dù tăng so với thực hiện năm 2016 nhưng đều không đạt dự toán cho thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng còn khó khăn, thu từ nội tại nền kinh tế chưa bền vững và thiếu tính ổn định.

Diễn biến kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm là tích cực và đáng ghi nhận, tuy nhiên, để đạt được tăng trưởng cả năm 6,7% thì ngay trong quý này phải đạt mức tăng trưởng khoảng 7,3%. Vì vậy, không được chủ quan cho rằng, 9 tháng đã đạt 6,41% thì đến cuối năm chắc chắn sẽ đạt 6,7%. Nếu đặt mục tiêu còn mấy tháng cuối năm mà tăng trưởng tín dụng lên tới 18 - 20% thì cân nhắc xem nền kinh tế có hấp thụ được không, nếu hấp thụ được thì cũng phải chỉ rõ hấp thụ vào đâu, Chính phủ phải kiểm soát chặt chẽ dòng tiền tín dụng đi đúng địa chỉ để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.

Cũng cần lưu ý, các tổ chức, định chế tài chính quốc tế vẫn dự báo tăng trưởng kinh tế của nước ta năm 2017 thấp hơn một chút (6,3 - 6,5%) so với con số chúng ta ước tính. Nhưng các tổ chức này vẫn nâng hạng cạnh tranh cho nền kinh tế của nước ta, cho rằng, hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng cao hơn trong năm 2017 và những năm tiếp theo. Tôi cho rằng không nên quá nặng về con số tăng trưởng là bao nhiêu. Quan trọng nhất vẫn là chất lượng tăng trưởng của chúng ta như thế nào.

Theo ĐBND