Xây dựng Đề án đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Phú Quốc

21/04/2017 12:00 AM


Chiều 8/4, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình và Đoàn công tác đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Kiên Giang về Đề án xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc.

 thBinh 100417 01.JPG
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Lê Sơn


Báo cáo với Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ và Đoàn công tác, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng cho biết: Đề án xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc là kết quả của một quá trình chỉ đạo và thực hiện hơn 8 năm qua của Bộ Chính trị, Chính phủ, các bộ, ngành và tỉnh Kiên Giang. Mới đây nhất là Thông báo Kết luận số 21-TB/TW ngày 22/3/2017 của Bộ Chính trị về các đề án xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Trên cơ sở đó, tỉnh Kiên Giang xác định sẽ xây dựng Đề án về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc theo mô hình phát triển kinh tế hướng ngoại, độ mở cao. Nhà nước ít can thiệp vào thị trường, vận hành theo nguyên tắc thị trường là chính, có cơ chế, chính sách đột phá về kinh tế. Phát triển Phú Quốc với trụ cột chính là công nghiệp giải trí, du lịch, nghỉ dưỡng, dịch vụ tài chính-ngân hàng và kinh tế biển.

Mục tiêu là bằng các chính sách ưu đãi đặc biệt, vượt trội, đủ sức cạnh tranh quốc tế để xây dựng và phát triển Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch - dịch vụ lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á theo mô hình kinh tế mở, hướng ngoại trên cơ sở phù hợp với Hiến pháp và pháp luật.

Từ đó, mô hình tổ chức chính quyền đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc cũng được tổ chức cho phù hợp với đặc thù của Phú Quốc theo mô hình chính quyền đô thị một cấp, theo hướng tinh gọn, hiệu quả, quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, hợp nhất các cơ quan giúp việc của Huyện uỷ với các cơ quan chuyên môn của UBND huyện thành các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc; chuyển đổi các xã, thị trấn hiện nay thành tiểu khu và không tổ chức HĐND ở cấp này. Các cơ quan chuyên môn theo ngành dọc như quân sự, công an, tòa án, viện kiểm sát, hải quan, kho bạc, thuế, bảo hiểm xã hội… được tổ chức phù hợp với mô hình mới.

Về các giải pháp thực hiện, tỉnh Kiên Giang cho biết sẽ thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh do Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng Ban để chỉ đạo quyết liệt, toàn diện, hiệu quả việc xây dựng Đề án đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc. Đó là xây dựng thể chế và hành lang pháp lý, chủ động rà soát thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, trung tâm dịch vụ hành chính công; huy động các nguồn lực tài chính (khoảng gần 40 tỷ USD từ nay đến năm 2030); phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, làm chủ khoa học-công nghệ và bảo vệ môi trường; chính sách ưu đãi thuế; chính sách thu hút nguồn nhân lực; chính sách về an sinh xã hội; chính sách về bất động sản; chính sách về xuất nhập cảnh, cư trú, hoạt động của người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; bảo đảm an ninh quốc phòng, nâng cao hiệu quả đối ngoại…

Sau khi nghe ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành và tỉnh Kiên Giang, phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình nhấn mạnh: Yêu cầu đặt ra đối với việc xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc là cần xây dựng một bộ máy chính quyền hiện đại, gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả, được phân cấp mạnh về thẩm quyền trong quản lý; thiết lập các thể chế hành chính, đầu tư, thương mại theo chuẩn mực quốc tế, đủ sức cạnh tranh với các mô hình tương tự trong khu vực và trên thế giới nhằm thu hút đầu tư, thương mại quốc tế, bảo đảm trong khuôn khổ Hiến pháp, phù hợp với cam kết quốc tế và điều kiện thực tế của Việt Nam; các thể chế, chính sách này phải bảo đảm tính nhất quán, ổn định và lâu dài...

Trong dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, phải tính đến đặc thù của từng đơn vị trong đó có Phú Quốc; các nội dung cơ chế, chính sách ưu đãi về kinh tế-xã hội phải được quy định trong luật và bảo đảm tính vượt trội, đủ sức cạnh tranh với khu vực và quốc tế. Về nguyên tắc, việc xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt có ranh giới địa lý xác định nên có thể mạnh dạn cho phép thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù, mới, có tính đột phá về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh.
 

thBinh 100417 02.JPG 
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: VGP/Lê Sơn


Theo Phó Thủ tướng Thường trực, phát triển đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt thì phải có cơ chế đặc biệt và chính sách để tạo ra tính đặc biệt của đơn vị này.

Muốn vậy, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình lưu ý huyện đảo cần tiếp tục phát triển mạnh về hạ tầng, đào tạo và thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao, cải cách hành chính thông thoáng. Cụ thể như cơ chế thu hút nhân tài phải đủ mạnh về lương bổng, bảo hiểm, an sinh xã hội, đặc biệt cơ chế về thuế phải thực sự ưu đãi, vượt trội, thông thoáng để thu hút nhà đầu tư chiến lược vào đầu tư tại Phú Quốc. Bên cạnh đó, xác định quy hoạch phát triển đúng tạo sự phát triển mạnh mẽ, kết hợp với sự lựa chọn ngành nghề phù hợp và xác định những lợi thế cạnh tranh với các nước xung quanh để Phú Quốc phát triển nhanh và mạnh mẽ hơn nữa.

“Chúng ta cần có đánh giá, phân tích hết sức kỹ lưỡng các đề xuất chính sách, hình thành các luận cứ khoa học, thuyết phục, có tính thực tiễn cao, làm cơ sở cho việc tiếp tục hoàn thiện Đề án xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc và xây dựng dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Phó Thủ tướng đặt vấn đề, quá trình thể chế hóa thành luật đối với đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt này cần phù hợp với Hiến pháp và pháp luật hiện hành, nhưng phải có sự vượt trội về hạ tầng, thuế quan, tín dụng, tài chính để thu hút nhà đầu tư, nguồn nhân lực chất lượng cao; thiết kế mô hình của các cơ quan tư pháp như thế nào để xử lý đúng thẩm quyền các tranh chấp kinh tế, thương mại cũng như đối với các tội phạm về công nghệ cao, sở hữu trí tuệ…

Nhiều vấn đề từ thực tiễn đặt ra đòi hỏi chúng ta cần tiếp tục có nhiều cuộc làm việc, đánh giá cụ thể, kết hợp nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài, xác định quy hoạch và thu hút nhà đầu tư chiến lược để chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng khi trình Quốc hội dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để Quốc hội xem xét, cho ý kiến, để khi Luật được thông qua sẽ thúc đẩy kinh tế các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt phát triển mạnh mẽ, phát huy được lợi thế, hiệu quả, đáp ứng đòi hỏi và kỳ vọng của nhân dân.

Chính phủ đã có Tờ trình Quốc hội đề nghị bổ sung dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt vào Chương trình xây dựng Luật năm 2017 để Quốc hội xem xét, thảo luận.

Theo VGP