Người dân Việt Nam thiệt hại 18.900 tỷ đồng vì lừa đảo trực tuyến trong năm 2024

17/12/2024 02:16 PM


Theo Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, ước tính tổng thiệt hại do lừa đảo trực tuyến trong năm 2024 lên tới 18.900 tỷ đồng. Cứ 220 người dùng smartphone, có 1 người là nạn nhân của lừa đảo.

Ba hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến

Báo cáo tổng kết An ninh mạng năm 2024 vừa được Hiệp hội An ninh mạng quốc gia – NCA công bố. Báo cáo được thực hiện căn cứ trên khảo sát online với gần 60.000 người do Ban Công nghệ của Hiệp hội triển khai từ ngày 28/11 đến ngày 14/12.

Báo cáo chỉ ra rằng, lừa đảo trực tuyến tiếp tục hoành hành, gây những hậu quả nặng nề với hàng trăm nghìn người dân Việt Nam trong năm 2024.

Theo khảo sát của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, cứ 220 người dùng thì có 1 người là nạn nhân của lừa đảo trực tuyến, tỷ lệ là 0,45%. Tổng thiệt hại do lừa đảo trực tuyến gây ra trong năm 2024 ước tính lên tới 18.900 tỷ đồng.

Thực tế cho thấy, số nạn nhân bị lừa đảo lớn nhưng số có thể lấy lại được tiền rất nhỏ. Khi bị mắc bẫy lừa đảo, mặc dù 88,98% người dùng cho biết họ đã ngay lập tức cảnh báo, trao đổi với người thân bạn bè, nhưng chỉ có 45,69% người được hỏi trả lời có báo cáo với cơ quan chức năng, đây là tỷ lệ khá thấp.

Thực tế cho thấy, số nạn nhân bị lừa đảo lớn nhưng số có thể lấy lại được tiền rất nhỏ. Ảnh minh họa: NCA

Hình thức tấn công người dùng của các đối tượng lừa đảo rất đa dạng và tinh vi. Trong đó, 3 hình thức phổ biến nhất năm 2024 gồm: Dụ dỗ người dùng tham gia các chiêu trò đầu tư giả, hứa hẹn lợi nhuận cao; giả mạo danh tính cơ quan, tổ chức; lừa thông báo trúng thưởng, khuyến mãi lớn. 

Theo khảo sát, 70,72% người dùng từng nhận được lời mời đầu tư tài chính vào các sàn giao dịch không rõ nguồn gốc nhưng cam kết không rủi ro, lợi nhuận cao; 62,08% cho biết gặp phải các cuộc gọi mạo danh cơ quan, tổ chức để thúc giục cài phần mềm hoặc đe dọa phải chuyển tiền để chứng minh trong sạch do liên quan vi phạm pháp luật; 60,01% cho biết nhận được các thông báo trúng thưởng, khuyến mãi cao nhưng thông tin rất mập mờ, bất thường.

Bên cạnh các kịch bản tinh vi, các đối tượng lừa đảo dùng nhiều công nghệ hiện đại như Deepfake để tạo video, giọng nói giả mạo nhằm xây dựng lòng tin từ nạn nhân; ứng dụng công cụ tự động để giao tiếp liên tục với nạn nhân; dùng phần mềm chuyên dụng trên máy tính để tiếp cận nhiều người cùng lúc… 

Hơn 66% người dùng từng bị sử dụng thông tin trái phép

Năm 2024, tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân tại Việt Nam tiếp tục diễn biến phức tạp. Có tới 66,24% người dùng xác nhận rằng thông tin của họ từng bị sử dụng trái phép. 

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên. Gần 74% người được khảo sát nhận định bị lộ lọt do họ cung cấp thông tin khi mua hàng trực tuyến; 62,13% người dùng đánh giá nguyên nhân tới từ chia sẻ thông tin trên mạng xã hội và 67% cho rằng họ bị lộ lọt thông tin khi dùng các dịch vụ như khách sạn, siêu thị.

Đáng chú ý, hiện vẫn còn nhiều người dùng thiếu ý thức trong bảo vệ thông tin cá nhân, sẵn sàng cung cấp cho người khác mà không cần kiểm tra lại xem thông tin của mình được dùng để làm gì. 

Các chuyên gia nhận định rằng lộ lọt dữ liệu không chỉ gây phiền toái cho người dùng mà còn tạo điều kiện cho các hành vi lừa đảo tinh vi hơn. Tin tặc thường kết hợp dữ liệu cá nhân với các công nghệ như AI để tạo ra các kịch bản lừa đảo đánh trúng tâm lý, dễ thuyết phục nạn nhân.

NCA khuyến cáo, người dùng nên hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân nhạy cảm trên mạng xã hội. Trước khi cung cấp thông tin, người dùng cần kiểm tra kỹ lưỡng các website và doanh nghiệp.

Sử dụng mật khẩu mạnh, khác biệt cho mỗi tài khoản và kích hoạt xác thực 2 yếu tố để bảo vệ các tài khoản cá nhân./.

TT CNTT