Có giải pháp quyết liệt hơn để cải thiện, nâng cao năng suất lao động
31/10/2023 04:22 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Thảo luận tại Hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 tại phiên họp chiều nay, 31.10, nhiều ĐBQH đề nghị, Chính phủ cần đánh giá toàn diện tình hình, đề xuất giải pháp cụ thể, quyết liệt hơn để cải thiện, nâng cao năng suất lao động, từng bước thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Chiều nay, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội bắt đầu phiên thảo luận ở hội trường về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2025; Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XV.
Tăng năng suất lao động năm thứ 3 liên tiếp không đạt chỉ tiêu
Đánh giá về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đa số ĐBQH cho rằng, bước vào năm 2023, vượt lên những khó khăn, thách thức, nước ta đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng. Tình hình kinh tế vĩ mô giữ được ổn định là một trong những thành tựu rất quan trọng tạo tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội; lạm phát được kiểm soát hoàn toàn, có dư địa thực hiện mục tiêu quốc gia; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, thu ngân sách nhà nước đạt khá, nhiều khả năng vượt mục tiêu đề ra. Chi ngân sách được bảo đảm, bội chi nằm trong giới hạn an toàn.
Đặc biệt, nền kinh tế nước ta nằm trong nhóm các nước đạt mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới, thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng cao, vững mạnh và đầu tư các ngành, các lĩnh vực trọng điểm, kỹ thuật công nghệ cao, sản xuất xanh, kinh tế số, đối ngoại tiếp tục có những kết quả tốt. Qua đó, đã nâng cao vị thế, uy tín, mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần giữ gìn nền hòa bình, an ninh trong khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, theo ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn), năm 2023 vẫn có đến 5/15 chỉ tiêu Quốc hội giao chưa đạt. Đặc biệt là chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội ước đạt 3,77 - 4,76% (chỉ tiêu QH giao là 5 - 6%) và là năm thứ 3 liên tiếp không đạt chỉ tiêu này. Điều đáng lo ngại là tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đang có xu hướng giảm. Cụ thể giai đoạn 3 năm 2021 - 2023 chỉ đạt 4,36 - 4,69%, thấp hơn mức bình quân 6,26% của 3 năm 2016 - 2018.
Dẫn chứng theo các chuyên gia kinh tế, năng suất lao động của Việt Nam năm 2020 đạt 24.000 USD, rất thấp so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, ĐBQH Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) cho rằng, điều này phản ánh kinh tế nước ta đang phải đối mặt với thách thức rất lớn để có thể bắt kịp năng suất lao động của các nước trong khu vực.
Việc cải thiện và thúc đẩy tăng năng suất lao động là vấn đề cốt lõi của nền kinh tế; là con đường ngắn nhất để đưa nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, bắt kịp trình độ phát triển tiên tiến của các nước. Nhấn mạnh điều này, đại biểu Huỳnh Thanh Phương đề nghị, Chính phủ cần đánh giá toàn diện tình hình và có đề xuất giải pháp cụ thể, quyết liệt hơn để cải thiện, nâng cao năng suất lao động, từng bước thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực.
Cần xây dựng nền kinh tế tự chủ, có khả năng thích ứng tốt
Nhiều ý kiến tán thành với một số giải pháp trong năm 2024 của Chính phủ đề ra song đại biểu Phạm Trọng Nghĩa còn băn khoăn khi một số chỉ tiêu về kinh tế đạt yêu cầu theo Nghị quyết số 16/2021/QH15 ngày 27.7.2021 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) là hết sức khó khăn. Vì vậy, Chính phủ tăng cường dự báo, đánh giá kỹ tính khả thi để trình Quốc hội điều chỉnh cho phù hợp, đề nghị có giải pháp cụ thể cho từng chỉ tiêu và cho từng năm từ nay đến hết năm 2025.
Bên cạnh đó, với xu hướng hội nhập sâu và rộng, tham gia ngày càng nhiều hơn vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Chính phủ cần đánh giá cụ thể tác động của độ mở nền kinh tế đến nước ta ra sao? Độ mở bao nhiêu là phù hợp với nước ta? Nhu cầu và cơ chế kiểm soát độ mở của nền kinh tế nước ta thế nào? Từ đó, có giải pháp để xây dựng nền kinh tế tự chủ hơn, có khả năng thích ứng tốt hơn theo quan điểm phát huy nội lực là yếu tố quyết định gắn với ngoại lực và sức mạnh thời đại như xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021 - 2030 của Đảng.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển kinh - tế xã hội những tháng cuối năm 2023 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, ĐBQH Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) đề nghị, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục có giải pháp quyết liệt hơn nữa tháo gỡ những khó khăn, điểm nghẽn, nhất là công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án, giải ngân vốn đầu tư công.
Đồng thời, cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư, giải ngân; rà soát, đánh giá hiệu quả các dự án đầu tư công và có chế tài cụ thể, xác định rõ quyền và trách nhiệm của cơ quan giám sát để kịp thời ngăn chặn các khoản đầu tư vào các dự án không hiệu quả, chưa cần thiết và gây lãng phí…
Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương có giải pháp quyết liệt, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng; tiếp tục có giải pháp để sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản, thị trường bất động sản để giải phóng được nguồn lực; đẩy nhanh hơn tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021-2030 theo tiến độ và yêu cầu đề ra, kịp thời tháo gỡ việc không thống nhất giữa các quy hoạch ở khu vực dự án…
Chi tiết >>
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị Giao ban trực ...
BHXH Việt Nam thành lập Tổ tính toán cân đối quỹ BHXH, ...
BHXH Việt Nam tiếp nhận và xử lý cảnh báo chiến dịch tấn ...
Bắc Giang sớm hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về BHXH, ...
Diễn tập ứng cứu khẩn cấp sự cố an toàn thông tin khu vực ...
Người dùng đã có thể đăng nhập Cổng Dịch vụ công BHXH Việt ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?