Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung: BHXH Việt Nam có bước phát triển rất nhanh và đang đi đúng hướng

15/06/2023 03:39 PM


Sáng 15/6/2023, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã buổi làm việc với BHXH Việt Nam về việc xây dựng dự thảo Luật BHXH (sửa đổi).

Tham dự buổi làm việc có: Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc liên quan của 2 cơ quan.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá, trong những năm qua, BHXH Việt Nam có bước phát triển rất nhanh và đang đi đúng hướng, nhất là sau khi Nghị quyết số 28-NQ/TW của Trung ương về cải cách chính sách BHXH được ban hành thì lĩnh vực BHXH có nhiều chuyển biến rất rõ cả về quy mô phát triển người tham gia, tổ chức bộ máy và thực thi các chính sách. Hầu hết các chỉ tiêu được giao đều đạt và vượt; đặc biệt là phát triển BHXH tự nguyện vượt gấp 7,5 lần so với những năm trước đây. Chính sách BHXH từng bước khẳng định vai trò trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội quốc gia.

Thời gian qua do tác động của đại dịch Covid-19, BHXH Việt Nam đã rất sáng tạo, chủ động trong đề xuất các chính sách để BHXH thực sự là chỗ dựa của người lao động. BHTN đã trở thành “bà đỡ” của thị trường lao động. BH TNLĐ-BNN có tác dụng quan trọng, giảm thiểu và hỗ trợ người lao động lúc rủi ro.

Về tổ chức bộ máy, ngành BHXH Việt Nam từng bước được tinh gọn, hiệu quả. Việc thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, CCVC BHXH các cấp ngày càng gắn bó, nhịp nhàng với các bộ, ngành, địa phương. Hiện nay, BHXH Việt Nam đang có nhiều lĩnh vực đi đầu như: Cải cách hành chính, ứng dụng CNTT, cơ sở dữ liệu…

Kết dư các quỹ BHXH, BHTN, BH TNLĐ-BNN ngày càng tốt. Là tiền đề quan trọng để thời gian qua thực hiện được một loạt các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn. Đó là những chính sách chưa từng có tiền lệ, được triển khai nhanh chóng và rất hiệu quả.

Bên cạnh kết quả đạt được, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nhận định, trong quá trình triển khai tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT hiện nay cũng có những vấn đề mới phát sinh và cả những vấn đề do lịch sử để lại cần được quan tâm, xử lý với mục tiêu đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, lãnh đạo BHXH Việt Nam và một số đơn vị trực thuộc đã phát biểu ý kiến nêu một số thực trạng trong triển khai thực hiện chính sách BHXH hiện nay; đồng thời góp ý về một số nội dung trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi).

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đánh giá cao những nội dung cải cách của chính sách trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Ban soạn thảo đã làm rõ, cho thấy được sự cần thiết phải sửa đổi Luật; đánh giá được những ưu điểm, kết quả, hạn chế trong thi hành Luật BHXH thời gian qua.

Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn nêu cụ thể một số vấn đề góp ý vào dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) qua quá trình thực hiện chính sách BHXH của Ngành, nhấn mạnh đến Luật cần có tầm nhìn dài hạn hơn, nắm bắt được những biến động nhanh của xã hội, thị trường lao động và công nghệ hiện nay. Do đó, nhóm đối tượng tham gia và mức đóng cũng cần được quy định, thiết kế linh hoạt, bao trùm hơn. Bên cạnh đó là các vấn đề như: Bổ sung quy định về thứ tự ưu tiên phần bổ số tiền đóng của người lao động, người sử dụng lao động vào các quỹ thành phần; quy định rõ hơn công cụ để cơ quan BHXH quản lý đối tượng và thu nộp; bổ sung trách nhiệm kê khai của doanh nghiệp và người lao động trong tham gia; bổ sung quy định giải quyết tình trạng doanh nghiệp nợ đóng BHXH đã phá sản, giải thể, có chủ bỏ trốn; quy định hộ kinh doanh cá thể trong tham gia BHXH; giải quyết tình trạng mượn hồ sơ tư pháp trong tham gia BHXH…

Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng Ban Quản lý Thu- Sổ, thẻ Dương Văn Hào cũng nêu một số vấn đề, góp ý thêm vào nội dung dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) về các vấn đề như: BHXH 1 lần; quyền lợi của người đóng, người hưởng; mở rộng nhóm đối tượng; uỷ quyền với các tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT…

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan đánh giá, thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH và BHXH Việt Nam đã thực hiện rất tốt công tác phối hợp từ Trung ương đến địa phương, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chung trong tổ chức, thực hiện chính sách BHXH với các chỉ tiêu, kết quả đều đạt và vượt chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Trong xây dựng dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), thời gian qua, 2 ngành cũng thường xuyên phối hợp, thảo luận kỹ lưỡng, thực hiện khảo sát tại cơ sở. Những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong tổ chức, thực hiện chính sách BHXH đều được bàn kỹ, thấu đáo để giải quyết vì quyền lợi của người dân, người lao động.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung một lần nữa nhấn mạnh các mục tiêu quan trọng trong Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH. Trong đó có những nội dung rất khó đã được thực hiện như điều chỉnh tuổi nghỉ hưu. Từ đó cho thấy những vấn đề, mục tiêu khác của Nghị quyết hoàn toàn có thể thực hiện được nếu có phương pháp, lộ trình phù hợp.

Toàn cảnh buổi làm việc

Từ những nền tảng, kết quả đã đạt được, thời gian tới, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung yêu cầu, BHXH Việt Nam cần quan tâm 6 nội dung gồm: (1) Tập trung cao độ tất cả các đơn vị chức năng, nhất là cơ quan tham mưu về chính sách để tìm ra những vấn đề vướng mắc hiện nay trong Ngành về mặt thể chế, thu chi, để điều chỉnh bổ sung trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Các đơn vị cần khẩn trương, đồng hành với Ban soạn thảo để hoàn thiện dự thảo Luật theo hướng mở rộng hơn nữa các nhóm đối tượng được tham gia BHXH bắt buộc; khuyến khích người lao động, người sử dụng lao động tham gia BHXH, kể cả bắt buộc và tự nguyện, tiến tới BHXH toàn dân, để người lao động về già có lương hưu. (2) Khắc phục ngay tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN; tình trạng hưởng BHXH 1 lần và các hành vi gian lận, trục lợi khác. (3) Đảm bảo công tác đầu tư quỹ BHXH bền vững, an toàn, hiệu quả. (4) Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện các chính sách BHXH, BHYT; đặc biệt là việc kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về BHTN kết nối với cơ sở dữ liệu về BHXH. (5) Trong năm 2023, rà soát, thống kê, có báo cáo đánh giá trình Chính phủ để giải quyết dứt điểm việc chủ hộ kinh doanh cá thể tham gia BHXH bắt buộc. Với vấn đề nợ BHXH tại các doanh nghiệp đã phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn, BHXH làm đề xuất, có đánh giá tác động trình Chính phủ giải quyết; đồng thời, góp ý các giải pháp vào dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) để xử lý tình trạng này trong tương lai. (6) Nghiên cứu khởi tố, làm điểm một vài vụ việc trốn đóng, nợ đọng BHXH để tuyên truyền, răn đe.

Trong xây dựng dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), Bộ trường Đào Ngọc Dung yêu cầu Ban soạn thảo và BHXH Việt Nam cần tiếp tục phối hợp, rà soát kỹ lưỡng theo hướng quy định gì đang thông suốt, phát huy hiệu quả tốt thì giữ nguyên, tập trung tìm ra những khúc mắc mới để đưa vào luật, điều chỉnh, bổ sung. Về đối tượng tham gia phải tư duy theo hướng mới, mở rộng hơn nữa theo đúng tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW của Trung ương. Về BHXH 1 lần phải theo phương án, tinh thần của Nghị quyết số 28-NQ/TW, đảm bảo tôn trọng quyền của người lao động, người thụ hưởng, tăng quyền lợi để tăng tính hấp dẫn của chính sách BHXH. Bên cạnh đó, cũng chú trọng đến công tác truyền thông để người dân, người lao động, người sử dụng lao động ngày càng hiểu sâu sắc về chính sách BHXH, BHYT, cùng 1 tiếng nói, đồng thuận với cơ quan nhà nước trong tổ chức, thực hiện./.

PV