Ngành BHXH Việt Nam triển khai nhiệm vụ năm 2023

11/01/2023 11:40 AM


Sáng 11/01/2023, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn Ngành triển khai nhiệm vụ năm 2023. Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Trung ương có: Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng quản lý BHXH Nguyễn Văn Cường; các Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam: Trần Đình Liệu, Đào Việt Ánh, Lê Hùng Sơn, Nguyễn Đức Hoà, Chu Mạnh Sinh; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam và viên chức quản lý cấp phòng. Điểm cầu BHXH các địa phương có Ban giám đốc, lãnh đạo các phòng chức năng và BHXH cấp huyện.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh chủ trì Hội nghị

Toàn Ngành đạt nhiều thành tích quan trọng, toàn diện

Tại hội nghị, BHXH Việt Nam đã đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của Ngành trong năm 2022. Theo đó, trong bối cảnh với nhiều khó khăn, thách thức đan xen, ngành BHXH Việt Nam đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương để triển khai nghiêm túc, trách nhiệm, hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

Các đơn vị trực thuộc, BHXH các địa phương cùng với công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành đã phát huy tinh thần đoàn kết, có nhiều nỗ lực, cố gắng, chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ với quyết tâm hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu được giao.

Nhờ đó, các chỉ tiêu bao phủ BHXH, BHTN, BHYT đều tăng so với cùng kỳ và vượt so với Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ; việc triển khai thực hiện chế độ, chính sách, các gói hỗ trợ doanh nghiệp, NLĐ được Chính phủ, các Bộ, ngành đánh giá cao; quản lý và sử dụng quỹ BHXH, BHYT theo đúng quy định của pháp luật; tăng cường cải cách TTHC; đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện nghiêm túc và hoàn thành đúng kế hoạch theo nội dung tại Đề án 06 của Chính phủ; tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy BHXH các cấp; kỷ luật, kỷ cương tài chính, hành chính trong toàn Ngành được đảm bảo;…

Toàn cảnh Hội nghị

Một số kết quả nổi bật như sau:

- Diện bao phủ BHXH, BHYT, BHTN tiếp tục được mở rộng và vượt chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ với khoảng 91,1 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 92,04% dân số, tăng hơn 2,2 triệu người so với năm 2021 và là 1 trong 7 chỉ tiêu kinh tế - xã hội được Quốc hội, Chính phủ giao hoàn thành vượt kế hoạch. Khoảng 17,5 triệu người tham gia BHXH, đạt 38,08% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 14,3 triệu người tham gia BHTN, đạt 31,18% lực lượng lao động trong độ tuổi.

- Quyền lợi của người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN luôn được đảm bảo đầy đủ, kịp thời. Trong năm 2022, toàn ngành BHXH Việt Nam đã giải quyết cho: trên 95,6 nghìn hồ sơ hưởng mới và chi trả kịp thời đến 3,3 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng; gần 11 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; trên 977,6 nghìn người hưởng các chế độ BHTN; 151,4 triệu lượt người hưởng BHYT, với tổng số tiền chi cho người hưởng lên đến 382 nghìn tỷ đồng. Trong đó có 61% người hưởng qua tài khoản cá nhân, vượt chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1813/QĐ-TTG (trước 3 năm). Đặc biệt, nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho người tham gia BHYT theo quy định, BHXH Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp với ngành Y tế đề xuất và triển khai các giải pháp tháo gỡ, đảm bảo nguồn kinh phí KCB BHYT cho các cơ sở KCB, tạo thuận lợi trong cung ứng dịch vụ y tế cho người tham gia.

- BHXH Việt Nam tiếp tục chủ động phối hợp tham mưu, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ các giải pháp hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đồng thời tập trung huy động mọi nguồn lực, trên nền nguồn dữ liệu sẵn có, đẩy mạnh truyền thông sâu rộng để triển khai kịp thời các gói hỗ trợ từ các quỹ BHXH, BHTN cho NLĐ và người sử dụng lao động, nâng tổng số tiền hỗ trợ lên trên 47,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 45,2% trên tổng các gói hỗ trợ Covid-19 của Chính phủ (theo đó, đã có 99,3% người nhận hỗ trợ qua tài khoản ngân hàng).

Lãnh đạo Trung tâm CNTT tham luận tại Hội nghị

- Công tác truyền thông chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN tiếp tục được đổi mới theo hướng hiện đại, đa dạng, linh hoạt, phù hợp; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, hội, đoàn thể; các cơ quan thông tấn, báo chí triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh truyền thông trên phạm vi toàn quốc. Qua đó, tạo ra sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo; sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội trong suốt quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách (đó là tiền đề, là cơ sở để toàn Ngành phát triển được trên 1,4 triệu người (chủ yếu là nông dân, lao động tự do) tham gia BHXH tự nguyện; hơn 20 triệu người tham gia BHYT hộ gia đình); giúp nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của DN; giúp người dân hiểu giá trị, ý nghĩa nhân văn của chính sách BHXH, BHYT để chủ động tham gia lưới an sinh xã hội...

- Công tác cải cách thủ tục hành chính, tinh gọn bộ máy được triển khai hiệu quả, đã giảm từ 114 thủ tục, với 335 giờ thực hiện (năm 2015) xuống còn 25 thủ tục với số giờ thực hiện chỉ còn trên 100 giờ; đồng thời đẩy mạnh giao dịch điện tử, thực hiện dịch vụ công (DVC) trực tuyến, 100% DVC của Ngành được thực hiện ở mức độ 4; người dân có thể tương tác với cơ quan BHXH ở nhiều kênh khác nhau như: Tổng đài hỗ trợ, Cổng thông tin điện tử, các trang mạng xã hội của Ngành… Trong năm đã có khoảng 18,3 triệu lượt người tương tác, tiếp cận với các thông tin về chính sách. Về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, toàn Ngành đã quyết liệt triển khai đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Kết quả, tại Trung ương đã cắt giảm 03 đơn vị cấp Vụ, 13 đơn vị cấp phòng; tại 63 BHXH tỉnh, thành phố đã cắt giảm 65 đơn vị cấp phòng, 64 BHXH cấp huyện. Sau khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy đã giảm 450 các chức danh lãnh đạo, quản lý trong toàn Ngành ở cả 3 cấp Trung ương, tỉnh, huyện và giảm 2.185 biên chế.

- Công tác ứng dụng CNTT, chuyển đổi số của Ngành tiếp tục được ưu tiên tập trung triển khai đồng bộ và có bước phát triển vượt bậc, góp phần đổi mới phương thức hoạt động của Ngành, xây dựng thành công Chính phủ số; phục vụ tốt nhất quyền lợi của DN, người dân và các chủ thể tham gia BHXH, BHYT. Hiện kho cơ sở dữ liệu của Ngành đã có thông tin của trên 98,7 triệu người dân; kết nối liên thông với gần 13 nghìn cơ sở KCB; tiếp nhận khoảng 300 triệu hồ sơ giao dịch trực tuyến trên Hệ thống giao dịch điện tử và Hệ thống Thông tin giám định BHYT; thực hiện hơn 500 triệu xác thực và chia sẻ thông tin với các Bộ, ngành địa phương… Hoàn thiện, bổ sung ứng dụng "VssID-BHXH số", đến ngày 31/12/2022, toàn quốc có trên 28 triệu tài khoản được phê duyệt và kích hoạt sử dụng.

Thực hiện Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ, BHXH Việt Nam là đơn vị đầu tiên đã kết nối thành công với CSDL quốc gia về dân cư ngay khi được đưa vào vận hành chính thức. Ngành đã cung cấp, chia sẻ gần 62,3 triệu lượt thông tin cho CSDL quốc gia về dân cư. Đến nay đã có trên 12 nghìn cơ sở KCB tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD gắn chíp (chiếm 93,8% tổng số cơ sở KCB BHYT). Việc thí điểm tích hợp công nghệ xác thực sinh trắc vân tay trên CCCD gắn chíp trong KCB BHYT và tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC tại bộ phận “Một cửa”; tích hợp các DVC trên Cổng DVC quốc gia được triển khai và mang lại những kết quả tích cực, đem lại lợi ích thiết thực cho người tham gia.

Lãnh đạo BHXH TP.Hà Nội tham luận tại Hội nghị

- Triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp đôn đốc, thu hồi số tiền chậm đóng. Nhằm nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng cho người tham gia, Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam ban hành Nghị quyết số 317 về việc tăng cường các giải pháp thu, giảm tiền chậm đóng với các chỉ đạo cụ thể như: BHXH các tỉnh thường xuyên báo cáo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh về tình trạng chậm đóng, yêu cầu các DN chấp hành nghiêm nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ; Tích cực phối hợp với ngành Công an, Thuế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động,… triển khai nhiều giải pháp đôn đốc, thu hồi số tiền chậm đóng. Trong đó, cơ quan Công an và BHXH 63 tỉnh, thành phố đã phối hợp chặt chẽ thu hồi số tiền chậm đóng trên 500 tỷ đồng. Đồng thời, qua thanh tra, kiểm tra, Ngành đã truy thu hơn 74 nghìn trường hợp về đối tượng, mức đóng với số tiền gần 200 tỷ đồng; thu hồi về quỹ gần 90 tỷ đồng, bằng 160% so với năm 2021. Nhờ đó, số tiền chậm đóng phải tính lãi chỉ chiếm 2,9% số phải thu - đây là tỷ lệ số tiền chậm đóng trên số phải thu thấp nhất từ năm 2016 (6%) trở lại đây. Những chuyển biến tích cực trong công tác thu hồi số tiền chậm đóng đã góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật của người SDLĐ trong thực hiện chính sách.

- Tiếp nối truyền thống "Thương người như thể thương thân", BHXH Việt Nam đã phát động “Chương trình tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho người có hoàn cảnh khó khăn” trên toàn quốc. Kết quả, đã trao tặng trên 16 nghìn sổ BHXHtrên 124 nghìn thẻ BHYT cho 140 nghìn người có hoàn cảnh khó khăn trong cả nước.

Quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023

Bên cạnh kết quả đạt được, tại Hội nghị, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, BHXH các địa phương cũng tham luận, chia sẻ về một số khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện BHXH, BHYT; nhất là những vướng mắc về cơ chế, chính sách; khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, biến động trong sản xuất, kinh doanh.

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Ngành, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh ghi nhận và đánh giá cao các kết quả toàn Ngành đã đạt được trong năm 2022, với bối cảnh hết sức khó khăn. Những kết quả là rất tích cực, toàn diện được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá cao; được người dân, người lao động và doanh nghiệp tin tưởng, hài lòng.

Với tiền đề từ kết quả đạt được năm 2022, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu toàn Ngành, trong năm 2023 tiếp tục nỗ lực phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao với phương châm hành động: “Đoàn kết - Kỷ cương - Linh hoạt - Sáng tạo - Chuyên nghiệp - Hiệu quả”.

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đánh giá, tình hình thế giới năm 2023 dự báo tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường. Thực tiễn đòi hỏi toàn Ngành phải tiếp tục đổi mới phương thức, cách thức hoạt động, đặc biệt là việc tăng cường ứng dụng CNTT, chuyển đổi số để nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách trong tình hình mới, nâng cao chất lượng phục vụ người tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT.

Để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đề ra trong năm 2023, Tổng Giám đốc yêu cầu, toàn Ngành tập trung triển khai 8 nhóm giải pháp trọng tâm gồm:

Thứ nhất, bám sát chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ kịp thời cụ thể hóa thành các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để triển khai trong toàn Ngành.

Thứ hai, nắm bắt, đánh giá các vướng mắc trong thực tiễn triển khai, từ đó, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật cho phù hợp.

Thứ ba, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành; cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN.

Thứ tư, đổi mới hơn nữa nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông để người dân có thể tiếp cận tốt nhất mọi thông tin về BHXH, BHYT, BHTN.

Thứ năm, triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia; đảm bảo giải quyết, chi trả kịp thời, đầy đủ các quyền lợi về BHXH, BHTN, BHYT; tập trung đôn đốc thu, giảm nợ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất; kịp thời xử lý các hành vi vi phạm.

Thứ sáu, khai thác, phát huy tối đa hiệu quả hệ thống công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu của Ngành để kiểm tra, phòng ngừa gian lận, trục lợi quỹ; thực hiện đồng bộ các biện pháp để quản lý quỹ an toàn, tăng trưởng bền vững, hiệu quả.

Phó Tổng Giám đốc Chu Mạnh Sinh phát động Phong trào thi đua yêu nước ngành BHXH Việt Nam năm 2023 tại Hội nghị

Thứ bảy, tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; mở rộng các hình thức cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của Ngành. Đẩy nhanh chuyển đổi số; hoàn thiện và kết nối hệ thống dữ liệu chuyên ngành về BHXH, BHYT với các Bộ ngành; tiếp tục kết nối, liên thông hiệu quả các cơ sở dữ liệu Quốc gia về bảo hiểm; ...

Thứ tám, tiếp tục kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy; nâng cao chất lượng đội ngũ; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.

Tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Chu Mạnh Sinh đã phát động Phong trào thi đua yêu nước ngành BHXH Việt Nam năm 2023 với chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, linh hoạt, sáng tạo, chuyên nghiệp, hiệu quả. Trong đó, quán triệt, tuyên truyền tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng; gắn với kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua Ái quốc (11/6/1948-11/6/2023). Bám sát chủ trương, đường lối, định hướng, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, kịp thời cụ thể hóa thành các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, chương trình, kế hoạch công tác để triển khai trong toàn Ngành.

Mục tiêu cụ thể, năm 2023, toàn Ngành phấn đấu hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển người tham gia: đạt khoảng 40,2% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; đạt khoảng 31,7% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN; đạt khoảng 93,2% dân số tham gia BHYT; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức trên 83%; đạt và vượt số thu BHXH, BHTN, BHYT được giao; giảm tỷ lệ số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN phải tính lãi năm 2023 trên số phải thu dưới mức 2,91%./.

PV