Hà Nội: Đề xuất được quyết định mức chi, nội dung chi cho an sinh xã hội cao hơn

28/11/2022 02:48 PM


“Thành phố quyết định mức chi, nội dung chi cho an sinh xã hội cao hơn và phạm vi đối tượng được thụ hưởng rộng hơn so với quy định chung, tiến tới bao phủ toàn dân”- đó là đề xuất của UBND TP.Hà Nội tại Hội thảo “Phát triển hệ thống y tế Thủ đô hiện đại, hướng tới mục tiêu chăm sóc toàn diện, nâng cao sức khỏe nhân dân”.

Theo UBND TP.Hà Nội, những năm qua, hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô nhìn chung được bảo đảm khá tốt; các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội của Nhà nước được thực hiện đúng, đủ và kịp thời. Thành phố cũng đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách đặc thù riêng.

Hình minh họa

5 năm qua, Hà Nội đã xây dựng 10.000 nhà ở cho người có công, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 7.565 nhà ở cho hộ nghèo; trên 90% dân số có BHYT... Thủ đô Hà Nội cũng đã thực hiện tốt chủ trương “điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp đối tượng bảo trợ xã hội nói chung và đối tượng bảo trợ xã hội sống tại cơ sở bảo trợ xã hội nói riêng theo quy định chung của Chính phủ, nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của đối tượng”.

Mức trợ cấp xã hội của Thủ đô Hà Nội quy định mức chuẩn cao hơn quy định của Trung ương (440.000 đồng so với 360.000 đồng giai đoạn 2021-2025). Thành phố cũng ban hành chính sách đặc thù trợ cấp hằng tháng cho các nhóm đối tượng như: Người già yếu không có khả năng tự phục vụ; người mắc bệnh hiểm nghèo không có khả năng lao động; thanh niên xung phong không có khả năng lao động, sống cô đơn với mức trợ cấp cho các đối tượng này là 440.000đ/người/tháng.

Hà Nội cũng đã đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giảm nghèo bền vững, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, giảm khoảng cách chênh lệch giàu nghèo thành thị, nông thôn, miền núi. Thủ đô Hà Nội có tỷ lệ nghèo giảm nhanh nhất, giảm mạnh từ 7,52% đầu năm 2011 xuống còn 0,21% năm 2021.

Năm 2021, Thủ đô Hà Nội quy định mức chuẩn nghèo mới giai đoạn 2021-2025 cao hơn mức chuẩn nghèo đa chiều của cả nước. Thành phố đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu; cấp thẻ BHYT miễn phí cho 100% hộ nghèo; miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh nghèo; hỗ trợ hộ nghèo tìm kiếm việc làm; tập huấn nâng cao kiến thức, học tâp các mô hình giảm nghèo hiệu quả; thực hiện các chính sách đối với các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi, xã, thôn đặc biệt khó khăn…

Đồng thời, Thành phố còn hỗ trợ hộ nghèo vay vốn; trợ cấp cho người già yếu, người mắc bệnh hiểm nghèo, không có khả năng lao động thoát nghèo; hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ BHYT cho hộ cận nghè; xây mới, sửa chữa nhà cho hộ nghèo...

Hình minh họa

Mặc dù vậy, tỷ lệ giảm nghèo được đánh giá chưa thực sự bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao; chênh lệch mức sống giữa nông thôn và thành thị chậm cải thiện. Việc huy động nguồn lực xã hội cho công tác an sinh xã hội còn hạn chế; các cơ sở trợ giúp xã hội chưa phát triển mạnh, việc khuyến khích đầu tư, huy động nguồn lực đầu tư trong lĩnh vực an sinh xã hội còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng.

Chính tốc độ đô thị hóa nhanh, di cư tự do và sự dịch chuyển việc làm đã gây áp lực cho khu vực đô thị trong việc cung cấp các dịch vụ xã hội và đảm bảo quyền thụ hưởng chính sách an sinh xã hội của người dân, đặc biệt là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Độ bao phủ đối tượng bảo trợ xã hội còn thấp, nhiều người có hoàn cảnh khó khăn vẫn chưa với tới được chính sách bảo trợ xã hội...

Vì vậy, UBND Thành phố đề xuất được quyết định mức chi, nội dung chi cho an sinh xã hội cao hơn và phạm vi đối tượng được thụ hưởng rộng hơn so với quy định chung, tiến tới bao phủ toàn dân. Đồng thời, thành phố quyết định việc hỗ trợ lãi suất ưu đãi cho các đối tượng thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo, đối tượng chính sách vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, giải quyết việc làm.

"Việc quy định Hà Nội được quyết định mức chi, nội dung chi cho an sinh xã hội cao hơn và phạm vi đối tượng được thụ hưởng rộng hơn so với quy định chung, tiến tới bao phủ toàn dân sẽ giúp Thủ đô thực hiện công tác an sinh xã hội tốt hơn và đảm bảo hài hòa hơn giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển xã hội; phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân…"- đại diện UBND TP.Hà Nội nhấn mạnh.

PV